(HBĐT) - Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong không khí phấn khởi, vui tươi đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, một sự kiện văn hóa - du lịch quan trọng của tỉnh đã diễn ra giữa lòng Thủ đô Hà Nội với chủ đề "Hòa Bình - Miền sử thi". Ngày hội tô thắm thêm bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp niềm tự hào về cảnh sắc thiên nhiên và tình đất, tình người quê hương Hòa Bình.


Màn xếp vòng tròn biểu diễn chiêng Mường ấn tượng tại không gian Bờ Hồ - Hoàn Kiếm (Hà Nội) của 100 nghệ nhân xứ Mường Hòa Bình.

Đã đi diễn ở nhiều nơi, từng công diễn cả ở nước ngoài, nhưng đây là lần đầu tiên, các nghệ nhân chiêng Mường cùng anh, chị em nghệ sỹ Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh về hội tụ giữa không gian thấm đẫm nghệ thuật, đồng thời, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô và du khách bốn phương. Trên tuyến phố đi bộ, mọi sự tập trung, chú ý của du khách trong nước, ngoài nước đổ dồn về nơi diễn ra sự kiện với chương trình nghệ thuật sân khấu nhỏ phối hợp, màn diễu hành đường phố mang tính nghệ thuật cao.


Một tiết mục múa đặc sắc tại Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Du lịch với chủ đề "Hòa Bình - Miền sử thi” tại Hà Nội. 

Theo anh Chu Văn Sơn, du khách đến từ TP Hải Phòng, mặc dù chưa bao giờ lên thăm Hòa Bình, nhưng với những gì được nghe, được thấy, được trải nghiệm ở Ngày hội Văn hóa - Du lịch thực sự hấp dẫn. Anh nhất định chọn Hòa Bình là điểm đến đầu tiên trong những chuyến du xuân đầu năm Tân Sửu. Với chị  Hoàng Thị Mai (Hà Nội) đã vài lần đặt chân tới các địa điểm nổi tiếng của Hòa Bình như Mai Châu, Kim Bôi. Mỗi hành trình khám phá vùng đất này, chị đều cảm nhận được sự mới mẻ, hài lòng hơn bởi chất lượng dịch vụ, các tiện ích về du lịch của những điểm đến.       


Các chàng trai dân tộc Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) giới thiệu đến du khách trò chơi tu lu.
 
Dòng chảy lịch sử đã sản sinh, lưu truyền, hòa quyện bản sắc riêng có của các dân tộc Mường, Kinh, Dao, Thái, Tày, Mông định cư trên đất Hòa Bình, cùng nhau làm nên nền văn hóa bản địa vừa đậm nét truyền thống vừa đan quyện, giao thoa, chắt lọc, lắng đọng chất văn hóa đương đại. Trong lòng những người yêu mến, nơi đây đẹp từ kho tàng sử thi, truyện thơ, huyền thoại, hoa văn trên váy áo thiếu nữ các dân tộc đến những mái nhà sàn truyền thống, trò chơi dân gian, tập quán hiếu khách. Đẹp từ vẻ lãng mạn đến bề dày văn hóa, truyền thống yêu nước, thương nòi, trọng đạo lý, sự thủy chung, hòa điệu nhịp nhàng với cộng đồng các dân tộc anh em. Hòa Bình còn nổi tiếng bởi thiên nhiên trong lành, phóng khoáng, được tạo bởi thế núi, thế đồi, nơi có con sông Đà hùng vĩ, có hồ Hòa Bình thơ mộng với hàng trăm hòn đảo xanh tươi, những cánh rừng nguyên sinh kỳ thú... làm nên cảnh quan sơn thủy hữu tình. Có thung lũng Mai Châu bốn mùa thơm nồng hương núi, đất Mường Bi, Mường Vang với những cánh đồng bậc thang chuyển màu theo mùa vụ, đất Mường Thàng đầy hoa thơm trái ngọt, Mường Động âm vang lời chiêng gọi, hay mảnh đất chùa Tiên (Lạc Thủy) với những trải nghiệm du lịch tâm linh. 

Bên cạnh đó, Hòa Bình có những sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, lan tỏa bởi những giá trị nhân văn. Trong những ngày diễn ra sự kiện, cùng với chương trình nghệ thuật đầy sắc màu các dân tộc, các trích đoạn nghệ thuật tiêu biểu đã giới thiệu đến du khách những lễ hội mang đậm nét văn hóa như: Cầu mùa của người Mường, Khai hạ Mường Bi, lễ hội Xên Mường, lễ hội đánh cá suối, Tết cơm đe Mường Rậm, lễ mừng cơm mới... Du khách còn bị cuốn hút bởi các điệu hát ví, hát đúm, thường đang, hát đối dân tộc do các nghệ nhân mang đến, những trò chơi dân gian đặc sắc của các dân tộc như: Ném còn, đẩy gậy, đánh mảng, cà kheo, ném pao... Các nghệ nhân đến từ 4 Mường có cơ hội khoe với du khách nghệ thuật ẩm thực của dân tộc mình, như giã bánh dày của người Mông, làm cơm lam, rượu cần của dân tộc Mường, nghề truyền thống dệt thổ cẩm của dân tộc Thái... Hoạt động triển lãm ảnh cũng góp phần quảng bá tới du khách về văn hóa, du lịch Hòa Bình.

