(HBĐT) - Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh gồm Dao tiền và Dao quần chẹt, sinh sống tại các huyện:Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình với 44 bản Dao, trên 17.000 người. Ngoài những lễ hội đặc sắc như tết nhảy, cấp sắc, cầu mùa, tạ mả…, đồng bào dân tộc Dao còn lưu giữ tinh hoa văn hóa độc đáo trên những bộ trang phục truyền thống.



          Người Dao Tiền bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) vẽ sáp ong thêu hoa văn lên trang phục.

Đặc sắc trang phục người "Dao đeo tiền”

Những đồng tiền bạc trắng sau gáy áo tạo nên điều riêng biệt chỉ có ở người Dao tiền hay còn gọi là "Dao đeo tiền”. Không rực rỡ, trang phục nam hay nữ người Dao đều lấy tông màu chàm đen làm chủ đạo, kết hợp với những nét hoa văn cầu kỳ và trang sức bạc trắng tạo nên sự nhã nhặn, tinh tế, huyền bí. Những nét đặc sắc được lưu giữ từ khăn, mũ, áo, yếm, váy, thắt lưng, xà cạp, vòng đeo tay, cổ… với hoa văn tinh xảo, chất liệu cầu kỳ, bắt mắt. Trang phục của người Dao tiền  được thêu hoa văn ở tà áo, lưng áo, gấu áo và cổ áo. Một bên vạt áo có đến 6-7 họa tiết ở viền, mỗi hoa văn đều rất tinh xảo, tỉ mỉ, mang ý nghĩa tượng hình về mặt trời, các vị thần trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân tộc Dao.

 Đến thăm bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), nơi đây còn giữ được những nét đặc trưng của dân tộc Dao từ ngôi nhà, cách ăn, ở, giọng nói, trang phục trước những đổi thay hiện đại. Chị Bàn Thị Lan người bản địa giới thiệu cho chúng tôi những chất liệu, hoa văn độc đáo trên từng chiếc áo, cặp váy được chị cẩn thận giữ gìn. "Theo truyền thống, con gái Dao Tiền từ thuở nhỏ đã được bà, mẹ chỉ bảo, truyền dạy cho cách thêu thùa, làm trang phục truyền thống. Từ cách thêu thùa, vẽ sáp ong, mỗi nét hoa văn đều có những ý nghĩa văn hóa, tâm linh mà bất cứ cô gái nào cũng phải ghi nhớ. Theo thời gian, khi đường kim mũi chỉ thành thạo cũng là lúc người con gái Dao tiền bắt đầu làm nên bộ trang phục cho mình khi đi lấy chồng” - chị Lan chia sẻ.

Để hoàn thành một bộ trang phục, người phụ nữ Dao Tiền phải làm nhiều công đoạn thủ công, tỉ mỉ có khi mất vài tháng, thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ, là tiêu chí chọn vợ của các chàng trai. Điểm nhấn trên trang phục là chiếc khăn đội đầu, ở phía dưới khăn được thêu một số hoa văn họa tiết hình vuông bằng chỉ ngũ sắc với những ô vuông, quả trám... Khi đội khăn, phụ nữ thường búi tóc ngược lên đỉnh đầu hơi hướng về phía trước, khéo léo quấn hai đuôi tai khăn vắt chéo qua trán, kín gáy và gần kín hai tai tạo thành hình chữ bát. Áo, váy được làm thanh thoát, trang trí họa tiết các mảng hoa văn như hình thoi, tam giác, răng cưa... Một nét văn hóa đặc sắc của người Dao Tiền là vẽ sáp ong trên trang phục tạo thành những họa tiết bắt mắt. Sáp ong ở rừng đem về nấu thành cao, chấm vào vải, phải đủ nhiệt độ thì họa tiết in lên vải mới đều và đẹp. Hoa văn không chỉ để trang trí mà còn thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, tình cảm của người phụ nữ, hàm chứa giá trị nghệ thuật sâu sắc.

Giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa trên trang phục người Dao quần chẹt

 Khác với trang phục Dao tiền, hoa văn trên trang phục người Dao quần chẹt đều là thêu chỉ, không vẽ bằng sáp ong, các phụ kiện, trang sức cũng cầu kỳ hơn. Đối với người Dao tiền, chiếc khăn đội đầu tập trung sự tinh tế, cầu kỳ thì người Dao quần chẹt, hoa văn trên chiếc áo, các loại trang sức đeo trên cổ, tay, hông mới là điểm nhấn cho bộ trang phục. Cũng là màu chàm đen làm chủ đạo, chiếc áo được thêu đặc biệt với rất nhiều họa tiết, hoa văn bằng những đường chỉ màu rực rỡ tượng trưng cho mặt trời, cây cỏ, hoa lá, guồng nước với mong muốn mưa thuận gió hòa, vạn vật tốt tươi. Bộ xà tích gồm 8 dây bạc, nhiều đồng bạc, xương trâu vuốt thành đoạn nhỏ như chiếc đũa, chạm trổ cầu kỳ cùng những chiếc vòng bạc đeo cổ thể hiện tính kiên trì, đồng thời thể hiện vai trò, địa vị của người mặc trong cộng đồng.

Ông Triệu Lục Liên, người già uy tín bản Dao Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) cho biết: "Việc giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa từ thế hệ này qua thế hệ khác luôn được các gia đình coi trọng, đặc biệt là trang phục Dao quần chẹt không bị mai một theo thời gian. Đàn ông, nhất là bậc cao niên truyền đạt về phong tục, tập quán, lễ hội, kỹ thuận canh tác, sản xuất. Các bà, các mẹ chỉ bảo nết ăn, nếp ở, cách thêu thùa, giữ gìn trang phục truyền thống cho thế hệ con cháu. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là trên trang phục có ý nghĩa quan trọng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”.

 Trang phục truyền thống của người Dao quần chẹt nói riêng và cộng đồng người Dao trên địa bàn tỉnh nói chung là "ngôn ngữ” thứ hai để quảng bá hình ảnh, văn hóa của dân tộc. Dù cuộc sống nhiều nơi còn nhiều khó khăn, song các giá trị văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ trong từng nếp nhà, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mỗi ngày lễ, mỗi nghi thức hay trong đời sống sinh hoạt thường ngày, tiếng bạc trắng leng keng vang lên trong điệu múa cùng những gam màu sắc hài hòa tạo nên không gian văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào dân tộc Dao.


Hoàng Anh


Các tin khác


Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mãi mãi mùa xuân có Đảng"

Tối 3-2, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2021) và chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với chủ đề "Mãi mãi mùa xuân có Đảng”.

Đón đọc Báo Hòa Bình Xuân Tân Sửu 2021

(HBĐT) - Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân mới, Báo Hòa Bình xuất bản ấn phẩm đặc biệt Xuân Tân Sửu 2021.

Dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần và Chợ Viềng Xuân 2021

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã có công văn đồng ý dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân năm 2021.

Linh thiêng chùa Đồng Yên Tử

(HBĐT) - Chùa Đồng là địa điểm nổi tiếng nhất trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), là đích đến của mọi tăng ni, phật tử, du khách thập phương khi hành hương về đất thiêng Yên Tử. Theo quan niệm của các tăng ni, phật tử, chùa Đồng là nơi con người có thể cầu viện được "sinh lực vũ trụ” cho mọi mặt cuộc đời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục