Không gian văn hóa dân tộc Mường với những giá trị đặc sắc, góp phần tạo nên bức tranh trọn vẹn cho Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
"Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em
Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) có tổng diện tích trên 1.540 ha, chia thành 7 khu chức năng: khu quản lý điều hành văn phòng, khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, khu di sản văn hóa thế giới và đặc biệt, khu các làng dân tộc được coi là linh hồn, là trái tim của cả quần thể rộng lớn này. Nơi đây đã tái hiện đầy đủ các làng dân tộc trên khắp mọi miền đất nước, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Vốn sinh sống trên dải đất liền hình chữ S rộng dài đến 327.480 km2, 54 dân tộc anh em đã được quy tụ về đây trong một không gian được đầu tư đồng bộ để tôn vinh những giá trị đặc sắc nhất, đáng tự hào nhất của dân tộc mình; đồng thời cùng nhau vun đắp cho "ngôi nhà chung”, tạo nên một cộng đồng mang tính quốc gia có một không hai trên cả nước.
Được biết, trên thế giới, các mô hình làng văn hóa - nơi hội tụ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong một quốc gia đã xuất hiện khá nhiều. Nhưng ở Việt Nam, chưa một mô hình nào tương tự mang tầm quốc gia, thể hiện được đầy đủ những đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc anh em như Làng VH - DL các dân tộc Việt Nam. Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, nơi đây được đầu tư xây dựng thành "một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế...”. Đây cũng là nơi tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc Việt Nam; giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước của công dân Việt Nam; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới; phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân trong nước va du khách quốc tế.
Bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2010, Làng VH - DL các dân tộc Việt Nam đã tái hiện đầy đủ và sống động một không gian văn hóa có sự gắn kết đặc biệt. Các hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức định kỳ tại Làng đã góp phần gìn giữ, phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Từ năm 2016 đến nay, bên cạnh những sự kiện điểm nhấn được tổ chức hàng năm như "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, "Tuần đại đoàn kết - di sản văn hóa Việt Nam”… Làng còn có các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chuyên đề về ẩm thực, âm nhạc, trang phục… do đồng bào các dân tộc đại diện các vùng, miền về sinh sống tái hiện. Đến với "ngôi nhà chung”, du khách sẽ được thỏa sức khám phá kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc, được trải nghiệm nếp sinh hoạt đơn sơ của đồng bào, được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và cảm thấy thật ấm áp, bình yên khi hòa mình trong một không gian thấm đẫm tính nhân văn và tinh thần đoàn kết. Đó chính là hồn cốt của không gian văn hóa Việt - nơi từng người, từng dân tộc đều tự hào về bản sắc dân tộc mình nhưng đều tôn trọng những giá trị chung mà cộng đồng đang hướng tới.
Tự hào bản sắc Mường trong không gian văn hóa Việt
Là một phần không thể thiếu của Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam, "không gian văn hóa dân tộc Mường” được tái hiện trong một khuôn viên thoáng rộng, mát lành, rợp màu xanh của cây cối thuộc khu các làng dân tộc. Ba nếp nhà sàn mộc mạc như ba người anh em thân thiết rủ nhau nằm thật bình yên dưới những tán cây xanh. Ở đây, gần như dân tộc nào cũng được quy tụ trong ba nếp nhà - như kiềng ba chân tượng trưng cho sự đoàn kết và bền vững.
Giữ vẹn nguyên những giá trị truyền thống trong không gian sống của đồng bào dân tộc Mường, cả ba ngôi nhà sàn đều có kiến trúc cơ bản dựa trên nguyên vật liệu là gỗ, tre, nứa, lá, kết hợp với một chút đất, đá. Nổi bật nhất là phần mái lợp bằng cỏ gianh. Nhờ lợp mái gianh nên nhà người Mường luôn ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Ngoài ra, cấu trúc cơ bản về gian, buồng, cầu thang cũng giống nhau, cho thấy sự đơn giản, mộc mạc đúng như bản chất đặc trưng của người Mường.
