(HBĐT) - Đến "xứ trầm hương” khi vừa kết thúc một đợt mưa bão. Đầu giờ chiều, mưa dứt hẳn, men theo dòng sông Cái, tôi tìm đến khu tháp cổ linh thiêng, nơi mà tôi luôn nghĩ sẽ đặt chân đến đầu tiên khi tới đây. Nắng đã lên và nhuộm vàng dòng sông Cái. Hình ảnh núi Cù Lao và tháp Bà Ponagar in bóng trên sóng nước lung linh.
Đâu đó trên sông vang lên những câu hát, có lẽ đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Nha Trang bao đời nay:
"Ai về Xóm Bóng thăm nhà
Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng?
Thế thường tre lụn còn măng
Phải đâu tham đó bỏ đăng cho đành...”.
Những vũ nữ người Chăm uyển chuyển với bài múa lu truyền thống dưới chân những ngọn tháp cổ tại quần thể tháp Bà Ponagar, TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Vũ điệu Chămpa say đắm lòng người
Tháp Bà Ponagar là một quần thể gồm nhiều tòa tháp tọa lạc trên đồi bên cạnh cầu xóm Bóng và cửa sông Cái thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Nơi đây thờ Nữ thần Ponagar (Người mẹ xứ sở của dân tộc Chămpa) và cũng là Thiên Y Thánh mẫu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Không chỉ là nơi thờ cúng, tín ngưỡng của người dân địa phương, Tháp Bà còn là địa chỉ du lịch văn hóa độc đáo với sản phẩm du lịch thu hút du khách. Đến đây, sau khi tìm hiểu, tham quan kiến trúc quần thể tháp, tôi được xem những điệu múa đậm chất Chămpa. Âm nhạc và múa Chăm đã có từ lâu, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Chăm, đối với đồng bào Chăm tại Nha Trang (Khánh Hòa) cũng vậy.
Những vũ điệu Chăm được trình diễn ngay dưới chân tháp Bà Ponagar, do các vũ nữ người Chăm biểu diễn. Khi tiếng trống Ghinăng, trống Paranưng và kèn Saranai truyền thống vang lên rộn ràng, da diết như một ma lực đã thôi thúc tôi chìm đắm trong không gian văn hóa đầy cuốn hút. Dưới chân những ngọn tháp cổ, các vũ nữ Chăm trong trang phục truyền thống nhịp nhàng xoay chuyển, dập dìu theo từng điệu múa. Nụ cười duyên của các vũ nữ trẻ với từng động tác lúc khoan thai, nhẹ nhàng, lúc duyên dáng, uyển chuyển, lúc mạnh mẽ, đắm say thực sự cuốn hút tất cả người xem. Hiện nay, cùng với đội nhạc công gồm 3 nghệ nhân áo trắng, đội múa Chăm phục vụ tại khu di tích Tháp Bà gồm 5 thiếu nữ người Chăm có tuổi đời từ 19 - 22.
Theo nghệ nhân Vạn Ngọc Chí, múa dân gian, múa cung đình và tôn giáo - tín ngưỡng; mỗi loại mang những đặc trưng, dấu ấn riêng. Những điệu múa Chăm ở tháp Bà chủ yếu thuộc thể loại múa dân gian, mô phỏng những động tác quen thuộc trong cuộc sống lao động hàng ngày như: Múa quạt, múa lu, múa đội lửa, múa âm dương, múa Apsara… Qua nền nhạc truyền thống, người Chăm thể hiện tâm tư, tình cảm của mình, tình yêu lứa đôi nam nữ, ca ngợi tinh thần lao động. Với tôi, ấn tượng nhất có lẽ là những bài múa lu, những cô gái nhỏ bé vừa đội lu trên đầu vừa múa mà không làm lu rơi nhưng vẫn thể hiện hết những đặc sắc nghệ thuật của bài múa, chắc hẳn đã phải trải qua thời gian luyện tập kiên trì, thường xuyên mới có thể làm được.
Cũng theo nghệ nhân Vạn Ngọc Chí, vũ điệu Chăm ở tháp Bà là nơi hiếm hoi không sử dụng hình thức "sân khấu hóa”, không chọn người Việt trong múa Chăm. Như vậy mới thể hiện được "cái hồn” của người Chăm trong các bài múa, điệu nhạc của chính họ. Cũng vì thế nên những bài múa dù rất tự nhiên, gần gũi nhưng vẫn lôi cuốn, khiến người xem say đắm, khó quên, đặc biệt là phục vụ du khách quốc tế. Đồng thời, cũng góp phần giới thiệu nghệ thuật truyền thống này với thế giới.
Đặc sắc văn hóa truyền thống gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo
Người Chăm quan niệm, múa là sợi dây tương thông giữa con người với thần linh. Do đó, múa có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Chăm. Điều này càng được thể hiện rõ nét tại tháp Bà, đặc biệt là trong những ngày lễ hội, dịp đầu năm mới.
Tháp Bà Ponagar thu hút đông đảo khách thập phương đến thăm quan, thưởng lãm.
Theo Ban Quản lý khu di tích tháp Bà Ponagar, Lễ hội tháp Bà PoNagar Nha Trang (còn gọi là Lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay Lễ vía Bà) diễn ra hàng năm từ ngày 20 - 23/3 âm lịch. Tại đây có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc trưng của tục thờ Mẫu và đã trở thành nơi hội tụ của các tộc người Kinh, Chăm, Raglai và các cộng đồng tộc người ở miền Trung và Tây Nguyên. Lễ hội được diễn ra với rất nhiều nghi thức truyền thống như: Lễ thay y Mẫu; lễ thả hoa đăng trên sông Cái; nghi thức rước kiệu từ tháp Bà đi qua các tuyến đường trong khu dân cư; lễ cầu Quốc thái dân an; lễ khai mạc; lễ cúng Ngọ; lễ dâng hương Mẫu; lễ tế cổ truyền; lễ khai diên và lễ tôn vương. Những nghi lễ, vật phẩm thờ cúng, trang phục truyền thống, điệu múa bóng, vở tuồng cổ… được tái hiện trong lễ hội đã đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
Độc đáo nhất có lẽ là nghệ thuật múa bóng - loại hình nghệ thuật dân gian gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tín ngưỡng này khi đến vùng đất Khánh Hòa đã có sự giao thoa với tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của người Chăm, từ đó tạo sự đồng điệu trong âm nhạc, văn hóa. Đây là một trong những hình thức thể hiện sự tôn vinh, thành tâm của người dân đối với ân đức, công lao của Mẫu. Mô tả về múa bóng, Quách Tấn, tác giả cuốn sách Xứ trầm hương từng viết: "Người múa toàn là con gái. Áo xiêm rực rỡ; đầu đội, người cỗ hoa tươi, kẻ đèn lồng ngũ sắc. Đèn và hoa chồng cao như ngọn tháp. Vũ nữ múa theo tiếng đàn, nhịp trống, nhịp nhàng dưới ánh đuốc. Họ múa rất khéo và rất tài, đôi tay, đôi chân luôn cử động, vừa dẻo vừa mềm, mà đầu và thân cũng luôn ngửa nghiêng uốn éo theo bước chân, nhịp tay, rộn ràng đều đặn. Thế mà đèn và hoa đội trên đầu, không vịn, không đỡ mà vẫn không hề lay, không hề dịch, dường như có những bàn tay vô hình nâng đỡ. Cảnh tượng vô cùng ngoạn mục”.
Trước đây, nghệ thuật múa bóng được người Chăm thực hiện vào các ngày vía, ngày vọng (tức mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng). Vào những ngày đó, họ tập trung dưới chân tháp Bà để múa, chỉ đến ngày vía Bà (từ 20 - 23/3 âm lịch) mới lên tháp để biểu diễn. Cách thức múa bóng thường theo quy trình gồm: Các vũ công múa hoa linh, múa dâng ngũ quả, múa tấu cổ để hầu Mẫu, ca ngợi công đức của Mẫu; cô vào ngồi đồng để các thánh thần hiển linh nhập xác, rồi cô múa bóng thể hiện những uy quyền, tính cách của các vị thánh thần, tiếp đến cô phán lời thánh, phát lộc Mẫu; sau đó, các đoàn đi vào múa bóng để hầu các thần theo thứ tự từ cao đến thấp. Tuy nhiên, ngày nay, các đoàn người Chăm về dự lễ hầu như chỉ hành lễ mà ít tham gia múa bóng, còn các đoàn múa bóng trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa ít nhiều đã có sự sáng tạo và ảnh hưởng của Hầu Đồng ở miền Trung và miền Bắc...
Vũ điệu Chămpa có nguồn gốc từ lao động, sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa, hoặc mô phỏng từ những động tác của các loài vật. Nghệ thuật tạo hình trong múa Chăm chịu ảnh hưởng từ các huyền thoại thần Shiva, Po Inư Nagar… Trong những lễ hội truyền thống, vũ điệu Chăm vừa tạo không khí lễ hội vừa là lời ước nguyện của dân làng gửi đến trời, đất, thần linh cầu mong cuộc sống no đủ, mùa màng tốt tươi.
Ghi nhận những giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở di tích tháp Bà Nha Trang, năm 2012, Lễ hội tháp Bà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, cũng là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong lịch sử. Mỗi dịp lễ hội là một cơ hội để bà con trở về với cội nguồn, giáo dục thế hệ trẻ biết sống có đạo lý, góp phần bồi đắp những truyền thống văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ.
Đến Nha Trang, sẽ chưa thật trọn vẹn nếu bạn chưa một lần "về xóm Bóng” để "Hỏi xem điệu múa dâng Bà”...
Ghi chép của Thu Hằng
(HBĐT) - Xuân Tân Sửu đã tới. Trong không khí rạo rực ngày xuân, đào khoe sắc thắm, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc, mừng Đảng ta tròn 91 Xuân, mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, lòng người hân hoan, niềm vui được nhân lên trên khắp quê hương Hòa Bình thân yêu.
(HBĐT) - Trong lịch sử người Mường ở Hòa Bình chưa có tiền lệ di cư tập thể như các cuộc thiên di của các dân tộc khác, từ gia đình nhỏ đến mường lớn đều định cư. Người Mường Hòa Bình di cư vào Tây Nguyên do nhiều nguyên cớ nhưng một điều chắc chắn là khi phải bỏ nơi "chôn nhau, cắt rốn”, đất đai của tổ tiên họ không khỏi lưu luyến. Trong hành trang đi tới đất mới, thứ quý giá nhất của đồng bào Mường chính là hai tiếng thiêng liêng: Đình làng.
(HBĐT) - Vốn là tuyến đê ngăn những dòng nước hung dữ của dòng sông Đà vào mùa mưa lũ, năm 2015, Dự án mở rộng mặt đê Đà Giang kết hợp làm đường giao thông hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo cho TP Hòa Bình diện mạo mới.
(HBĐT) - Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong không khí phấn khởi, vui tươi đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, một sự kiện văn hóa - du lịch quan trọng của tỉnh đã diễn ra giữa lòng Thủ đô Hà Nội với chủ đề "Hòa Bình - Miền sử thi". Ngày hội tô thắm thêm bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp niềm tự hào về cảnh sắc thiên nhiên và tình đất, tình người quê hương Hòa Bình.
(HBĐT) - Vùng đất Hòa Bình xưa không có lò gốm nào, cũng chẳng có cuốn sách nào viết về gốm cổ ở Hòa Bình. Thế nhưng, theo chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trong quá trình làm việc, tiếp xúc với các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật ở Hòa Bình, Hà Nội, chị đã được nghe một thông điệp là có tới 1/3 số cổ vật gốm của các nhà sưu tập tư nhân tại Hà Nội có nguồn gốc từ Hòa Bình...