(HBĐT) - Đã từng nghe câu thành ngữ xưa "Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến”, tôi chọn Hưng Yên là điểm đến cho kỳ nghỉ lễ. Thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình bên hồ Bán Nguyệt, khám phá lịch sử văn hóa ở chùa Chuông… Hưng Yên gợi lên những hình ảnh đẹp - nét xưa hòa quyện cùng phố phường hiện đại.


Một góc hồ Bán Nguyệt- niềm tự hào của thành phố Hưng Yên.

Hấp dẫn nơi lưu giữ nền văn hóa đa sắc tộc

Dạo quanh phố phường của thành phố Hưng Yên, nghe người bạn quê gốc Hưng Yên giới thiệu, tôi mường tượng rõ hơn về Phố Hiến, một thương cảng cổ nổi tiếng của Việt Nam vào thế kỷ XVII- XVIII. Thời điểm đó, Phố Hiến là một đô thị trải dài theo tả ngạn sông Hồng. Ngoài kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ là thủ đô phồn vinh nhất nước, thì Phố Hiến là đô thị đứng ở vị trí thứ hai. Vì thế, dân gian có câu: "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Văn bia chùa Thiên Ứng, dựng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625, đời vua Lê Thần Tông) ghi: "Phố Hiến nổi tiếng trong bốn phương là một tiểu Tràng An" - tức là một kinh đô thu nhỏ".

Cùng với dòng chảy thời gian và những biến cố, thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến vẫn còn lưu giữ được quần thể kiến trúc cổ kính với 60 di tích lịch sử, 100 bia ký và nhiều đình miếu, đền chùa. Trong đó có chùa Chuông, đền Mây, đền Mẫu, văn miếu Xích Đằng và hồ Bán Nguyệt là những điểm đến nổi tiếng nhất Phố Hiến.

Là nơi giao thương nổi tiếng bậc nhất vùng Bắc Bộ, từ thời nhà Trần, các thương nhân người Hoa ở Xích Đằng (Phố Hiến) đã có những mối liên hệ với các cảng: Hội Triều (Thanh Hoá), Càn Hải và Hội Thống (Nghệ An). Qua hai hệ thống sông Đàng Ngoài và sông Đáy, Phố Hiến còn bắt nhịp với các tuyến giao thương quốc tế ở biển Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, cũng như với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… Bởi vậy, Phố Hiến mang một nền văn hóa đa sắc tộc. Nền văn hóa đô hội này thể hiện rõ qua những công trình kiến trúc nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của các cộng đồng. Nổi bật và rõ nét nhất là các phong cách kiến trúc Việt Nam, Trung Hoa, thấp thoáng có phong cách kiến trúc châu Âu (ở Phố Hiến có 1 nhà thờ cổ, xây dựng từ thế kỷ XVII, theo phong cách Gô-tích - nhà thờ Kitô giáo).

Lắng đọng với những di tích còn mãi với thời gian

Nếu chỉ dạo chơi bên hồ Bán Nguyệt, thưởng ngoạn cảnh sắc trong khung cảnh ồn ã, sầm uất của đô thị Hưng Yên hôm nay thì không thể cảm nhận rõ được nét xưa Phố Hiến - người bạn đồng nghiệp của tôi chia sẻ và đưa tôi tới điểm đến kế tiếp: chùa Chuông. 

Chùa Chuông là 1 di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, thuộc quần thể di tích Phố Hiến. Chùa khởi dựng từ thời Lê (thế kỷ XV) và qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo về sau nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Quần thể kiến trúc chùa có bố cục hài hòa, theo kiểu "Nội công ngoại quốc”, bao gồm các hạng mục: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu chuông và 2 dãy hành lang... Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đó là hướng của "Bát Nhã” và "Trí Tuệ”. Các công trình nằm cân xứng trên trục nối từ Tam quan đến nhà Tổ. Cổng Tam quan xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, có các họa tiết, hoa văn trang trí như hình rồng đắp nổi, bức phù điêu về thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh ở Tây Trúc...