Chị Bùi Thị Hằng là một người con của đất Mường Thàng xưa (nay thuộc địa bàn huyện Cao Phong) được chọn đến đây để giới thiệu cho du khách những giá trị đặc sắc của dân tộc mình, giống như một đại sứ về văn hóa - du lịch, chị đương nhiên cảm thấy rất tự hào. Cùng với chị còn có 5 người khác cũng là người Mường Hòa Bình. Trong số họ, người đến từ Mường Thàng (Cao Phong), người đến từ Mường Vang (Lạc Sơn), người đến từ Mường Bi (Tân Lạc)… đều là những người rất am hiểu và thành thục các lĩnh vực khác nhau trong đời sống sinh hoạt -tâm linh của đồng bào dân tộc Mường.
"Được lựa chọn đến đây, chúng tôi cảm thấy tự hào vì đã trở thành một chủ thể văn hóa có trách nhiệm mang đến giới thiệu những giá trị đặc sắc của dân tộc mình, đóng góp vào không gian văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” - chị Bùi Thị Hằng phấn khởi trò chuyện. Tại đây, chị và những người đồng hương luôn ý thức rằng mình đang "làm văn hóa”. Nghĩa là phải giúp cho du khách thấy được hồn cốt của văn hóa dân tộc mình thông qua nhiều cách gìn giữ và giới thiệu: Thông qua những bộ trang phục mà họ mặc trên người, những món ăn đặc trưng mà họ nấu, những hoạt động thường ngày mà họ tự tin hướng dẫn du khách, những lời ca, tiếng hát giao lưu bên ánh lửa bập bùng trong khuôn khổ chương trình du lịch homestay trải nghiệm "một ngày bản buôn”... Đặc biệt, bản sắc văn hóa dân tộc Mường đã được thể hiện sinh động và hấp dẫn trong các sự kiện lớn mà Làng tổ chức với tinh thần "hòa nhập chứ không hòa tan”. Điển hình như: tái hiện Lễ mừng cơm mới, lễ hội phường sắc bùa, lễ hội Đâm Đuống, tham gia giới thiệu các trò chơi dân gian, các chương trình dân ca, dân vũ, các chương trình chợ phiên vùng cao chào năm mới…
Anh Hà Đức Cường, đại diện Ban Quản lý Khu các làng dân tộc, Làng VH - DL các dân tộc Việt Nam khẳng định: Thông qua các hoạt động khá nổi bật, bản sắc văn hóa dân tộc Mường đã được thể hiện đậm đặc và ấn tượng, góp phần tạo nên sức hút ngày càng mạnh mẽ của "ngôi nhà chung”. Trong năm 2018, Làng đã tổ chức các hoạt động hàng tháng theo nhiều chủ đề khác nhau với nhiều chương trình mới mẻ, độc đáo, phản ánh sự đa dạng, hấp dẫn của không gian văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đã có trên 560 lượt đồng bào dân tộc của 39 địa phương, cùng 14 nhóm cộng đồng dân tộc (trong đó có dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình) về tham gia hoạt động hàng ngày, thực hành 22 lễ hội truyền thống tại Làng để giới thiệu tới du khách những di sản văn hóa đặc sắc nhất, nổi bật nhất của các dân tộc. Nhờ đó, Làng đã đón trên 500.000 lượt du khách đến thăm quan và trải nghiệm trong năm 2018, vượt 20% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả này chứng minh sức hút đặc biệt của không gian văn hóa các dân tộc Việt Nam, trong đó có mảnh ghép không thể thay thế là không gian văn hóa dân tộc Mường.
Chị Bùi Thị Hằng tự hào giới thiệu về chiêng Mường và bếp Mường – hai giá trị văn hóa được coi là linh hồn trong ngôi nhà sàn của người Mường
Thu Trang