(HBĐT) - Đi Quảng Ninh nhiều đến nỗi không nhớ hết số lần, thế nhưng cuối năm rồi mới là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Bình Liêu - huyện miền núi xa xôi của "đất mỏ”. Về đã lâu nhưng vẫn tiếc hùi hụi là sao không đến mảnh đất này sớm hơn, để có được nhiều cung bậc cảm xúc phiêu lãng cùng Bình Liêu, cùng những con người phiêu lưu đến đây lập nghiệp và thành công.


Khi lên các cột mốc biên giới, ngắm nhìn con đường như dải lụa mềm uốn lượn quanh núi đồi, cảm giác thật khoáng đạt.

1. Bình Liêu thì có gì hay ho, thú vị để phiêu lãng nhỉ? Thoạt nghe Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Ngọc Ngò giới thiệu vắn tắt, thấy cũng tương tự những huyện miền núi biên giới ở các tỉnh phía Bắc mà mình may mắn đặt chân tới. Ấy là địa hình, là bản sắc dân tộc, là kinh tế chưa thật phát triển, là cuộc sống còn không ít khó khăn, vất vả của người dân. "96% dân số của Bình Liêu là người dân tộc, chủ yếu là bà con các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Toàn huyện có 104 thôn, bản thuộc 6 xã và 1 thị trấn. Kinh tế chủ yếu phát triển nông, lâm nghiệp, chiếm khoảng hơn 80%, với các loại cây chủ lực là hồi, quế, sở, dong riềng, hoa, cá nước lạnh. Sắp tới, huyện chú trọng kinh tế cửa khẩu, dịch vụ, lấy du lịch làm trọng tâm, phát triển du lịch cộng đồng đặc trưng miền núi, khai thác bản sắc văn hóa của 3 dân tộc chính. Hiện, nguồn thu từ du lịch chưa có gì, chủ yếu là tự phát thôi” - ông Ngò khái quát. 

Sự khái quát ấy dường như là thông lệ khi giới thiệu về địa phương mình, cho ta sự hình dung thoảng qua về những điểm cơ bản, nổi trội của địa phương. Tất nhiên, đã khái quát là chưa đủ đầy, tường tận. Thế nên, cứ phải đi mới thấy, mới biết, mới cảm nhận đủ đầy những cung bậc cảm xúc, dẫu cho đôi khi có là "cưỡi ngựa xem hoa” đi nữa.

Nằm cách Thủ đô Hà Nội 270 km, thành phố Hạ Long 108km, huyện Bình Liêu được ví như "Sa Pa thu nhỏ của tỉnh Quảng Ninh” có khí hậu bốn mùa trong một ngày, với nhiều địa danh hút khách du lịch, nhất là những người ưa di chuyển, thích "phượt” như: sống lưng khủng long, hệ thống cột mốc biên giới chạy trải dài dọc đường biên, núi Kéo Lạn - cao nguyên đá Đồng Văn, thác Khe Văn, đỉnh Cao Ba Lanh với sự tích "bãi đá thần”, đỉnh Cao Xiêm… 

2. Lâu nay, nhắc đến Hoành Mô, nhiều người nghĩ ngay đến cửa khẩu cùng tên. Thế nhưng cách đây gần 2 năm, nhiều người ở Bình Liêu, ở Quảng Ninh còn biết đến xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 4/2018) nhờ có HTX hoa Bình Liêu, ở thôn Cao Sơn. Hoa trên núi, bởi trên núi cao có đặc điểm, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng rất hợp với nhiều loại hoa nên không ít người dân dưới xuôi đã lên núi nghiên cứu, thử nghiệm rồi thuê đất làm trang trại, HTX hoa.

Đường vào thôn Cao Sơn rộng chỉ nhỉnh hơn một chiếc ô tô con đi vừa, có tránh xe máy cũng phải cẩn thận giảm tốc độ, lựa chọn chỗ. Thích thú, phiêu lãng, đôi khi chợt rùng mình nhìn đường uốn lượn bên vực, bên núi rồi chúng tôi cũng đến nơi. Ngồi thảnh thơi ở khu dịch vụ giữa lưng chừng núi của Hợp tác xã hoa Bình Liêu, ông chủ Nguyễn Thanh Hải (quê ở TP Cẩm Phả) kể về việc lập nghiệp trên núi một cách đầy say sưa. Không say sưa sao được, khi ông Hải được tân Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Dương Mạnh Cường sau khi lên nhậm chức (đầu năm 2019), khảo sát đã thấy có nhiều tiểu vùng khí hậu rất phù hợp để trồng hoa. Sở dĩ có sự gợi ý ấy là bởi ông Hải đã khá nổi tiếng ở TP Hạ Long về trồng hoa hồng, hoa giống với thâm niên gần chục năm. 