Qua cổng Tam quan là tới cây cầu đá xanh bắc qua ao mắt rồng. Nối tiếp là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn thẳng đến Tiền đường (theo quan niệm nhà Phật là con đường chân chính dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ). Tiền đường gồm 5 gian 2 chái, kiến trúc theo kiểu con chồng đấu sen. Thượng điện cũng gồm 5 gian 2 chái, kết cấu giống Tiền đường. Bên trong được bài trí nhiều pho tượng được tạo tác công phu như: tượng Tam Thế, các vị Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà...
Ngoài những pho tượng cổ, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như hoành phi, câu đối..., đặc biệt là tấm bia đá "Kim Chung Tự thạch bi ký” dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Trên bia ghi danh những người công đức và mô tả Phố Hiến thời hưng thịnh.

Thật may mắn khi đến với chùa Chuông, chúng tôi được dự, chứng kiến lễ Hằng Thuận của cặp vợ chồng trẻ (lễ cưới được tổ chức tại chùa theo nghi thức Phật giáo). Ông Lê Văn Nhật, một phật tử ở xã Hùng Cường - thành phố Hưng Yên đang vãn cảnh chùa cho biết: Lễ Hằng Thuận mang đậm dấu ấn đạo đức, tâm linh và trí tuệ của đạo Phật cùng với những định hướng cụ thể giúp cho đôi vợ chồng có những kiến thức cần thiết và nhận thức rõ ràng về một tương lại tươi sáng, từ đó giác ngộ để có cuộc sống lạc quan hơn. Tổ chức lễ cưới tại chùa, cô dâu và chú rể được đảnh lễ chư Phật, quy y Tam Bảo, được chư tăng chứng minh hôn sự trong bầu không khí trang nghiêm và thiêng liêng nơi chánh điện… Chùa Chuông là chốn linh thiêng nên có rất nhiều phật tử từ Hà Nội, Quảng Ninh về đây chiêm bái và tổ chức lễ Hằng Thuận.

Thời gian lưu lại Phố Hiến không lâu, chỉ đủ để thăm thú một vài điểm nhưng phố Hiến đọng lại trong tôi những ấn tượng đẹp. Nét xưa Phố Hiến hòa quyện với không gian, nhịp sống hiện đại đã tạo nét hấp dẫn riêng cho thành phố Hưng Yên muôn màu, muôn sắc.       

Lam Nguyệt

Các tin khác


UNESCO thông qua hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu Văn An

Ngày 16/4, UNESCO thông qua danh sách hồ sơ để nghị UNESCO ra nghị quyết kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất do các quốc gia đề cử; trong đó có kỷ niệm 650 năm ngày mất danh nhân Chu văn An.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Ngày 16/4, tại trường THPT Mường Bi huyện Tân Lạc, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở GD&ĐT và UBND huyện Tân Lạc tổ chức khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. 

Giao lưu văn nghệ kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Tối 15/4, tại Nhà văn hóa trung tâm huyện, UBND huyện Kim Bôi đã phối hợp với Đoàn nghệ thuật tỉnh Hòa Bình tổ chức đêm giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện (17/4/1959 - 17/4/2019).

Hội té nước - nét văn hóa đậm chất nhân văn của người Lào

Phong tục té nước nhằm gột rửa mọi suy nghĩ xấu xa, gột rửa bệnh tật và những điều không may mắn trong năm cũ, đồng thời là lời chúc một Năm mới với tâm hồn trong sáng luôn may mắn và hạnh phúc.

Quý I, Thư viện tỉnh trưng bày sách phục vụ 8.500 lượt bạn đọc

(HBĐT) - Thời gian qua, Thư viện tỉnh (Sở VH-TT&DL) quan tâm nâng cao văn hóa đọc đến cộng đồng; duy trì mở cửa 6 ngày trong tuần và bổ sung nhiều đầu sách mới để phục vụ nhu cầu bạn đọc.

Hướng về nguồn cội

Mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng riêng để gửi vào đó một niềm tin, một tình yêu thiêng liêng. Từ lịch sử xa xưa, dân tộc Việt Nam ta đã có tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, hướng về nguồn cội. Đó là một giá trị văn hóa vững bền được trao truyền qua các thế hệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục