Những nét chạm trổ tinh xảo nhưng ngói đã xô, mái đã thủng.
Đền Trạng ở xóm Vĩnh Phúc, làng Trung Định (xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), được xây dựng trong đầu thời Nguyễn (năm Giáp Tuất, 1814), thờ "Bắc thành đại tướng quân” Nguyễn Hữu Hộ là hậu duệ dòng họ Nguyễn ở làng Trung Định, xã Hương Thủy (tổng Chu Lễ xưa).
Gia phả họ Nguyễn ở làng Trung Định có ghi về ông Nguyễn Hữu Hộ (1768 - 1789): Từ nhỏ đã có thiên tư thông đạt, tính tình nghiêm nghị, cương trực. Năm 20 tuổi ông Hộ cưới người con gái họ Văn (tên là Tuân) ở cùng quê, tổng Chu Lễ. Khi Nguyễn Huệ hành quân qua Hà Tĩnh tuyển quân ra bắc đánh đuổi giặc Thanh, ông đã xin gia nhập, được giao chỉ huy một đội quân tiến ra Thăng Long đánh đuổi giặc Thanh.
Trong chiến trận, ông hy sinh vào đêm ngày mồng 2 rạng ngày mồng 3 Tết Kỷ Dậu (1789). Để tưởng nhớ công lao, nhân dân địa phương đã lập đền thờ phụng ông tại quê nhà, tổ chức lễ giỗ vào ngày mùng 2 Tết hằng năm tại đền Trạng. Sau nhiều năm đền Trạng dần bị hoang phế, linh vị đã được con cháu dòng họ Nguyễn làng Trung Định đưa từ đền Trạng về nhà thờ họ Nguyễn để bảo vệ và thờ phụng.
Đền Trạng ở trên một quả đồi cao trong làng Trung Định. Dựa vào kiểu dáng, đặc điểm và trang trí chạm khắc trên các bộ phận của kiến trúc toà Thượng điện cùng niên đại của tấm linh vị vốn có ở đền Trạng trước kia, có thể xác định công trình kiến trúc này được làm khoảng đầu thời Nguyễn (1814). Cuối thời Nguyễn, đền Trạng được trùng tu tôn tạo. Trên xà ngang của vì kèo thứ nhất tòa Thượng điện còn dòng chữ Mậu Thân hạ tạo tác, cho biết lần trùng tu này diễn ra vào năm 1908, dưới thời vua Duy Tân (1907 - 1916). Dấu tích của lần trùng tu này còn để lại rõ nét trên một số đầu dư tại toà Thượng điện và kết cấu kiến trúc trong hậu cung.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đền Trạng nay còn lại tòa Thượng điện và Hậu cung, phần sân nền lát gạch cẩm trang (cỡ 18cm x18cm) cùng những hàng chân tảng đá kê cột rải rác. Tòa Thượng điện có ba vì kèo, các cấu kiện kiến trúc được làm chủ yếu bằng gỗ mít. Các đường nét chạm khắc trang trí độc đáo, tinh xảo, mang đậm dấu ấn nghệ thuật đầu thời Nguyễn theo những chủ đề mỹ thuật thường thấy ở những công trình tâm linh như tứ linh (long, ly, quy, phượng), ngư hóa long, trúc hóa long, long mã… Những đồ thờ như biển rước, kiệu rước, ngai thờ cũng được sơn son thếp vàng, trang trí hình rồng khá tinh xảo.
Những giá trị của ngôi đền đã được các chuyên gia ở Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định sau khi tiến hành khảo sát, nghiên cứu sơ bộ trong tháng 5-2019. Ngôi đền là di tích gắn liền với lịch sử xã Hương Thủy từ đầu thế kỷ 19 đến nay và là một trong số những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của huyện Hương Khê, là chứng tích quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương.
Hiện nay di tích này nằm trọn trong vườn cây của một hộ dân, lối vào bị bịt kín. Trên sân đền còn nhiều mảng ngói vỡ vương vãi do những đợt mưa gió vừa qua. Khí hậu vùng Hương Khê khắc nghiệt, mưa nắng giông lốc thất thường càng đe dọa sự an toàn của di tích. Trước nguy cơ một di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào, các chuyên gia về Di sản văn hóa từ trường Đại học Văn hóa đã kiến nghị với chính quyền và nhân dân địa phương chung tay góp sức tìm cách bảo vệ khẩn cấp di tích này. Trước mắt, cần quy hoạch lại hệ thống khuôn viên của đền Trạng, thành lập ban quản lý di tích, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để sớm có phương án trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích trước mùa mưa bão.
TheoNhanDan