Thực ra ông Hải cũng đã đi nhiều nơi để tìm vùng đất thích hợp mở rộng phát triển nghề trồng hoa, nên khi có sự gợi ý của tân Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, ông không bỏ lỡ. Thế nhưng, cũng phải mất 3 tháng đi tìm, ông Hải mới thuê được 1,8ha đất của người dân thôn Cao Sơn. Và rồi, vào tháng 4/2019, ông Hải thuê người dân địa phương cải tạo đất trồng hoa trên núi ở độ cao gần 900m so với mực nước biển, chủ yếu là sản xuất cây giống và hoa lan vũ nữ. 


Du khách thích thú khi check-in cùng hoa lan vũ nữ tại Hợp tác xã hoa Bình Liêu.

Hiện, ông Hải đã có 15.000 cây lan vũ nữ cho thu hoạch, 30.000 cây giống đã sẵn sàng cho vụ năm 2021. Với những cây đang thu hoạch, ông bán giá 120.000 đồng/bó, hoặc 10.000 đồng/cành. Lan vũ nữ hiện cho thu nhập chính, nhưng ông Hải đang sản xuất khoảng 50 loại giống hoa khác nhau (chủ yếu là hoa hồng), nên mùa nào cũng có các loài hoa khoe sắc, tỏa hương. Tiếng lành đồn xa, HTX hoa Bình Liêu nhanh chóng trở thành một địa điểm thu hút đông đảo du khách đến chụp ảnh, mua hoa. Có ngày có tới 1.500 khách, hàng trăm xe đến Cao Sơn. Ban đầu thì tham quan, chụp ảnh, check-in miễn phí, nhưng từ tháng 7/2020, ông Hải thu 30.000 đồng/người (có thể ở cả ngày), để trả lương cho người lao động trông coi, dọn dẹp vệ sinh và phục vụ du khách ăn nhẹ, giải khát…

"Tổng đầu tư vào khoảng 7,8 tỷ đồng, cộng thêm 1 tỷ đồng Nhà nước hỗ trợ theo chính sách xây dựng NTM. Tôi tiếp tục đầu tư, dự tính trong vòng 2,5 - 3 năm sẽ thu hồi vốn” - ông Hải tính toán. Với riêng ông Hải thì lợi nhuận sẽ đến trong tương lai gần, thậm chí sẽ sớm hơn dự tính khi huyện Bình Liêu đã hỗ trợ mở rộng đường vào Cao Sơn, mỗi bên thêm 70cm. Đường rộng hơn, người dân sẽ đến đông hơn, HTX hoa Bình Liêu chắc chắn sẽ là một điểm nhấn để thu hút du khách, góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển.

Tất nhiên, đó là trong tương lai gần, nhưng kể từ khi bắt đầu hình thành, ông Hải đã giúp người dân Cao Sơn, Hoành Mô có thêm việc làm, thu nhập ổn định. Chíu Văn Chi năm nay 19 tuổi, nhà ở cạnh HTX, bố mẹ cho ông Hải thuê đất nên Chi làm việc cho ông Hải từ khi bắt đầu. Chi kể, ban đầu khó khăn lắm, mưa nhiều, mỗi ngày làm được trả công 250.000 đồng. Sau này, Chi và gần 20 người khác trong thôn vào làm thường xuyên ở HTX chứ không làm công nhật nữa, lương tháng khoảng 5,5 triệu đồng.  

3. Chúng tôi dừng chân ở thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn vào một ngày trời mưa. Cơ sở nuôi cá nước lạnh của ông Đoàn Đình Kha (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang có khách mua cá tầm. Thấy cậu nhân viên còn lóng ngóng trong quá trình lồng túi, bơm ô xy để nhốt cá cho khách vận chuyển đường xa, ông Kha tỏ rõ sự bực tức. Tất nhiên, sau sự "cầm tay chỉ việc” của ông Hải thì hàng cũng được chuyển lên xe ô tô cho khách, với giá 250.000 đồng/kg. 

Ông Kha cho biết: "Tôi làm từ năm 2015, đầu tư khoảng 7 tỷ đồng. Nuôi cá ở đây khó hơn khu vực Tây Bắc vì vùng này nước ít, mùa mưa thì thoải mái nhưng mùa khô nước ít, dân lấy nước để cấy, chỉ hợp nuôi cá tầm chứ không nuôi được cá hồi”. 