Đặc biệt, sản phẩm du lịch đặc sắc nhất của Hòa Bình là nghệ thuật chiêng Mường một lần nữa được quảng bá, tôn vinh, thu hút lượng lớn du khách trên tuyến phố đi bộ Hoàn Kiếm, với màn diễu hành nghệ thuật chiêng Mường của 100 nghệ nhân. Từ đây, du khách được chứng kiến, có những trải nghiệm thú vị, ấn tượng sâu sắc với những sản phẩm du lịch độc đáo, thêm hiểu, thêm yêu, thôi thúc du khách đến với mảnh đất thiên nhiên tươi đẹp, con người Hòa Bình thân thiện, mến khách. 

Vinh dự hơn, Ngày hội Văn hóa, Du lịch "Hòa Bình - Miền sử thi” được đón các lãnh đạo T.Ư, TP Hà Nội, các tỉnh vùng Tây Bắc, đại biểu các đại sứ quán, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, cùng đông đảo người dân từ mọi miền Tổ quốc quan tâm, trải nghiệm. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Mảnh đất và con người Hòa Bình gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa quý báu, đồng thời thiên nhiên ban tặng những cảnh quan kỳ vĩ, tươi đẹp và hấp dẫn. Những vốn quý đó đang được tỉnh tập trung khơi dậy, phát huy mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, mang lại sự đổi thay toàn diện trên quê hương Hòa Bình.

Sự kiện giới thiệu văn hóa, du lịch tại Hà Nội năm 2021 là sự khởi đầu mới cho bước tiến văn hóa, du lịch Hòa Bình. Những thành công mang lại không chỉ để giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch mà còn tăng cường, mở rộng hợp tác, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy hợp tác, phát triển KT-XH của tỉnh và TP Hà Nội. Đây đồng thời là dịp kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp, công ty lữ hành, các đơn vị, cá nhân đến hợp tác, phát triển sản phẩm văn hóa, du lịch, mở rộng thị trường khách, kích cầu du lịch Hòa Bình. Tỉnh mong muốn cùng với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước tăng cường kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và sự chung tay của cả cộng đồng để phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, bền vững, thực hiện cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, du khách khi tới đầu tư và thăm quan tỉnh Hòa Bình.


Bùi Minh

Các tin khác


Trà thơm

(HBĐT) - Chín giờ sáng mà sương mù vẫn đặc phố. Hùng định pha một ấm trà thật ngon trước khi ngồi vào bàn đang chất đống giấy tờ. Cái thứ "doping” chát sánh đến quặn ruột này có thể vắt kiệt sức vóc, trí não để chiết xuất ra những ý tưởng cho một kịch bản truyền hình, một bài báo chất lừ. Ấy thế mà, cái lọ đựng trà sạch nhẵn, mấy gói trà bọc giấy bạc vàng ánh thì hết hạn sử dụng. Hùng nhìn bình nước nóng đang sôi réo mà tưng hửng.

Lắng nghe mùa xuân về!

(HBĐT) - Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý đang dần trôi qua. Cầm trên tay tờ lịch cũ, đếm ngược giờ đồng hồ để chào đón xuân Tân Sửu 2021 là việc nhiều người dân đã, đang làm để hướng tới một năm mới bình an, suôn sẻ với những ước nguyện, kỳ vọng mới.

Trốn xuân Trên La Pán Tẩn

(HBĐT) - Là xã xa xôi ở Mù Cang Chải (Yên Bái), La Pán Tẩn nằm ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển, ở vị trí cao nhất của đèo Khau Phạ. Và đèo Khau Phạ được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" vùng Tây Bắc. Đây là nơi đón nhiều khách du lịch trải nghiệm không khí ngày xuân ở một vùng đất xa lạ, hoang sơ trên "đỉnh trời”.

Ký ức Tết xưa trên quê hương

(HBĐT) - Mùa xuân mang hơi thở, không khí và diện mạo của Tết. Tết là thời điểm cuối đông chớm xuân, cũng bởi tiết trời đó, đối với mỗi người, Tết luôn mang trong mình một nét truyền thống, một dấu ấn khó phai. Có lẽ trong một năm, những ngày Tết được mong chờ nhiều nhất. Chính vì thế mà ở quê, những ngày Tết thực sự là những ngày thiêng liêng nhất, vui vẻ nhất trong năm. Mẹ tôi vẫn bảo, khi năm cũ sắp qua, năm mới đang gõ cửa từng nhà, không khí trở nên gấp gáp hơn, lòng người cũng tất bật hơn. Cảnh vật, con người những ngày giáp Tết thật chộn rộn, cây cối xanh tươi hơn, nảy lộc, đâm chồi, con người trở nên vội vã để đón những điều mới mẻ đang ở phía trước.

Dạo chơi trong thung lũng đào Nước Hang

(HBĐT) - Trước xóm có tên là Lũng Hang, nay sáp nhập với xóm Hang Nước thành xóm Nước Hang, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình). Nhưng bà con nơi đây vẫn thường gọi xóm là Làng Hoa, Lũng Hoa bởi mỗi độ xuân về, hoa đào bung nở, cả thung lũng như bừng tỉnh, thay áo mới. Từ đường QL6, rẽ vào hơn 2km, dần mở ra trước mắt chúng tôi là cả một thung lũng hoa đào với hàng vạn gốc đào khoe sắc, càng vào sâu trong xóm càng là bạt ngàn hoa đào.

Tự hào chữ Mường

(HBĐT) - Cùng các thầy, cô giáo trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, chúng tôi có cơ hội được tham gia điều tra, khảo sát tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa và nhu cầu học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường của hơn 800 người dân thuộc 4 Mường lớn Bi – Vang – Thàng – Động. Thật đáng trân trọng gần 100% cán bộ, công chức cấp xã, huyện, giáo viên từ bậc mầm non đến THPT, HSSV, Nhân dân, người lao động được hỏi đều có chung câu trả lời là mong muốn được học chữ Mường, được tìm hiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục