Hoạt động trong Tết Té nước của dân tộc Lào bản Na Sang 1, xã Núa
Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).
Để hiểu sâu hơn về nguồn gốc Tết Té nước, chúng tôi tìm gặp bà Lường
Sao May (tên thường gọi là Lường Thị May, dân tộc Lào, bản Na Sang 1, xã Núa
Ngam, huyện Điện Biên). Là người nắm giữ và có công truyền dạy nghệ thuật trình
diễn dân gian dân tộc Lào, bà Lường Sao May là một trong tám Nghệ nhân ưu tú của
tỉnh Điện Biên được Chủ tịch nước ra quyết định vinh danh cuối năm 2015. Hôm
nay, dù rất bận với nhiệm vụ "cầm trịch” các trò chơi trong buổi lễ, bà Lường
Sao May vẫn dành thời gian cho chúng tôi với những chia sẻ thật thú vị.
Theo bà Lường Sao May, để thuận tiện cho con cháu đi học hoặc làm
ăn xa về thăm gia đình, từ năm 1986, bà con người Lào ở bản Na Sang I bắt đầu tổ
chức khôi phục Tết Té nước (Bun huột nặm) vào dịp Tết Nguyên đán của người
Kinh. Sau gần 10 năm, bên cạnh một số thuận lợi thì việc tổ chức Tết Té nước
trùng với dịp Tết Nguyên đán của người Kinh cũng tỏ ra không ít những bất cập.
Do đó, theo ý kiến các bậc cao niên trong bản, từ năm 2015, Tết Té nước được tổ
chức vào đúng thời điểm Tết truyền thống (theo lịch của người Lào tức ngày 11,
12, 13 tháng Năm; ứng với Công lịch của người Việt vào dịp trung tuần tháng Tư
dương lịch hằng năm).
Chị Lê Thị Lan Anh (chuyên viên Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch Điện Biên) cho biết: Địa bàn dựng bản lập mường (cư trú) của
dân tộc Lào thường ở vùng thấp, dọc theo các dòng suối hoặc khe rạch. Xưa kia hệ
thống thủy lợi (mương phai) chưa phát triển, việc canh tác lúa nước của dân tộc
Lào gặp rất nhiều khó khăn, may rủi khi phải dựa hoàn toàn vào thời tiết tự
nhiên. Vì vậy, trước mỗi mùa gieo trồng hằng năm (tầm tháng 4 - 5 dương lịch),
đồng bào Lào tổ chức Lễ cầu mưa và đó là nghi lễ chính và quan trọng nhất của Tết
Té nước (Bun huột nặm).
Nói cách khác, trong tín ngưỡng nông nghiệp của dân tộc Lào, Tết
Té nước là hoạt động mở đầu cho một chu kỳ sản xuất nông nghiệp kéo dài 12
tháng. Khoảng thời gian này, cũng như các dân tộc thiểu số khác cư trú trên địa
bàn vùng cao, miền núi, đồng bào Lào triển khai việc phát và đốt nương, làm đất,
gieo hạt nên rất cần mưa xuống cho hạt giống nảy mầm. Tết Té nước thực chất nhằm
cầu xin trời đất và các vị thần linh, ban cho những cơn mưa để cây cối đâm chồi
xanh lá, muôn loài vạn vật sinh sôi...
Hoạt động trong Tết Té nước của dân tộc Lào bản Na Sang 1, xã Núa
Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).
Hôm nay cũng vậy, Lễ cầu mưa được giao cho một đoàn người gồm những
phụ nữ có khả năng giao tiếp, giỏi ứng đối, đi tới những gia đình trong bản năm
trước làm ăn gặp nhiều may mắn, xin chủ nhà cho nước mưa và thức ăn. Từ sáng sớm,
chiêng trống nhà trưởng bản (chủ hộ giữ hồn áo người đầu tiên dựng bản, dựng mường
gọi là Chảu sửa) thúc liên hồi, thay cho lời mời gọi. Cả tháng trước,
những phụ nữ trong bản (là nhân lực chính đi thăm đồng, thăm nguồn nước) đã bàn
với trưởng bản việc tổ chức lễ hội cầu mưa; sáng nay hăng hái sửa soạn trang phục
tham gia cùng cộng đồng "Gọi cái nước của trời làm mát lòng đất mẹ, cho
cây lúa thêm bông”.
Theo phong tục, để "chay tịnh” trong cơ thể, mọi người tham gia lễ
hội phải nhịn đói, trèo đèo lội suối tìm đến đầu nguồn nước nơi tổ chức lễ hội
cầu mưa, cầu thần linh che chở, ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tốt tươi. Dọc
đường đi, nhóm phụ nữ "xin ăn” từ những chủ hộ làm ăn phát đạt năm trước, giáo
dục con cháu theo truyền thống dân tộc, có uy tín trong cộng đồng để lấy phúc.
Ngầm hiểu đó chính là truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, nền nếp gia phong, chia
sẻ lộc trời cho bà con dân bản.
