(HBĐT) - Nhiều người chia sẻ: Tây Bắc vốn đã đẹp thì vào mùa nào cũng đẹp. Nhưng đặc biệt vào mùa xuân, ai đã trót yêu thì đừng lỗi hẹn với Tây Bắc. Bởi, vẫn một Tây Bắc hùng vĩ và khoáng đạt như vốn thế, nhưng tiết xuân khiến vùng đất ấy vừa như được vuốt ve để trở nên lãng mạn và tinh tế hơn, vừa như được trút thêm men say để trở nên thật thăng hoa, thú vị. Vậy nên, ngay trong mùa xuân này, xin đừng ngần ngại, hãy đi theo tiếng gọi của mùa xuân và có những trải nghiệm tuyệt vời trên những nẻo đường Tây Bắc.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh Nguyễn Đức Thành (Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) quyết định sẽ đi du lịch vùng Tây Bắc với ba điểm đến trọng tâm là Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu. Đây không phải lần đầu tiên anh Thành đặt chân đến các tỉnh vùng Tây Bắc. Trước đó, anh đã từng đi Sapa của Lào Cai -nơi anh được thỏa mãn thú tang bồng của tuổi trẻ, chinh phục chiều cao của "nóc nhà Đông Dương” và tự hào vẫy trên tay lá cờ Tổ quốc. Anh đã từng đến Điện Biên để khám phá quần thể di tích "chấn động địa cầu” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Và anh đã từng quyết tâm đến Yên Bái, phi xe máy đổ đèo vào tận Mù Cang Chải để rồi kinh ngạc phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy mê hoặc của tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang vàng rực cả một góc trời... Đó thực sự là những trải nghiệm không thể nào quên, chỉ những miền sơn cước đặc thù như Tây Bắc mới có thể mang lại cho một chàng trai vốn quen thuộc với mặn mòi biển cả như anh Nguyễn Đức Thành.


Cảnh sắc tuyệt mỹ chỉ có trong mùa xuân của đồi chè Mộc Châu (Sơn La) khiến du khách không thể không tìm đến chiêm ngưỡng. 

"Tôi nghe nói mùa xuân ở Tây Bắc đẹp lắm nên nhất định không thể trì hoãn chuyến đi này” -anh Nguyễn Đức Thành hào hứng chia sẻ. Đi cùng anh lần này là 5 người bạn cùng câu lạc bộ Phượt Bụi 28 ở Đà Nẵng - câu lạc bộ hiện đã có trên 1.700 thành viên trên mạng xã hội facebook. Họ đều là những người trẻ mang trong mình nhiều năng lượng, khát khao chinh phục những cung đường và đam mê khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của những vùng đất mới. Với họ, Tây Bắc có sức hút mãnh liệt của một vùng đất sở hữu nhiều kiệt tác thiên nhiên kỳ vĩ và hoang sơ. Hơn thế nữa, sự đa dạng và đặc sắc về văn hóa các dân tộc nơi đây cũng hứa hẹn mang tới nhiều ấn tượng khó phai cho hành trình khám phá của các bạn trẻ.

Thật vậy, du lịch Tây Bắc với bạn sẽ không bao giờ là đủ thời gian, bởi sự đa dạng trong cảnh sắc, đa tầng trong văn hoá các dân tộc nơi đây khiến bạn cứ mải miết khám phá mà chưa muốn dừng lại. Sáu tỉnh vùng Tây Bắc (gồm Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái và Hòa Bình) chính là sáu mảnh ghép tạo nên một bức tranh trọn vẹn: có sắc màu rực rỡ, có âm thanh rộn ràng, có chiều sâu về văn hóa, mang tới những cung bậc cảm xúc đủ mạnh để khiến bạn muốn đi nhiều hơn, tìm hiểu nhiều thêm về mảnh đất và con người nơi đây.

