Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chiến nâng niu cuốn sách viết về những năm tháng chiến tranh khốc liệt trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975.
Hai chữ "Khoảnh khắc”- tên sách không nói rõ điều gì. Nhưng khi lướt qua 162 trang sách mới thấy được đó là những dòng tự sự vô cùng quý giá kể về những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt ở miền Tây Nam Bộ trước ngày giải phóng.
Phần đầu của cuốn sách gồm 10 bài viết, tác giả ghi lại những bước đã qua, những điều đáng nhớ. Đó là: " Những nẻo đường trên đất Chăm Pa”, "Dấu chân người lính”, "Đường đi chiến dịch”, "Chiến công thầm lặng”, "Tiểu đoàn 674 - 40 năm hát khúc quân hành”... Các bài viết được xếp theo lớp lang, thứ tự. Bài viết "Những nẻo đường trên đất Chăm Pa” ghi lại những bước hành quân của chiến sỹ sang làm nhiệm vụ quốc tế tại đất bạn Lào năm 1972. Còn "Dấu chân người lính” ghi lại một cách chi tiết những chặng đường đã qua, ấn tượng, cảm xúc của những chàng trai trẻ gốc Bắc với đất và người Nam Bộ: "Ra khỏi bãi trú quân, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi cô nữ giao liên giới thiệu, những ngọn núi hình bát úp kia là đất ba hòn (Hòn Đất, Hòn Tre, Hòn Me) đã được nhắc đến trong tiểu thuyết "Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức. Nghĩ về chị Sứ - nữ du kích Nam Bộ nghĩa khí, bộc trực, nhân ái, trung hậu, đảm đang trong tác phẩm của nhà văn Anh Đức rồi nhìn sang cô nữ giao liên chưa đầy 18 tuổi tay sách súng AK, lưng dắt đầy lựu đạn phăng phăng dẫn đầu đoàn quân đi trong vùng địch, chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh để xông pha…”. Đến "Đường đi chiến dịch”, tác giả thuật lại từng bước đi, từng trận đánh, từng khoảnh khắc huy hoàng và cả đau thương, mất mát cho ngày thống nhất đất nước 30/4/1975: "16 giờ có lệnh hành quân, chúng tôi không hạt cơm bỏ bụng vội vã đội bom, pháo ra đi. Dưới làn khói đặc sệt của bom đạn, chúng tôi đã giao chiến với lính bộ binh, xe bọc thép của địch. Sau những ngày tiến đánh quyết liệt, chúng tôi đã áp sát lộ Vòng Cung và sân bay Trà Nóc - Cần Thơ. 11giờ 30 phút, chúng tôi nhận được tin Sài Sòn giải phóng, cùng lúc ấy, người đồng đội tên Mỹ, quê ở Chương Mỹ - Hà Tây đã trúng viên đạn lạc. Vỡ òa trong niềm vui chiến thắng nhưng chúng tôi không ngăn lại được nỗi đau khi chứng kiến người đồng đội hy sinh trong giờ phút huy hoàng nhất...”.
Gia nhập đoàn quân đi cứu nước khi vừa rời ghế nhà trường, chàng trẻ Nguyễn Xuân Chiến mang theo ước mơ, hy vọng và cả niềm đam mê thơ văn vào nơi chiến trường. Bằng những dòng nhật ký và cả những vần thơ mộc mạc, Nguyễn Xuân Chiến đã ghi lại tất cả niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn, gian khổ, tình đồng chí, anh em… trênbước đường hành quân, chiến đấu. "Khoảnh khắc”, tên của cuốn sách cũng là tựa đề một bài thơ mà người chiến sỹ trẻ Nguyễn Xuân Chiến viết trên đường hành quân nơi chiến trường Tây Nam Bộ: "…Khoảnh khắc nào hơn khi sáu đứa chụm đầu/Còn đủ cả không hay thiếu người thừa súng/ Mặt nhọ nhem chưa hạt cơm bỏ bụng/Chia nhau điếu thuốc gò, quên bữa thiếu chiều hôm”. Bài thơ ấy đã ghi lại khoảnh khắc không thể quên sau trận đánh - một nửa tiểu đội đã hy sinh để lại sự ngẩn ngơ, quạnh vắng cho 6 người ở lại.
Là người trong cuộc - cùng đồng đội cầm súng bảo vệ Tổ quốc từ năm 1971 đến khi quét sạch bóng quân thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chiến tự thấy mình có trách nhiệm phải ghi lại những khoảnh khắc của một thời chinh chiến. Góp nhặt những dòng nhật ký, những vần thơ viết vội nơi chiến trường, ông đã in và xuất bản tập thơ, văn mang tên "Khoảnh khắc” vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Các tác phẩm được thể hiện dưới dạng ghi chép với người thực, việc thực, có không gian, thời gian, địa danh cụ thể. Bởi vậy, cuốn sách đã giúp ông thực hiện sứ mệnh kể chuyện đời lính - điều mà những cựu chiến binh năm xưa nên làm để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Lam Nguyệt
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chiến từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế, chiến đấu trên đất bạn Lào và sau này trở về Trung đoàn Cửu Long chiến đấu ở Quân Khu 9 - miền Tây Nam Bộ. Xuất ngũ, chiến sỹ Nguyễn Xuân Chiến trở về Hòa Bình công tác trong ngành Tòa án. Năm 2010, ông về nghỉ chế độ với cương vị Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh. Hiện, ông tham gia Hội Luật gia, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh và trực tiếp điều hành Văn phòng công chứng Tín Phát trên đường Trần Nhân Tông, phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình). |