Quảng cảnh Lễ khai Hội Xuân Chùa Ba Vàng năm 2019. Ảnh: TTXVN phát
Trong bối cảnh mà chúng tôi đang nỗ lực tập trung cho Vesak, đáng lẽ phải đón nhận nhiều tin vui như các vị sư xuất hiện ở những vùng khó khăn, hoặc nhiều ngôi trường được xây dựng… thì lại phải đón nhận tin rất buồn, định hướng sai cho xã hội”.
Theo Thượng tọa, tất cả các tăng ni, Phật tử trên cộng đồng Phật tử online rất bất bình chuyện ở chùa Ba Vàng cũng như giải thích của trụ trì chùa. Giáo hội không trốn tránh chuyện này, mà nhìn thẳng vào sự thật để chấn chỉnh.
Giáo hội cũng không muốn xảy ra những sự việc như vậy làm mất hình ảnh. Phật giáo là tôn giáo lớn ở Việt Nam, làm nhiều điều tốt đẹp cho đời sống xã hội, như những khóa tu mùa hè cho thanh niên, sinh viên, học sinh. Đó là những lớp đạo đức rất tốt.
Sáng 21/3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngay buổi họp với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng để làm rõ sự việc, nếu đúng như báo chí phản ánh sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
Chưa đúng với giáo lý nhà Phật
Dư luận đang rất quan tâm đến vụ việc ở chùa Ba Vàng cũng như một số hoạt động tín ngưỡng tôn giáo diễn ra ở các cơ sở thờ tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời gian qua. Nhiều sự việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Giáo hội. Giáo hội có biện pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này, thưa Thượng tọa?
Vừa qua, từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin tương đối đậm nét về hoạt động tín ngưỡng, phật sự ở các cơ sở thờ tự tôn giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có cả việc tốt và có cả những vấn đề cần bàn bạc, những mặt trái tạo nên dư luận và hình ảnh không tốt đẹp về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đó là sự trăn trở của chư tôn đức, lãnh đạo Giáo hội. Trước những vấn đề đó, Giáo hội đã chỉ đạo Ban Trị sự giáo hội các tỉnh, thành phố xem xét, chấn chỉnh các hoạt động đó sao cho đúng chính pháp, gìn giữ được nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc, truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Những việc báo chí nêu và Giáo hội đã vào cuộc kịp thời, dù không mang tính chấm dứt tức thời vì đây là việc tâm linh, nhưng cũng đã có tác dụng, để tăng ni các chùa nhìn lại hoạt động trong các cơ sở thờ tự. Có nhiều ý kiến tốt cho việc chấn chỉnh hoạt động này.
Trong bối cảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam vinh dự được Thủ tướng và Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc cho phép đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 3 - sự kiện đối ngoại quan trọng của Giáo hội, hoạt động văn hóa đối ngoại nhân dân của Việt Nam trong năm 2019 - Giáo hội kỳ vọng những hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam sẽ được phản ánh nhiều, tuy nhiên, thay vì chuyện đó thì lại có nhiều hoạt động mặt trái mà xã hội quan tâm.
Tôi rất tiếc về sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng. Sáng nay, Giáo hội đã có văn bản chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngay buổi họp với trụ trì chùa Ba Vàng để làm rõ sự việc, nếu đúng như báo chí phản ánh sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
Giáo hội cũng tiếp thu và không nương nhẹ những hoạt động không đúng trong cơ sở thờ tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những thông tin này dư luận xã hội rất quan tâm. Ngày 26/3 tới, Giáo hội sẽ tổ chức họp và kiểm điểm những sự việc xảy ra.
Căn cứ vào báo cáo của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, ngay chiều qua (20/3), UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo UBND thành phố Uông Bí và các sở, ban, ngành chức năng làm rõ sự việc ở chùa Ba Vàng. UBND thành phố Uông Bí đã làm việc với Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng về những vấn đề báo chí phản ánh. Qua nắm bắt sơ bộ, được biết, Đại đức thừa nhận việc đó xảy ra ở chùa Ba Vàng.
Thưa Thượng tọa, việc chùa tổ chức giải vong có đúng với giáo lý nhà Phật?
Giáo lý Phật giáo nhấn mạnh đến học thuyết về luân hồi, nghiệp quả. Theo giáo lý Phật giáo, con người cấu thành từ 5 yếu tố là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là vật chất, còn lại là tâm thức, tinh thần, tâm linh. Phần sắc, theo quy luật của Phật giáo, khi kết thúc đời sống, con người chết đi thì phần vật chất đó bị huỷ hoại, còn phần tâm thức chịu sự chi phối của nghiệp lực để luân hồi.
Theo Phật giáo, mọi cái đều do tâm thức tạo ra, và cái nghiệp do chịu sự chi phối của luật nhân quả. Nghiệp là hành động tạo tác. Mỗi khi có hành động thì đều tạo ra nghiệp. Cái nghiệp có cái tốt, cái xấu và cái không tốt, không xấu, do hành động và ý mình tạo ra.
Nghiệp có lực để vận hành tâm thức sau khi con người chết đi. Trong Phật giáo cũng có thuyết thân trung ấm. Khi con người ta chết đi, phần vật chất bị hủy hoại, còn phần tâm thì tồn tại dưới dạng thân trung ấm - phần vật chất rất đặc biệt, phần này tồn tại trong 49 ngày, sau đó chịu theo nghiệp lực luân hồi về các cõi khác nhau: trời, người, quỷ, Phật… Giáo lý nhà Phật dạy như vậy. Vì vậy, chỉ có con người mới làm chủ chuyển hóa nghiệp của mình.
Theo đạo Phật, tu là chuyển nghiệp, giải nghiệp. Không ai có thể giải nghiệp cho chúng ta, kể cả đức Phật. Chúng ta mới là người chuyển nghiệp của mình bằng việc tu nhân tích đức, làm các việc thiện, việc tốt, để chuyển hóa nghiệp xấu trong quá khứ mà ta không ý thức được, không rõ được.
Nên đức Phật dạy ta phải tu hành, làm nhiều thiện lành, tạo nhiều thiện căn tốt, duyên tốt để chuyển hóa nghiệp của mình, chứ không có việc thỉnh một cái gì đó để giải oan nghiệp. Đức Phật không dạy việc đi thỉnh vong như chùa Ba Vàng đang thực hiện. Tôi chưa tham dự lễ này ở chùa, nhưng qua các video trên mạng thấy có nhiều vấn đề chưa đúng với giáo lý nhà Phật.
Qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi thấy việc đem hình ảnh của nữ sinh ở Điện Biên vừa rồi bị những đối tượng xấu trong xã hội hãm hiếp và giết hại để giải nghĩa cho những oan gia trái chủ thì hoàn toàn không đúng với tôn chỉ, giáo lý của đức Phật, với chủ trương của Giáo hội và không phù hợp với đạo đức xã hội.
Tất cả chúng ta đều thấy đau thương cho cái chết của một con người, cái chết do những kẻ rất dã man, bất nhân, vô đạo gây ra. Chúng ta lại mơ hồ đó là của việc hành động kiếp trước, để cho rằng đó là oan gia, nguỵ biện cho hành động tàn bạo trong xã hội là hoàn toàn không được. Chúng ta không thể chấp nhận được việc đó, nhất là khi nó xảy ra ở một ngôi chùa nổi tiếng, đó là chùa Ba Vàng.
Việc truyền bá thỉnh vong giải nghiệp ở chùa Ba Vàng có phải mê tín dị đoan?
Bàn về mê tín hay chính tín thì ranh giới mong manh. Tuy nhiên, như tôi vừa nói, không có việc thỉnh vong để hóa giải nghiệp, oan gia, đó là cái không đúng. Nghiệp của mình là tự mình phải làm việc tốt để hóa giải nghiệp cho mình chứ không có việc đi thỉnh vong. Mà dẫn dắt người ta đi vào con đường tà kiến, mê lầm, đó là không đúng theo chính pháp.
Qua nghe băng giảng thì thấy nhận định 36 kiếp trước, 42 kiếp trước gì đó là cách dẫn dụ con người ta vào con đường tà kiến và mê lầm. Dùng phương tiện để con người tu tập là tốt, nhưng đi theo cái đó là cúng dàng rất nhiều, rồi đưa ra hình thức cúng dàng trả góp, đấy không phải là chủ trương của đạo Phật cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sẽ chấn chỉnh việc thuyết giảng
Việc Phật tử Phạm Thị Yến khi thuyết pháp tại chùa Ba Vàng động đến cả vong linh của các anh hùng liệt sỹ và nói cái chết của họ cũng là do ác nghiệp, Giáo hội có bình luận về việc này?
Giáo hội không bình luận việc đó. Tôi vừa nói theo quan điểm cá nhân tôi là không đúng. Câu chuyện vừa xảy ra, Giáo hội sẽ kiểm điểm trụ trì chùa Ba Vàng.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quản lý việc thuyết giảng giáo lý của Phật tử?
Nói về việc thuyết giảng thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Ban Hoằng pháp Trung ương. Ở cấp địa phương có ban hoằng pháp của giáo hội Phật giáo tỉnh, thành phố. Ban Hoằng pháp có nhiệm vụ thuyết giảng, hướng dẫn, thực hành giáo lý. Giáo hội quản lý thông qua sư trụ trì. Trụ trì phải chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn thuyết giảng.
Chùa Ba Vàng cách đây hơn một năm đã xảy ra xung đột với tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ và Giáo hội phải đứng ra giải quyết, trong đó có nói vấn đề thuyết giảng, tôn trọng các niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo. Đây được coi là tái phạm ở chùa Ba Vàng. Giáo hội không quản lý tới các Phật tử mà trụ trì chùa chịu trách nhiệm.
Là một lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xin Thượng tọa cho biết hình thức xử lý đối với sư trụ trì chùa Ba Vàng như thế nào?
Hiện Giáo hội đang chờ báo cáo rõ ràng từ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật, căn cứ vào nội quy, quy định, sai đến đâu xử lý đến đó, vi phạm là xử lý. Chắc chắn Giáo hội phải nhìn nhận lại việc thuyết giảng, đặc biệt khi đưa lên mạng xã hội, tạo ra xung đột.
Việc thuyết giảng trong chùa Ba Vàng do sư trụ trì chịu trách nhiệm. Hình thức kỷ luật giao cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Giáo hội có nhiều hình thức kỷ luật.
Cách đây một tuần có xung đột giữa một vị sư tăng và Phật tử Phạm Thị Yến tại chùa Ba Vàng, Giáo hội sẽ có chấn chỉnh việc thuyết giảng. Sáng nay, Giáo hội cũng đã có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo tỉnh đề nghị chấn chỉnh việc thuyết giảng tại chùa Ba Vàng.
Như Thượng tọa nói, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thừa nhận hình thức thỉnh vong nhưng chùa Ba Vàng dùng hoạt động này thỉnh vong và nhận rất nhiều tiền của các Phật tử. Vậy có thể xem đây là hành vi có yếu tố lừa đảo không?
Để kết luận việc này thì phải chờ cơ quan chuyên môn của chính quyền. Giáo hội chỉ khẳng định việc thỉnh vong là không đúng. Việc hóa giải oan gia, nghiệp của mình do chính mình chứ không thỉnh ai cả. Còn việc thu tiền của dân có vi phạm pháp luật Nhà nước hay không thì thuộc chức trách của các cơ quan chính quyền.
Giáo hội có biện pháp gì để không còn tình trạng này?
Giáo hội sẽ giao việc kiểm soát chặt chẽ cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo ở địa phương, vì đây là hiện tượng cá biệt chứ không phải phổ quát ở các chùa. Ban Trị sự ở địa phương tăng cường kiểm soát, giám sát các hoạt động thờ tự ở đó, phối hợp với chính quyền địa phương.
Từ vụ việc ở chùa Ba Vàng, Giáo hội có chỉ đạo rà soát các vụ việc ở những chùa khác?
Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Ban Kiểm soát Trung ương, Ban Pháp chế Trung ương; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố cũng có ban kiểm soát và ban pháp chế, sẽ thực hiện nhiệm vụ này. Không phải vì vụ việc ở chùa Ba Vàng mới làm mà đó là việc thường xuyên, liên tục.
Tuy nhiên, đây là trường hợp cá biệt, đây là ngôi chùa lớn, Quảng Ninh coi đây là điểm du lịch nên có thể lơ là trong quản lý hoặc tin tưởng sư trụ trì nên có thể nương nhẹ. Còn việc kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động của tăng ni là việc thường xuyên.
Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!