Đoàn người đi "khất thực” qua từng gia đình, sau đó kéo ra suối Nặm
Ngám nơi có một bến tắm chung dùng cho cả bản. Tại đây, họ bày đồ ăn thức uống
lên một tảng đá lớn, người đại diện tay cầm nắm xôi, miệng khấn mời các vị thần
linh về hưởng lộc do dân bản dâng lên. Không lâu sau mọi người quây quần xung
quanh, cùng nhau ăn uống, nói cười vui vẻ. Sau bữa ăn, mọi người cùng té nước
lên trời, té ra xung quanh và té lên người nhau. Những giọt nước suối ấy tượng
trưng cho "nước trời”, có nghĩa điều thỉnh cầu của dân bản đã thấu lòng trời và
trời đã "hóa phép” cho mưa tuôn xuống trần gian, ướt hết áo quần đầu tóc mọi
người như thế... Sau lễ cầu mưa, mọi người cùng tham gia một số trò chơi dân
gian mô phỏng cuộc sống lao động sản xuất, khát vọng chinh phục tự nhiên, chống
lại thiên tai bảo vệ mùa màng, bảo vệ hạnh phúc cho dân bản với các trò, như:
rùa ấp trứng, hổ vồ lợn, rắn ăn ngóe; các bài múa dân gian, trong đó tiêu biểu
là điệu Lăm vông truyền thống.
Cộng đồng bộ tộc Lào ở Tây Bắc - Việt Nam được hợp thành bởi năm
nhóm: Lào Bốc, Lào Nọi, Lào Lùm, Lào Sủng và Lào Thay (Lào Thơng), nhóm Lào
Thay chiếm đa số (có tài liệu nói chỉ gồm hai nhóm: Lào Bốc và Lào Nọi). Tất cả
các nhóm này đều tổ chức lễ Bun hốt nậm và đó chính là ngôn ngữ Lào Thay (đa số),
thuộc ngữ hệ Nam Á. Bun có nghĩa là "lễ”, hốt nậm có nghĩa là "té nước”; Bun hốt
nậm là lễ té nước để cầu xin cho nước nhiều (mưa xuống).
Được biết, tại CHDCND Lào, trong một năm người dân ở đây tổ chức
12 bun chính và hàng loạt các bun nhỏ khác. Lớn nhất và trang trọng nhất phải kể
đến Bun thạt luông (lễ cúng chùa lớn), thông thường diễn ra vào trung tuần
tháng 11 dương lịch hằng năm, do Trung ương Giáo hội Phật giáo Lào tổ chức tại
Thủ đô Viêng Chăn. Tiếp sau là một số bun chính như: Bun xồng hưa (đua thuyền),
Bun bặng phay (thi đốt pháo), Bun ạp nậm phụt thạ (tắm cho tượng phật) và Bun hốt
nậm (lễ té nước)...
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cây lúa nước là nguồn sống chính của
người Lào. Đến nay, trình độ canh tác lúa nước của bà con tương đối phát triển
với hệ thống thủy lợi quy mô cùng nhiều nông cụ tiên tiến. Chăn nuôi của người
Lào gồm có trâu để kéo cày, ngựa để thồ hàng; dê, lợn, gà, vịt... dùng trong
các dịp lễ tết, tang ma, cưới hỏi hoặc khi nhà có khách. Phụ nữ Lào nổi tiếng
là những thợ dệt khéo tay, sản phẩm thổ cẩm của họ có thể so sánh với với những
sản phẩm thủ công đẹp nhất của bất kỳ dân tộc nào.
Bên cạnh nghề rèn, nghề mộc, đan lát và chạm khắc, người Lào được
biết đến như những nghệ nhân gốm tài hoa nhất. Từ cái bàn xoay bằng gỗ đạp chân
thủ công và độc đáo, các sản phẩm: chum, vại, nồi, choé, vò, liễn, bát, chén...
ra đời với mẫu mã đẹp và chất lượng cao. Trên đỉnh đồi Pom Lót (xã Noong Hẹt,
huyện Điện Biên), hiện còn khá nhiều những mảnh gốm Lào lẫn trong lòng đất.
Tương truyền vào thời các chúa Lự cai quản Mường Thanh, trước mỗi cuộc xuất
binh họ thường tụ tập trên đồi Pom Lót để uống rượu ăn thề. Uống xong, để thể
hiện ý chí quyết tâm, họ đập vỡ tất cả chén bát rồi nhảy lên mình ngựa xông ra
trận tiền. Như vậy, có thể kết luận người Lào di cư tới vùng Mường Thanh chậm
nhất cũng cùng thời điểm với người Lự, vì liên quan đến câu chuyện thành Tam Vạn.
Bà Bùi Hồng Lanh, chuyên viên của Trung tâm Văn hoá, Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, cho biết: Di sản văn hóa phi vật thể là sản
phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa
liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng,
không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng
truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Như vậy, di sản
văn hóa phi vật thể là sự kết tinh các giá trị văn hóa cộng đồng nên việc bảo tồn
di sản văn hóa chính là giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của
mỗi dân tộc để nền văn hóa Việt Nam luôn luôn đậm đà bản sắc và khẳng định được
nét riêng với các dân tộc khác trên thế giới. Theo cách hiểu ấy, thiết nghĩ việc
Tết Té nước (Bun Huột Nặm) được duy trì, tổ chức thường xuyên trong cộng đồng
dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên),
là điều rất nên khuyến khích và rất đáng để chính quyền cùng các cơ quan chức
năng quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân tổ chức hằng năm.
TheoNhandan
(HBĐT) - Thời gian qua, Thư viện tỉnh (Sở VH-TT&DL) quan tâm nâng cao văn hóa đọc đến cộng đồng; duy trì mở cửa 6 ngày trong tuần và bổ sung nhiều đầu sách mới để phục vụ nhu cầu bạn đọc.