Mang trong mình những đặc trưng của cả vùng Tây Bắc, Hòa Bình - "cửa ngõ” của vùng nhưng chỉ cách Thủ đô Hà Nội khoảng 1 giờ chạy xe ô tô - đang trở thành điểm đến lý tưởng của du khách mỗi độ Tết đến, xuân về. Bắt đầu từ đây mở ra cung đường quyến rũ bậc nhất để khám phá vùng Tây Bắc: Hòa Bình -Sơn La -Điện Biên - Lai Châu. Đây vốn là cung đường "đi mãi không chán” đối với du khách đam mê dịch chuyển, nơi họ được khám phá những điểm đến đặc trưng nhất của vùng Tây Bắc: Đèo Thung Khe lồng lộng gió của thung lũng Mai Châu xinh đẹp, đỉnh Pha Luông cao vời vợi -"nóc nhà” của cao nguyên Mộc Châu, đỉnh Tà Xùa với biển mây cuồn cuộn - niềm tự hào của vùng đất Bắc Yên trập trùng núi đá…

Theo hành trình từ Hòa Bình ngược lên khám phá vùng Tây Bắc mùa xuân, bạn sẽ được hưởng trọn thú vui nghỉ ngơi trên những đỉnh đèo lộng gió, lạc bước trong vườn mận trắng muốt hay dừng chân dưới gốc đào rạng rỡ đón nắng xuân... Cùng với việc thưởng ngoạn những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, bạn có thể trải nghiệm hình thức du lịch homestay để khám phá nhiều nét đẹp khác nhau trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của người dân địa phương. Khi đó, đừng ngần ngại hòa mình vào lễ hội mùa xuân của các dân tộc Thái, Mường, Tày, Mông... Những điểm hấp dẫn này, bạn sẽ gặp trên mọi nẻo đường Tây Bắc từ Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La) đến Tuần Giáo (Điện Biên), đến Mường Lay (Lai Châu).


Du khách thưởng thức rượu cần - nét văn hóa đặc trưng của Mai Châu (Hòa Bình) và của cả miền Tây Bắc rộng lớn. 

Bạn có thể chọn đường đèo cũ hoặc mới để trải nghiệm. Mỗi cung đèo đều có thể tìm thấy những điểm thú vị khác nhau. Ở đâu trên miền Tây Bắc cũng có cảnh sắc núi sông thật hùng vĩ và khoáng đạt, đan xen với đời sống văn hóa đa sắc của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Mông. Bạn có thể thức dậy sớm đón bình minh, tận hưởng buổi sáng tinh sương mát lành, trong vắt đặc trưng của miền núi, đi dạo trong các bản làng hay tìm mua sản vật của núi rừng trong các phiên chợ của bà con dân tộc... Ở những nơi đó, dù nhận thấy những điểm chung hay khám phá ra sự khác biệt, bạn sẽ luôn háo hức với những tên bản, tên làng, luôn thấy lòng ấm áp khi trò chuyện với người dân bản địa… Chỉ riêng tại địa phận tỉnh Hòa Bình, bạn đã có thể khám phá hàng loạt địa danh hấp dẫn như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, vùng hồ Thung Nai thơ mộng như một Hạ Long trên núi, đất Mường Thàng bạt ngàn cam, mía ngọt lành, ruộng bậc thang ở Miền Đồi hay thác Mu tuôn dài như một dải lụa trải dọc xuống chân núi… Đặc biệt, với những ai muốn "săn mây” trên đỉnh đèo Thung Khe, cảm xúc sẽ vỡ òa sung sướng khi được ngắm biển mây cuồn cuộn muôn hình, kỳ dạng dưới chân đèo Thung Khe. Theo những người có kinh nghiệm thì biển mây ấy chỉ có khi tiết trời vào xuân.


Các bạn trẻ trong nhóm Phượt Bụi 28 chinh phục các cung đường Tây Bắc, đoạn từ Mai Châu (Hòa Bình) sang Mộc Châu (Sơn La). 

Cũng tương tự, những cảnh sắc tuyệt mỹ của vùng Tây Bắc cũng chỉ được phô diễn trọn vẹn nhất vào mùa xuân. Không biết tự bao giờ, mỗi khi mùa xuân đến, muôn hoa lại bung nở bạt ngàn khắp núi rừng Tây Bắc. Từ cuối tháng 12, hoa cải vàng, cải trắng đã rộ khắp các triền đồi, những cánh đồng tam giác mạch cũng thi nhau đua sắc. Sang đến tháng giêng và trải dài đến tận tháng hai, vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân Tây Bắc được phô diễn trọn vẹn qua sắc hoa đào, hoa mận. Hai nàng công chúa nổi bật của núi rừng Tây Bắc khoáng đạt chỉ chờ đến mùa xuân để khoác lên mình tấm áo choàng đẹp nhất. Áo của hoa mận thì màu trắng tinh khôi. Áo của hoa đào thì phớt hồng e ấp. Cả hai hòa quyện với màn sương giăng giăng như mơ, như thực, như ở chốn bồng lai, làm ngưng đọng cảm xúc của bất cứ ai đang lạc bước vào chốn vô thường kỳ diệu này. Với những người yêu vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên, đó là khoảng thời gian họ thấy không thể lỗi hẹn với núi rừng Tây Bắc. Bởi khi đó, Tây Bắc vẫn mang vẻ đẹp hùng vĩ và khoáng đạt nhưng tiết xuân khiến vùng đất ấy vừa như được vuốt ve để trở nên lãng mạn và tinh tế hơn, vừa như được trút thêm men say để trở nên thật thăng hoa, thú vị.Chắc chỉ mùa xuân mới có thể làm được điều đó. Thế nên, nếu bạn còn ngần ngại, hãy lắng nghe tiếng gọi của con tim để về với miền Tây Bắc, ngay trong mùa xuân này./.


                                                                     Thu Trang


Các tin khác


Khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 TP Hồ Chí Minh

Tối 2-2 (28 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Lễ hội Đường hoa Tết Kỷ Hợi 2019 với chủ đề "TP Hồ Chí Minh - Vững bước vươn xa”. Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

Tản mạn xung quanh bộ chữ Mường

(HBĐT) - Ngày xuân trong sương khói lãng đãng mơ màng bên tách trà, ngắm nhìn những nụ đào hồng tươi khoe sắc, lòng người xốn xang, thường hay nghĩ về chuyện đã qua với nỗi lòng trải nghiệm suy ngẫm.

Người lưu giữ tinh hoa bảo vật xứ Mường

(HBĐT) - Năm 2014, được sự đồng ý của UBND tỉnh, ông Bùi Thanh Bình thành lập Bảo tàng Di sản văn hóa Mường. Với đam mê, khát vọng bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản dân tộc, ông Bình đã dành hơn 30 năm miệt mài sưu tầm các di vật, cổ vật của dân tộc Mường trên khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đến nay, có trên 6.000 hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng.

Vui hội ném còn

(HBĐT) - Ném còn là trò chơi dân gian thường được các dân tộc Thái, Mường, Tày, Mông tổ chức vào dịp lễ, Tết. Về cơ bản, luật chơi ném còn của các dân tộc giống nhau. Tuy nhiên, qua trò chơi, mỗi dân tộc lại mang một thông điệp, khát vọng riêng. Đối với người Mường, hội ném còn là dịp để nam thanh, nữ tú gặp nhau. Trò chơi này như bà mối se duyên cho trai tài, gái sắc. Bên nào thua sẽ để lại một vật làm tin. Thường người thua là con trai để lấy lòng người con gái. Sau lễ hội, các chàng trai sẽ quay lại nhà cô gái để xin lại vật gửi làm tin trước đó, đây cũng là cớ để hai người gặp gỡ, tìm hiểu tiếp.

Trải nghiệm bữa cơm "vào Tết" của người Mường

(HBĐT) - Khi hoa đào hoa mận bung nở khoe sắc, báo hiệu một năm mới đang đến với vạn sắc màu sặc sỡ, người Mường Hòa Bình cũng bắt đầu chuẩn bị đón Tết, tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc được tận hưởng theo phong tục riêng của người Mường.

“Sen nở xứ Mường” Trên hành trình hướng Phật

(HBĐT) - Chúng tôi có mặt tại Hòa Bình Phật Quang tự trong những ngày đầu tháng chạp, khi xuân đã bắt đầu thấp thoáng bên những nụ đào phai. Bất chấp thời tiết giá rét, các bạn trẻ của câu lạc bộ (CLB) "Sen nở xứ Mường” vẫn chăm chỉ, cần mẫn cùng các tăng ni, phật tử của chùa Hòa Bình Phật Quang chuẩn bị nhiều phần quà thiết thực trao cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục