Trước thực trạng khó khăn ngày càng bủa vây nhiều sàn kịch từng là điểm sáng của TP HCM như: IDECAF, Phú Nhuận, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, Hoàng Thái Thanh…, Hội Sân khấu TP HCM kiến nghị chính quyền thành phố "làm bà đỡ" cho các sân khấu xã hội hóa, đầu tư kinh phí cho vở diễn mới, với cách thức xét duyệt kịch bản để đầu tư.
Tài trợ hay cứu trợ?
Giới làm sân khấu tỏ ra hồ hởi với đề xuất này. Đạo diễn Ái Như (Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh) cho biết mức kinh phí đầu tư vở diễn mới luôn bị đội giá. Một năm sân khấu bên chị dựng 3 vở mới nên lúc nào cũng hụt hơi, rất cần được hỗ trợ kinh phí.
NSND Hồng Vân nói: "Chủ trương của Hội Sân khấu TP HCM là kịp thời. Vì trước đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM chỉ tài trợ kinh phí cho các đơn vị xã hội hóa dựng vở theo chủ đề: "Học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", "An toàn giao thông", "Đưa sân khấu lịch sử vào học đường", "Phòng chống HIV"… Còn để có vở diễn trụ được tại sân khấu, vẫn chưa có sự hỗ trợ nào".
Trên thực tế, nếu theo chủ trương của Hội Sân khấu TP HCM, mỗi sân khấu ít nhất một kịch bản nhận được kinh phí hỗ trợ của TP. Với mức kinh phí đầu tư cho vở diễn có chất lượng dao động từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/vở, nếu phân bổ đều, mỗi năm TP HCM sẽ phải chi ra từ 10 - 20 tỉ đồng cho 20 vở diễn của các lĩnh vực: cải lương, hát bội, kịch nói, xiếc… mà chưa chắc có được tác phẩm hay như mong muốn khi thành phẩm.
Ông Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng phương thức đấu thầu kịch bản đối với các sân khấu xã hội hóa là rất cần thiết, căn cứ từng đề cương dàn dựng của các sân khấu xã hội hóa để quyết định. Nhưng theo đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc, đấu thầu vẫn không hiệu quả. Vì chưa chắc cách làm này đã có vở hay. Theo ông, hình thức đầu tư nên tránh làm theo kiểu cứu trợ.
Cảnh trong vở nhạc kịch "Tiên Nga” của Sân khấu Kịch IDECAF.
"Trên thực tế, qua một đợt biểu diễn, những vở được đầu tư theo kiểu cứu trợ chẳng đạt được hiệu quả gì. Rồi các sân khấu loay hoay đối phó, nhà nước đã rót tiền nên không thể ngưng. Cứ thế, nhà nước mất tiền, sân khấu TP HCM vẫn thiếu vở hay phục vụ công chúng" - đạo diễn Trần Minh Ngọc trăn trở.
Ông dẫn chứng có nhiều vở diễn của các đơn vị nghệ thuật công lập được đầu tư theo phương thức "cứu trợ", hiệu quả nghệ thuật sau khi vở diễn thành phẩm không cao. Có vở được dựng từ các trại sáng tác, đem dự thi, rồi cất kho. "Đầu tư theo kiểu này gần với cứu trợ hơn là tài trợ để có được vở diễn sống khỏe, trường thọ, sức lan tỏa lớn trong đời sống xã hội" - NSƯT Trần Minh Ngọc nói.
Thay đổi tư duy
Vở nhạc kịch "Tiên Nga" của Sân khấu IDECAF đã chứng minh tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, đạt chất lượng nghệ thuật cao, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Qua 4 đợt tái diễn, tác phẩm này đã khẳng định khán giả không quay lưng với sân khấu mà chỉ có sân khấu chưa làm được vở diễn chạm đến cảm xúc người xem. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cũng thừa nhận: "Hiện nay, chất lượng vở diễn mới là yếu tố quyết định.
Bên cạnh vở nhạc kịch "Tiên Nga", sàn diễn cải lương của Sân khấu mới Đại Việt cũng đã đầu tư nghiêm túc vở cải lương "Chuyện tình Khau Vai", thu hút khán giả trong những suất diễn vừa qua. Sân khấu kịch và cải lương hôm nay cần những nghệ sĩ có tư duy làm nghề như ê-kíp thực hiện vở "Tiên Nga", "Chuyện tình Khau Vai"... Ông Giàu cho rằng nhà nước cần quan tâm đến những vở diễn đỉnh cao về nghệ thuật, có sức hút lớn đối với khán giả.
Cũng có ý kiến cho rằng đâu phải sân khấu nào cũng có kinh phí ban đầu để "chơi một quả lớn" như "Tiên Nga", "Chuyện tình Khau Vai". Với lại khi vở diễn thành công về doanh thu, có cần nhận thêm sự tài trợ của nhà nước? Đây là tư duy cũ không còn phù hợp. Giới chuyên môn cho rằng tài trợ không mang ý nghĩa cấp vốn hoặc bù lỗ mà mang ý nghĩa khuyến khích, tưởng thưởng, tạo điều kiện cho vở diễn hay đến được với đông đảo công chúng hơn theo nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn tài trợ cho vở diễn tăng lịch diễn dày hơn, đưa đến được nhiều nơi hơn, phục vụ nhiều đối tượng khán giả. Thậm chí nhà nước bỏ tiền mua bản quyền thu hình phát sóng rộng rãi cho công chúng xem qua truyền hình và các nền tảng mạng. Đây cũng là cách nhân rộng hiệu quả nghệ thuật trong công chúng, góp phần định hướng thẩm mỹ. Muốn được tài trợ, nhà sản xuất phải tạo ra tác phẩm chất lượng, hấp dẫn người xem, được thẩm định qua thực tế.
Các đơn vị nghệ thuật sẽ có động lực để sáng tạo vở diễn chất lượng cao, nghệ sĩ tham gia biểu diễn cũng vui mừng, vì vai diễn của họ được đầu tư, chăm chút, đến được với công chúng rộng rãi. NSND Kim Cương tâm đắc với phương thức này, theo bà, đây là cách để sân khấu tạo ra được tác phẩm đỉnh cao và đưa những tác phẩm đỉnh cao đến được với công chúng rộng rãi.