Năm 1980, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã gửi kịch bản đầu tay "Sống mãi tuổi 17” cho Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành là người thực hiện vở diễn này. Ngay sau đó, vở diễn đã vụt sáng trở thành hiện tượng trong làng sân khấu thời bấy giờ và xuất sắc giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980, khởi đầu sự nghiệp lẫy lừng của nhà viết kịch tài danh bậc nhất trong lịch sử sân khấu Việt Nam sau này.
Kể từ đó, Nhà hát Tuổi trẻ trở thành một trong những nhà hát dàn dựng nhiều và thành công nhất các vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ. Những vở diễn như : "Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, "Cô gái đội mũ nồi xám”, "Lời nói dối cuối cùng”, "Ai là thủ phạm”, "Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, "Mùa hạ cuối cùng”, "Lời thề thứ 9”, "Tin ở hoa hồng”… đã được đông đảo khán giả yêu mến, ủng hộ. Nhiều vở được dàn dựng lại sau hàng chục năm ra mắt nhưng vẫn chiếm được cảm tình của khán giả. Những vở kịch của Lưu Quang Vũ, dù sau hàng chục năm, nhưng vẫn thấm đẫm giá trị thời sự và luôn thu hút đông đảo khán giả đến rạp, kể cả khi các ngành nghệ thuật biểu diễn rơi vào tình trạng khó khăn.
Tháng 9 năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức sự kiện "Sức sống kịch Lưu Quang Vũ” nhằm tưởng nhớ, tri ân cặp vợ chồng tài danh Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và trình diễn một số vở diễn đặc sắc nhất của Nhà hát Tuổi trẻ: "Ai là thủ phạm”, "Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, "Tin ở hoa hồng”. Hoạt động này đã thành thông lệ trong những năm qua tại Nhà hát Tuổi trẻ - nơi gắn bó với Lưu Quang Vũ từ những ngày đầu viết kịch, thành danh và đi xa, mối duyên tình được các thế hệ nghệ sĩ nâng niu và truyền gửi cho nhau trong suốt 40 năm qua.
Các buổi diễn trong sự kiện "Sức sống kịch Lưu Quang Vũ” tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ - 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội sẽ được thực hiện theo quy chuẩn bảo đảm giãn cách xã hội và các biện pháp phòng dịch Covid-19.
TheoNhanDan