Hiện tại, ông Kha thuê 5 lao động thường xuyên, chưa thu hồi được vốn, bởi "tiền tỷ nằm trong cá bố mẹ, sang năm bắt đầu cho thu hoạch trứng cá tầm thương phẩm mới có tiền tỷ”. Ông Kha còn cho biết, huyện Bình Liêu đã đồng ý, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã lên trực tiếp đồng ý cho ông thử nghiệm nuôi cá mú Úc đặc sản vào năm 2021 và sẽ hỗ trợ giống. Riêng từ bán trứng cá tầm, chưa kể cá lăng, cá tầm thương phẩm, thêm cá mú Úc với giá khoảng 2 triệu đồng/kg, ông Kha hy vọng sẽ sớm có lãi, trở thành mô hình kinh tế điểm của huyện Bình Liêu, góp phần giúp lao động địa phương có thêm việc làm, thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

4. Hai câu chuyện kể trên là của 2 người dưới xuôi lên núi phiêu lưu cùng Bình Liêu làm kinh tế, bước đầu đã cho hiệu quả tích cực, đóng góp đáng kể trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Thế nhưng, đến Bình Liêu, để được trải nghiệm, cùng phiêu với Bình Liêu một cách thực sự, ấy là chuyện du lịch. Đúng là du lịch còn tự phát, chưa có đóng góp gì nhiều cho huyện, nhưng trong tương lai gần, nếu được chú trọng, chắc chắn đó sẽ là nguồn thu đáng kể, bởi Bình Liêu có nhiều "đặc sản” hút khách, và huyện đã có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng homestay.

Hoàng Văn Sằn mới được biệt phái từ Trường tiểu học Đồng Văn lên công tác tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Liêu bởi thầy Sằn đã làm homestay từ năm 2017, sớm nhất huyện. Thế nên, chúng tôi thật may mắn khi được thầy Sằn chỉ đường khám phá Bình Liêu trong một buổi chiều đầy nắng gió biên thùy. Thầy Sằn cho biết, nhà rộng hơn 1ha, chưa kể hơn 2ha rừng cạnh đó, thấy nhiều người đi phượt Bình Liêu mà thiếu chỗ ăn, ngủ nên "làm 3 phòng homestay, khoảng 40 - 50 người ở được. Đội đi phượt rất thích vào, vì có bãi đất rộng, thoải mái cắm lều, đốt lửa”. Cũng chỉ cuối tuần mới đông khách, nên thầy Sằn và vợ (cũng là giáo viên) tự phục vụ, không thuê thêm người ngoài nên giá khá rẻ, chỉ 75.000 đồng/người, "chỉ tính đêm, không tính ngày”. Rồi thông qua mạng xã hội Facebook, qua du khách đã trải nghiệm giới thiệu nên nhà thầy Sằn thường rất đông, nhiều khi nếu không đặt trước sẽ hết phòng... 

Qua cửa khẩu Hoành Mô rồi thác Khe Vằn, đỉnh Cao Ba Lanh, đỉnh Cao Xiêm vòng vèo uốn lượn những cung đường bình yên, lộng gió nơi miền biên viễn; chúng tôi đến ngắm cỏ lau bắt đầu vào mùa (khoảng cuối tháng 10, sang trung tuần tháng 11 hàng năm) dọc con đường vành đai biên giới, trên các cột mốc 1297, 1300, 1302… thuộc xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, giáp với xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu. Hết sức giàu cảm xúc, bay bay, phiêu phiêu theo những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn như dải lụa giữa núi rừng hùng vĩ, làng quê bình yên; khi đứng trên các cột mốc, phóng tầm mắt về bốn phía, nhìn con đường vừa đi qua mảnh như dải lụa uốn lượn giữa núi rừng xanh mướt, nhấp nhô, cảm giác thật khó tả. Giữa không gian mênh mông đất trời, bạt ngàn "thiên đường cỏ lau” bung nở trắng, đỏ bay phất phơ khắp những ngọn đồi, sườn núi thật lãng mạn, hùng vĩ, hào sảng. Chạm vào những cột mốc thiêng liêng đánh dấu chủ quyền nơi phên dậu Tổ quốc, thấy trào dâng cảm xúc tự hào. 

Bình Liêu còn nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác, đặc biệt thu hút những người đam mê khám phá, nhất là các bạn trẻ thích di chuyển, như: Thác Khe Tiền, thác Sông Moóc, sống lưng khủng long dẫn ra mốc 1305, núi Cao Ly, núi Kéo Lạn… cùng các danh thắng thửa ruộng bậc thang, lễ hội hoa sở, các món đặc sản địa phương như gà đen, phở xào, miến dong... Thế nên, chắc chắn tôi sẽ còn quay trở lại, như rất nhiều du khách khác, bởi quả thực đã phiêu cùng Bình Liêu một lần thì thật khó để quên.


Ghi chép của Nguyễn Tri Thức

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục