(HBĐT) - Vốn là tuyến đê ngăn những dòng nước hung dữ của dòng sông Đà vào mùa mưa lũ, năm 2015, Dự án mở rộng mặt đê Đà Giang kết hợp làm đường giao thông hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo cho TP Hòa Bình diện mạo mới.
Nhà hàng Bếp Mường Đà Giang chế biến được nhiều món ăn từ lợn bản, gà đồi, cá sông theo bản sắc của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Mông, Dao ở Hòa Bình, luôn cuốn hút thực khách.
Mặt đê rộng 7m được trải nhựa Asphalt phẳng phiu, vỉa hè được lát gạch Block, dọc tuyến có bờ kè cao chừng 90 cm được ốp đá Marble và 2 dãy đèn chiếu sáng chạy song song. Dạo bước trên công trình mới, từ điểm đầu ở tổ 18, phường Đồng Tiến đến điểm cuối ở tổ 6, phường Phương Lâm, mọi người thỏa sức chiêm ngưỡng khung cảnh non nước hữu tình làn nước trong xanh. Với không gian thoáng đãng, từ năm 2015, các nhà đầu tư, các hộ kinh doanh đã lựa chọn đê Đà Giang để đầu tư kinh doanh thương mại, dịch vụ và phố "ẩm thực đêm” giữa lòng TP Hòa Bình ngày càng sôi động, hấp dẫn.
Với chiều dài 2,8 km, giờ đây, dọc tuyến đê Đà Giang đã có tới hơn 100 trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn và các dịch vụ khác như Spa, karaoke, đồ câu, nhà nghỉ... Mang phong cách hiện đại là các Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Ap Plaza. Với 27 nhà hàng, quán cà phê, giải khát thì đây là loại dịch vụ đứng thứ hai với những tên gọi quen thuộc như: Tươi giọt đắng, Cà phê Bông, Cà phê gia đình, Ca Fe Fastfood, Hot café, Bức tường Cofeffec, Layla trà chanh, Trà bí đao - hạt chia, Thế giới kem, Trà sữa Trân châu...
Gọi Đê Đà Giang là phố ẩm thực quả không ngoa, bởi dọc tuyến có tới 64 nhà hàng lớn nhỏ luôn chiều lòng thực khách suốt ngày đêm. Một số nhà hàng ở đây có tên gọi khá ngồ ngộ và dễ nhớ như: Hưng bóp cò, Quán Tám nổ, Bia lão Hạc, Quán không tên, Quán không quen… Để điểm tâm vào buổi sáng hay tranh thủ lót dạ vào buổi trưa, mọi người có thể đến những quán: Bánh cuốn gia truyền, phở gà Lạc Sơn, bún cá Thái Lan, mỳ cay, bún mẹt, phở Cồ, bún đậu phố cổ, bún chấm giòn…
Phố ẩm thực trở nên sôi động vào lúc tan tầm, đó là những "tín đồ” của các quán bia hơi. Anh Bùi Quang Long, ở phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) chia sẻ: Sau một ngày làm việc căng thẳng, nhất là sau vài hiệp bóng chuyền, vài séc bóng bàn hay mấy trận cầu lông, không có gì thú vị hơn là được cùng bạn bè nhâm nhi cốc bia bên bờ Đà Giang, vừa thỏa cơ khát, vừa được tán gẫu lại được ngắm vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Đà, có lẽ đây là sự khác biệt của TP Hòa Bình mà ít nơi đâu có được.
Sôi động hơn cả là khi mặt trời xuống núi, đó cũng là lúc thành phố lên đèn, từng tốp người nối nhau đến tụ họp ở phố ẩm thực. Đồ ăn ở phố ẩm thực rất dạng, phong phú. Thực khách ưa thích "Cầy tơ” thì vào các quán thịt chó dốc Voi 2, thịt chó 7 món. Sau khi "Ấm bụng", du khách phương xa đến Hòa Bình cũng có thể tìm mua quà "Đồng rừng” tại phố ẩm thực như: Măng khô, nấm rừng, mật ong, rượi cần, gạo nếp nương. Đặc biệt, tại đây có tới 30 quán lẩu với nhiều tên gọi khác nhau như: Lẩu nấm chim câu, lẩu nấm Hà Thành, bia hơi lẩu nướng, lẩu Thái Tom Yum, lẩu ba ba, lẩu gia truyền, thế giới lẩu Thường Duyên… Những thực khách cầu kỳ cũng dễ dàng tìm được các món ăn lạ như: Vịt cổ xanh, gà Mông, gà thui rơm, dê Ninh Bình, cá hồi Sa Pa, Na uy. Thực khách bình dân có thể vào những nhà hàng với các món ăn dân dã như: Chân gà nướng, cỗ lá, gà mẹt, vịt cỏ Vân Đình. Các nhà hàng như: Bếp Mường Đà Giang, Gia Hân, Tuyết Sơn… còn sưu tầm được nhiều món ăn luôn cuốn hút thực khách được chế biến từ lợn bản, gà đồi, cá sông, tôm suối theo bản sắc, phong tục của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Mông, Dao ở Hòa Bình.
Anh Dương Quang Hòa đến từ quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: Lần nào lên Hòa Bình tôi cũng đến đường đê Đà Giang để thưởng thức các món ăn, đồ uống. Giá cả các mặt hàng ở đây phải chăng, phù hợp với nhiều đối tượng. Điều làm tôi thích thú nhất là vừa được ở bên bạn bè, người thân nhâm nhi cốc bia, ly rượu, vừa được ngắm nhìn dòng sông Đà thơ mộng. Không chỉ riêng tôi, nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Hoà Bình cũng rất hào hứng khi đặt chân đến phố đêm để thưởng thức cái độc đáo, đặc trưng nơi đây. Nhờ có không gian đẹp, phố ẩm thực còn là điểm đến lý tưởng để mọi người quay phim, chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc và "khoe” với bạn bè những món ăn vừa ngon, vừa lạ, vừa hấp dẫn.
Đức Phượng
(HBĐT) - Vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, dịp lễ hội, trên các bản làng dân tộc Tày lại vang lên những điệu múa, lời ca truyền thống và không thể thiếu các làn điệu khắp Tày. Những lời ca mộc mạc, dung dị hòa quyện với âm thanh du dương của tiếng sáo ôi, khèn bè, đàn tính, tạo nên bản nhạc ngọt ngào, sâu lắng làm say lòng người.
(HBĐT) - Chín giờ sáng mà sương mù vẫn đặc phố. Hùng định pha một ấm trà thật ngon trước khi ngồi vào bàn đang chất đống giấy tờ. Cái thứ "doping” chát sánh đến quặn ruột này có thể vắt kiệt sức vóc, trí não để chiết xuất ra những ý tưởng cho một kịch bản truyền hình, một bài báo chất lừ. Ấy thế mà, cái lọ đựng trà sạch nhẵn, mấy gói trà bọc giấy bạc vàng ánh thì hết hạn sử dụng. Hùng nhìn bình nước nóng đang sôi réo mà tưng hửng.
(HBĐT) - Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý đang dần trôi qua. Cầm trên tay tờ lịch cũ, đếm ngược giờ đồng hồ để chào đón xuân Tân Sửu 2021 là việc nhiều người dân đã, đang làm để hướng tới một năm mới bình an, suôn sẻ với những ước nguyện, kỳ vọng mới.
(HBĐT) - Là xã xa xôi ở Mù Cang Chải (Yên Bái), La Pán Tẩn nằm ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển, ở vị trí cao nhất của đèo Khau Phạ. Và đèo Khau Phạ được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" vùng Tây Bắc. Đây là nơi đón nhiều khách du lịch trải nghiệm không khí ngày xuân ở một vùng đất xa lạ, hoang sơ trên "đỉnh trời”.
(HBĐT) - Mùa xuân mang hơi thở, không khí và diện mạo của Tết. Tết là thời điểm cuối đông chớm xuân, cũng bởi tiết trời đó, đối với mỗi người, Tết luôn mang trong mình một nét truyền thống, một dấu ấn khó phai. Có lẽ trong một năm, những ngày Tết được mong chờ nhiều nhất. Chính vì thế mà ở quê, những ngày Tết thực sự là những ngày thiêng liêng nhất, vui vẻ nhất trong năm. Mẹ tôi vẫn bảo, khi năm cũ sắp qua, năm mới đang gõ cửa từng nhà, không khí trở nên gấp gáp hơn, lòng người cũng tất bật hơn. Cảnh vật, con người những ngày giáp Tết thật chộn rộn, cây cối xanh tươi hơn, nảy lộc, đâm chồi, con người trở nên vội vã để đón những điều mới mẻ đang ở phía trước.
(HBĐT) - Trước xóm có tên là Lũng Hang, nay sáp nhập với xóm Hang Nước thành xóm Nước Hang, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình). Nhưng bà con nơi đây vẫn thường gọi xóm là Làng Hoa, Lũng Hoa bởi mỗi độ xuân về, hoa đào bung nở, cả thung lũng như bừng tỉnh, thay áo mới. Từ đường QL6, rẽ vào hơn 2km, dần mở ra trước mắt chúng tôi là cả một thung lũng hoa đào với hàng vạn gốc đào khoe sắc, càng vào sâu trong xóm càng là bạt ngàn hoa đào.