Đền Bồng Lai, khu 3, thị trấn Cao Phong là điểm du lịch hấp dẫn của huyện.
Đồng chí Bùi Tiến Dũng, Trưởng phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết: Huyện Cao Phong đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Để đạt được mục tiêu trên, huyện chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hóa Mường Thàng là tiềm năng lớn để thu hút khách du lịch. Khách du lịch luôn đam mê, nghiên cứu tìm hiểu về phong tục, tập quán, ẩm thực, văn hóa người Mường. Các lễ hội truyền thống có sức hút đặc biệt với du khách. Hệ thống di tích văn hóa lịch sử, cách mạng cùng với các lễ hội là tiềm năng lớn để huyện Cao Phong phát triển du lịch.
Đến với Cao Phong, khách du lịch không chỉ được trải nghiệm, khám phá phong cảnh hữu tình mà còn được nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa độc đáo của người Mường. Bản Mường Giang Mỗ (xã Bình Thanh) là địa điểm lý tưởng cho những tour du lịch về nguồn, khám phá văn hóa cộng đồng. Giang Mỗ là nơi sinh sống của người Mường, cả bản có hơn 100 nhà sàn. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn với trồng trọt và chăn nuôi. Nhà sàn trong bản có kiến trúc độc đáo theo kiểu những ngôi nhà "rùa”, thường được xây dựng ở nơi có địa thế cao, từ đó có thể đón luồng gió mát tự nhiên. Kiến trúc mỗi nhà tùy theo điều kiện có thể lớn nhỏ khác nhau nhưng sự sắp xếp của cửa, cầu thang, máng nước luôn phải đúng vị trí. Hiện nay, người trong bản vẫn sử dụng các công cụ lao động từ tre, nứa như khung dệt vải, cung nỏ, đồ đựng trái cây. Phụ nữ Mường chăm chỉ khéo léo với đôi bàn tay vừa giỏi ruộng nương lại thành thạo thêu thùa, đan lát. Khách du lịch đến Giang Mỗ sẽ có dịp được ngắm nhìn các sản phẩm thủ công mây, tre đan và thổ cẩm đa dạng, tôn lên vẻ đẹp văn hóa dân tộc Mường.
Bên cạnh đó, huyện Cao Phong là địa phương nổi tiếng về di tích lịch sử - văn hóa gắn với các lễ hội lớn như: Lễ hội Đền Bờ (xã Thung Nai) diễn ra từ ngày mồng 7 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch; lễ hội Chùa Khánh (xã Yên Thượng) diễn ra vào mồng 5 tháng giêng âm lịch; lễ hội Chùa Quoèn Ang (xã Tân Phong) diễn ra vào ngày mồng 8 - 9 tháng giêng âm lịch; lễ hội đền Thượng Bồng Lai (thị trấn Cao Phong) diễn ra vào ngày mồng 1 - 2 tháng 2 âm lịch… Các lễ hội như một "bảo tàng sống” về đời sống văn hóa dân cư bản địa. Thông qua các lễ hội, những giá trị văn hóa đặc sắc, những áng sử thi hào hùng của người Mường được tái hiện. Lễ hội chùa Quoèn Ang gắn với sự tích "Vườn hoa núi Cối” là một thiên tình sử đẫm lệ của người Mường. Một điều đặc biệt ấn tượng tại các lễ hội là màn trình tấu chiêng Mường. Khi tiếng chiêng vang lên thì lúc đó mới chính thức khai hội. Các lễ hội còn tổ chức thi ẩm thực, trình diễn trang phục và thi đấu các môn thể thao dân tộc.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, khám phá huyện Cao Phong. Quý I/2019, toàn huyện đón 210.217 lượt khách; doanh thu từ du lịch đạt 15,1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, huyện Cao Phong sẽ tiếp tục khai thác những giá trị đặc sắc trong phong tục, tập quán, văn hóa và hệ thống di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch. Cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm đạt mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Du lịch sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Thu Thủy