(HBĐT) - Nghề dệt thổ cẩm có từ lâu đời, là một nét văn hóa đặc trưng của người Mường Hòa Bình. Sắc màu của cuộc sống, không gian của núi rừng được đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mường khắc họa trên từng đường nét hoa văn thổ cẩm. Có lẽ mùa xuân là thời gian đẹp nhất để thổ cẩm khoe sắc. Từ bàn tay khéo léo, với tình yêu và tâm huyết bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc, những nghệ nhân, những người phụ nữ ngày đêm miệt mài bên khung cửi để làm ra sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc, lấp lánh tình yêu quê hương, đất nước. Họ đã dệt nên mùa xuân, dệt thành mơ ước lưu giữ và truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.


 Thiếu nữ Mường duyên dáng bên khung dệt.

Ngày xuân dệt chăn, áo cho người thân

Nhìn cách mẹ tôi giặt chiếc chăn thổ cẩm tỉ mỉ, cẩn thận bằng nước ấm, xà phòng thơm và chọn chỗ râm mát, thoáng gió để phơi cho đỡ phai màu mới biết mẹ trân trọng, giữ gìn chiếc chăn ấy thế nào. Đó là chiếc chăn đầu tiên tự tay mẹ dệt nên từ thời còn là thiếu nữ mười tám, đôi mươi. Chiếc chăn mà mẹ đã học và dệt trong nhiều ngày ròng để đến một ngày mùa xuân rực rỡ, mẹ hoàn thành "tác phẩm” đầu đời - Đó cũng là ngày xuân ý nghĩa để mẹ tự tin tiếp tục dệt nên những tác phẩm có ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Đúng theo phong tục truyền thống, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, gia đình tôi lại đem mọi thứ đồ đạc ra sắp xếp, lau chùi sạch sẽ. Mẹ không quên chọn ngày thời tiết đẹp để đem chăn, váy áo ra giặt. Mẹ bảo: "Mấy chục năm rồi mà vẫn nhớ như in cái cảm xúc hoàn thành chiếc chăn. Mẹ đã đắp chiếc chăn suốt thời gian đi học xa nhà. Cảm giác ấm áp như gia đình, bản làng gần gũi lắm. Rồi sinh các con, mẹ lại ôm ấp, bao bọc trong chiếc chăn ý nghĩa ấy…”. Chiếc chăn thực sự không chỉ đẹp bởi hoa văn thổ cẩm đặc trưng của đất Mường Động (Kim Bôi) - nơi mẹ tôi sinh ra và lớn lên, chiếc chăn còn đẹp bởi ý nghĩa lưu giữ, kỷ niệm; bởi giá trị chất lượng của loại tơ tằm mềm mại mà chúng tôi luôn muốn được ủ ấm khi đông về và gối đầu mát dịu khi hè đến…

Ngày nay, với đủ các loại vải, chăn đẹp mắt, chất lượng, nhưng gia đình tôi vẫn sử dụng những chiếc chăn thổ cẩm của người thân trong gia đình tự tay dệt nên. Tôi cũng có một chiếc chăn ý nghĩa của thím tặng khi mới về làm dâu trong gia đình tôi ở Mường Be, xã Chí Đạo (Lạc Sơn). Đó là chiếc chăn tự tay thím tôi dệt nên. Cùng với nhiều món quà ý nghĩa từ thổ cẩm khác như: gối, khăn, váy Mường… thím tôi đã tặng cho những người thân trong gia đình chồng. Năm đó, tôi bắt đầu đi học nội trú, xa bố mẹ, quê hương và chiếc chăn thực sự đã ủ ấm, "vỗ về” tôi vơi đi nỗi nhớ gia đình!

Với sự khéo léo, chăm chỉ, tài hoa của người phụ nữ Mường truyền thống, từ ngày về làm dâu trong gia đình, ngoài những công việc đồng áng, chăm sóc gia đình, thím tôi vẫn miệt mài trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải. Tôi vẫn ấn tượng với hình ảnh bên bếp lửa hồng, thím tôi má đỏ hây hây, đôi tay mềm mại mà thoăn thoắt luộc kén tằm, rút sợi, se tơ. Những sợi tơ vàng óng lấp lánh trong làn khói của hơi nước, của bếp củi cứ quấn quýt, vương vấn trong tôi. Tôi chưa bao giờ thấy thím tôi đẹp, duyên dáng như lúc se tơ, dệt vải. Đó là hình ảnh đẹp mà tôi khắc ghi bởi cũng là hình ảnh của mẹ tôi một thời thiếu nữ...

Thăng hoa nét hoa văn đất Mường

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, tuy có rất nhiều loại sản phẩm vải dệt khác nhau, nhưng những sản phẩm được làm từ thổ cẩm với hoa văn truyền thống như chăn, cạp váy, khăn, rèm che… vẫn được bà con nhiều vùng Mường trong tỉnh giữ gìn. Những sản phẩm thổ cẩm vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mỗi gia đình, vừa cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, vừa bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Những ý nghĩa đó cũng chính là mạch nguồn nuôi dưỡng và hồi sinh các làng nghề thổ cẩm truyền thống như: HTX Lục Nghiệp Thành, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn), HTX dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn, xã Mãn Đức (Tân Lạc)…

Gần chục năm nay, công việc chính của bà Bùi Thị Chủn ở xóm Lục, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn không phải vác cuốc ra đồng làm việc như phần lớn những người phụ nữ khác ở nông thôn mà thay vào đó, hàng ngày bà ở nhà se sợi, cài mắc hoa văn và ngồi dệt. Cũng như nhiều phụ nữ Mường ở đây, nhờ có nghề dệt thổ cẩm và chịu khó với nghề, bà Chủn không chỉ lo đủ cho cuộc sống mà còn tích luỹ được một số vốn nhỏ cho gia đình. Bà Chủn cho biết: "Từ lúc còn nhỏ tôi đã được xem các bà, các mẹ làm nghề dệt. Tôi rất thích nên được dạy nghề nhưng cũng chỉ dệt để phục vụ gia đình là chủ yếu. Từ ngày có Công ty Lục Nghiệp Thành, tôi được làm công việc yêu thích, không phải đi làm xa nữa, vừa được làm ở nhà, vừa có thu nhập ổn định”.

Cùng với bà Chủn, gần 90% hộ dân trong xóm Lục và nhiều xóm khác trong xã, huyện đã mắc khung cửi để dệt thổ cẩm cho HTX Lục Nghiệp Thành do chị Dương Thị Bin làm Giám đốc. Chị Bin thực sự là người thắp lửa cho nghề dệt thổ cẩm trở lại. Chị chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Mường Vang (thuộc xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn), vùng Mường giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Tôi luôn trăn trở về việc khôi phục và lưu giữ lại nét đẹp văn hoá từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống”. Khi mới bắt đầu thành lập HTX và đặt khung cửi tại các hộ gia đình ở xã, chị Bin và các thành viên khác cũng đối mặt với không ít khó khăn. Số chị em thành thạo nghề dệt không nhiều, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm nên chị em không mấy mặn mà với nghề dệt, hơn nữa thiếu vốn đầu tư khung dệt và nguyên vật liệu. Trước thực tế đó, các thành viên của Yên Nghiệp đã kiên trì vận động chị em và thành lập một tổ bao gồm những nghệ nhân giỏi để hướng dẫn, hỗ trợ các chị em về kỹ thuật. Năm 2010, chị Bin và các thành viên khác đã được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình hỗ trợ mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Từ một nghề truyền thống có nguy cơ mai một, giờ đây sản phẩm dệt thổ cẩm ở xã Yên Nghiệp đã mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Các sản phẩm được sản xuất thành hàng hóa tiêu thụ trong tỉnh Hòa Bình và các tỉnh lân cận.

Cũng là người con của quê hương Mường Vang nhưng lại sinh sống, lập nghiệp ở đất Mường Bi, chị Bùi Thị Lan Phương, sáng lập viên HTX dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn, xã Mãn Đức (Tân Lạc) cũng đặc biệt tâm huyết với nét văn hóa đậm đà bản sắc của người Mường là nghề dệt thổ cẩm. Vì yêu mến nét hoa văn tinh tế trên trang phục của người phụ nữ dân tộc Mường nên chị cảm thấy xót xa khi nét văn hóa đặc sắc như nghề dệt thổ cẩm Mường đang dần bị mai một. Chị đã khởi đầu từ 13 khung dệt, 8 xã viên và một số đơn hàng lẻ. Đến nay, HTX đã có 3 cơ sở với trên 100 khung dệt, thu hút hàng trăm xã viên tham gia. Trong quá trình hình thành và phát triển, sản phẩm của HTX không chỉ dựa trên cơ sở kinh nghiệm nghề dệt truyền thống của người Mường mà còn được tìm tòi, chăm lo cải tiến hoa văn, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của khách hàng. Nhờ đó, các loại sản phẩm thổ cẩm của HTX dần từng bước tiếp cận với thị trường, có mặt tại nhiều điểm trưng bày hàng hóa, sản phẩm trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố. HTX dệt thổ cẩm Vọng Ngàn đã lọt vào Top 100 HTX/19.560 HTX toàn quốc vinh dự được nhận Cúp Vàng hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng và được công nhận là HTX văn hóa "Nhân - tâm - tài - trí - tín”; cá nhân Chủ nhiệm HTX Bùi Thị Lan Phương được tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân văn hóa - Nữ tướng thời bình”…

Khi đất trời vào xuân, những cô gái Mường khoác trên mình chiếc áo pắn đủ màu rực rỡ đi trảy hội. Họ như những bông hoa đang khoe sắc giữa đại ngàn quê hương. Màu của thiên nhiên tươi mới và sắc màu những chiếc áo pắn như hòa làm một, tạo thêm nét thanh tân cho đất trời lúc vào xuân. Trên gương mặt mỗi người đều ngời lên tình yêu và niềm tự hào với những sản phẩm, trang phục truyền thống của dân tộc mình.

 


Phụ nữ Mường Vang trong trang phục truyền thống được dệt nên bởi đôi tay khéo léo của các bà, các mẹ.

 

                                                                                  Hồng Duyên

 

Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục