(HBĐT) - Vùng đất Hòa Bình xưa không có lò gốm nào, cũng chẳng có cuốn sách nào viết về gốm cổ ở Hòa Bình. Thế nhưng, theo chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trong quá trình làm việc, tiếp xúc với các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật ở Hòa Bình, Hà Nội, chị đã được nghe một thông điệp là có tới 1/3 số cổ vật gốm của các nhà sưu tập tư nhân tại Hà Nội có nguồn gốc từ Hòa Bình...
Chiếc bát gốm cổ có niên đại từ thời Lý - Trần được tráng phủ một lớp men đặc biệt cho đến nay chưa có lò gốm nào có thể tái hiện.
Đi tìm gốm cổ trong dân gian
Vẫn biết, để tìm được một hiện vật cổ có niên đại hàng trăm năm được lưu giữ trong dân gian bây giờ là một điều rất khó. Nhưng tôi cứ đi tìm, bởi theo anh bạn cũng có chút "nghề” bảo: Ông cứ đi đi. Đi để mở mang tầm hiểu biết. Đi để được gần gũi hơn với cuộc sống người dân. Biết đâu lại có được... cơ duyên, được thấy những thứ mà người ta còn cất giấu, chẳng mấy ai được biết.
Có lý! Vậy là tôi theo... Có đi, có hỏi, rồi lang thang khắp chốn, gặp gỡ hàng trăm con người trên khắp vùng đất 4 Mường. Từ Mường Bi, lên Mường Vang, từ Mường Thàng xuống Mường Động. Len lỏi cả những nơi xưa kia được giới mua bán đồ cổ và các nhà khoa học, khảo cổ xác định là "thủ phủ” của gốm cổ như khu mộ cổ Đống Thếch ở vùng Mường Động, khu mộ cổ Đống Cúi ở Mường Thàng, khu mộ cổ Ngọc Lâu ở Mường Vang. Nhưng có vẻ như chưa có duyên với gốm cổ. Sau hành trình dài, chúng tôi lại trở về với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng ở xã Hương Nhượng (Lạc Sơn). Nghe câu chuyện, anh bảo: Bây giờ những thứ ấy hiếm lắm, khó tìm, khó kiếm lắm. Nếu trong dân gian, nhà nào còn giữ thì đó là bảo vật truyền đời của cả dòng họ.
Nói rồi anh đưa chúng tôi ra phía sau nhà. Cả một khoảnh vườn la liệt bát, đĩa, mảnh vỡ chum, thạp cổ. Anh kể: Ngày trước thấy người ta đi đào mộ cổ vứt lại những mảnh vỡ này, mình tiếc quá nên nhặt mang về. Đây chính là phần còn lại của những hiện vật, cổ vật hàng trăm năm tuổi được cất giữ như những bảo vật truyền đời của các dòng họ. Nhờ những cổ vật đó mà mình đã thu lượm được nhiều thông tin quý giá về phong tục, đời sống xã hội xưa cũ của người Mường. Trong số, những hiện vật lưu giữ, có nhiều thứ niên đại từ thời Lý, Trần, Lê. Như chiếc bát gốm cổ được tìm thấy trong những lần người ta đào trộm mộ, do không còn nguyên vẹn nên bị bỏ lại. Chiếc bát gốm này có nước men rạn đặc trưng, ngoài ra nó còn là một hiện vật có giá trị lịch sử rất cao khi loại men được phủ lên là loại men "hoa chanh”, mà sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, tìm tòi, chưa một nghệ nhân làm gốm nào có thể tái hiện được loại men này. Ngoài chiếc bát men cổ gốm hoa chanh, trước đây, nghệ nhân Bùi Huy Vọng còn có một chiếc bát cổ cực kỳ độc đáo. Chỉ khi nào đổ nước nóng vào thì hoa văn trên bát mới hiện rõ. Tuy nhiên, do biết tiếng, nhiều người đến tìm hiểu và một trong số những người đó đã lấy mang chiếc bát men sứ này đi đâu không ai rõ. Đó là điều đáng tiếc.
Chia tay nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, theo tuyến đường từ Ngã Ba Xưa chúng tôi về vùng đất Mường Động. Được anh Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) "linh động” cho vào xem những hiện vật gốm cổ thu giữ của các đối tượng đào trộm tại khu mộ cổ Đống Thếch thập niên 80, hiện được lưu giữ, bảo quản tại xã. Không có nhiều hiện vật còn nguyên vẹn. Nhưng về giá trị văn hóa thì đây thực sự là một kho tàng lớn. Khi có nhiều hiện vật niên đại lên đến hàng trăm năm, thậm chí có hiện vật gốm cổ có niên đại từ thời Lý, Trần... Đó chính là những "pho sử” vô giá về văn hóa, tập tục, đời sống của đồng bào dân tộc Mường trong xã hội cũ.
Bảo tàng di sản văn hóa Mường của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mường Bùi Thanh Bình lưu giữ bộ sưu tập lên tới hàng trăm hiện vật gốm cổ.
Nghe tiếng "thì thầm” của thời gian nơi bảo tàng
Trở lại câu chuyện về gốm cổ với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mường, Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường Bùi Thanh Bình, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) chúng tôi được nghe thêm nhiều câu chuyện thú vị về gốm cổ. Ông chia sẻ: Hiện nay, tại bảo tàng có hàng nghìn hiện vật gốm cổ niên đại từ hàng trăm năm trước. Đáng kể nhất là thạp Đinh men xanh. Đây không phải là vật tùy táng trong các ngôi mộ cổ như đa phần các hiện vật khác, mà là bảo vật truyền đời của một gia đình dòng dõi quan lang có thế lực lớn nhất ở vùng Mường Động. Chiếc thạp Đinh có chiều cao khoảng 40 cm, đường kính khoảng 25 cm. Không giống như các loại thạp thường thấy, thạp Đinh có hình dáng lục lăng với 6 mặt cạnh đều nhau. Chiếc thạp này còn gần như nguyên vẹn, chưa thấy ở đâu có chiếc thứ 2. Tuy nhiên, đáng tiếc là trước đây, người chủ cũ đã đục thủng 1 lỗ trên thân thạp để chuyển đổi công năng thành dụng cụ... nấu rượu. Do vậy, tuy là hiện vật có tính độc bản nhưng đã bị giảm đi rất nhiều giá trị. Dù vậy, để đưa chiếc thạp Đinh về với Bảo tàng di sản văn hóa Mường, năm 1995, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Thanh Bình cũng đã phải đi lại nhiều lần để thuyết phục, phải bỏ ra một số tiền lớn và một... lời hứa giữ gìn, bảo quản hiện vật an toàn mới có thể mang chiếc Thạp này về. Ngoài chiếc thạp Đinh, hiện trong kho của Bảo tàng di sản văn hóa Mường còn có nhiều hiện vật gốm cổ rất quý như thạp Khe (trên thân có hình hoa văn tinh tế, đắp nổi con ễnh ương), chum Hươu, bát, đĩa gốm men rạn, men ngọc...
Tuy vậy, nói về những cổ vật gốm có giá trị thì không thể không nói đến Bảo tàng tỉnh. Theo chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trong số những hiện vật gốm cổ hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh có một số hiện vật đặc biệt có giá trị. Thậm chí, có những hiện vật được xếp vào loại báu vật không chỉ ở Hòa Bình, mà còn có thể xếp loại là báu vật gốm ở Việt Nam. Đó là chiếc thạp gốm cổ thời Lý, chum gốm và con Nghê gốm thời Trần.
Các hiện vật này đều là tang vật thu giữ trong các vụ án liên quan đến đào trộm mộ cổ. Như chiếc thạp gốm thời Lý, năm 1987, Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện khi đang trên đường vận chuyển trái phép ra khỏi địa bàn. Chiếc thạp này cao 37 cm, đường kính miệng 30 cm ở khu mộ cổ thuộc xóm Bái Mu, xã Kim Bôi (Kim Bôi). Thạp có men phủ màu xanh lục, dáng hình trụ, không quai, đế bằng, không chân. Lòng thạp được chia thành 2 ngăn dọc. Điều đặc biệt của hiện vật này là các họa tiết trang trí nữ thần chim trên thân Thạp, như thần chim Kinari trong tư thế đang ca múa và tấu nhạc. Cho tới nay, các nhà nghiên cứu mới chỉ tìm thấy họa tiết này trên kiến trúc gỗ, đá xây dựng các chùa tháp. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, họa tiết này được tìm thấy trên một đồ dùng gia dụng. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, đây là hiện vật đặc biệt quý hiếm, có giá trị cao về văn hóa và kinh tế. Khó có thể định giá được hiện vật cổ này. Với hoa văn, kiểu dáng độc đáo đó, chiếc thạp này được xem là hiện vật gốm cổ độc bản tại Việt Nam. Hiện chưa tìm được cái thứ 2.
Bảo vật thứ 2 phải kể đến là chiếc chum gốm hoa nâu thời Trần. Chum cao 72 cm, đường kính miệng 38 cm, còn gần như nguyên vẹn, men trắng ngà vẽ nâu. Hoa văn trang trí chủ đạo là hoa, lá sen và sóng nước. Năm 2003, hiện vật này vẫn được gọi với cái tên thạp gốm hoa nâu. Nhưng khi mang ra để định giá, các nhà nghiên cứu cho rằng, thạp gốm hoa nâu là hiện vật cổ được phát hiện ở nhiều địa phương thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng chưa có chiếc nào kích cỡ lớn như chiếc thạp gốm hoa nâu được phát hiện tại Hòa Bình. Do vậy, Hội đồng giám địch cổ vật quốc gia năm 2003 đã quyết định đổi tên hiện vật thành chum gốm hoa nâu và định giá khoảng 2,5 tỷ đồng.
Ngoài 2 bảo vật trên, Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ 1 bảo vật gốm cổ vô cùng quý hiếm là con Nghê gốm có niên đại thời Trần (thế kỷ XIII - XIV). Con Nghê có chiều cao 64 cm, trong tư thế ngồi chầu, đầu ngẩng, cổ đeo chuỗi nhạc, trang trí hoa văn cánh sen. Cổ và thân tách rời được tạo tác lắp khớp. Toàn bộ con Nghê được tráng men rạn điểm men lam, miệng bôi son nâu. Con Nghê gốm cổ này được hộ dân ở xóm Đồng Mới tìm thấy trong một ngôi mộ cổ của một vị quan lang đất Mường Thàng xưa, được chôn cất tại Đồng Cúi, thuộc xã Dũng Phong (Cao Phong) ngày nay. Theo nhiều người dân ở Dũng Phong, khi phát hiện vào năm 1986, con Nghê này được định giá với một số tiền đủ để xây vài tòa nhà 3 - 4 tầng thời điểm đó. Rất may, lực lượng chức năng huyện Kỳ Sơn đã thu giữ, giao Công an tỉnh, đến năm 2010, Công an tỉnh giao lại cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, bảo quản đến nay.
Theo chị Nguyễn Thị Thi, ngoài Bảo tàng tỉnh là nơi lưu giữ nhiều gốm cổ nhất, vẫn còn một số lượng đáng kể hiện vật gốm cổ nằm trong các bộ sưu tập tư nhân, bảo tàng tư nhân, nhà truyền thống, Phòng VH-TT và tại kho lưu giữ của Công an tỉnh. Số gốm cổ nằm trong dân không đáng kể. Hầu hết các hiện vật gốm cổ còn lưu giữ trên địa bàn tỉnh đều là các hiện vật được tìm thấy từ các ngôi mộ cổ. Chính nhờ tục chia của cho người chết của đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Mường xưa kia, mà một số lượng lớn hiện vật gốm được bảo tồn, trở thành cổ vật, bảo vật của thời nay. Bản thân mỗi hiện vật, cổ vật đều ẩn chứa những thông điệp của lịch sử, văn hóa của từng thời kỳ, mang trong mình những câu chuyện về chủ nhân đã từng sử dụng chúng. Điều đó góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng di sản văn hóa Hòa Bình.
Vũ Phong
(HBĐT) - Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý đang dần trôi qua. Cầm trên tay tờ lịch cũ, đếm ngược giờ đồng hồ để chào đón xuân Tân Sửu 2021 là việc nhiều người dân đã, đang làm để hướng tới một năm mới bình an, suôn sẻ với những ước nguyện, kỳ vọng mới.
(HBĐT) - Là xã xa xôi ở Mù Cang Chải (Yên Bái), La Pán Tẩn nằm ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển, ở vị trí cao nhất của đèo Khau Phạ. Và đèo Khau Phạ được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" vùng Tây Bắc. Đây là nơi đón nhiều khách du lịch trải nghiệm không khí ngày xuân ở một vùng đất xa lạ, hoang sơ trên "đỉnh trời”.
(HBĐT) - Mùa xuân mang hơi thở, không khí và diện mạo của Tết. Tết là thời điểm cuối đông chớm xuân, cũng bởi tiết trời đó, đối với mỗi người, Tết luôn mang trong mình một nét truyền thống, một dấu ấn khó phai. Có lẽ trong một năm, những ngày Tết được mong chờ nhiều nhất. Chính vì thế mà ở quê, những ngày Tết thực sự là những ngày thiêng liêng nhất, vui vẻ nhất trong năm. Mẹ tôi vẫn bảo, khi năm cũ sắp qua, năm mới đang gõ cửa từng nhà, không khí trở nên gấp gáp hơn, lòng người cũng tất bật hơn. Cảnh vật, con người những ngày giáp Tết thật chộn rộn, cây cối xanh tươi hơn, nảy lộc, đâm chồi, con người trở nên vội vã để đón những điều mới mẻ đang ở phía trước.
(HBĐT) - Trước xóm có tên là Lũng Hang, nay sáp nhập với xóm Hang Nước thành xóm Nước Hang, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình). Nhưng bà con nơi đây vẫn thường gọi xóm là Làng Hoa, Lũng Hoa bởi mỗi độ xuân về, hoa đào bung nở, cả thung lũng như bừng tỉnh, thay áo mới. Từ đường QL6, rẽ vào hơn 2km, dần mở ra trước mắt chúng tôi là cả một thung lũng hoa đào với hàng vạn gốc đào khoe sắc, càng vào sâu trong xóm càng là bạt ngàn hoa đào.
(HBĐT) - Cùng các thầy, cô giáo trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, chúng tôi có cơ hội được tham gia điều tra, khảo sát tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa và nhu cầu học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường của hơn 800 người dân thuộc 4 Mường lớn Bi – Vang – Thàng – Động. Thật đáng trân trọng gần 100% cán bộ, công chức cấp xã, huyện, giáo viên từ bậc mầm non đến THPT, HSSV, Nhân dân, người lao động được hỏi đều có chung câu trả lời là mong muốn được học chữ Mường, được tìm hiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Mường.
(HBĐT) - Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh gồm Dao tiền và Dao quần chẹt, sinh sống tại các huyện:Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình với 44 bản Dao, trên 17.000 người. Ngoài những lễ hội đặc sắc như tết nhảy, cấp sắc, cầu mùa, tạ mả…, đồng bào dân tộc Dao còn lưu giữ tinh hoa văn hóa độc đáo trên những bộ trang phục truyền thống.