(HBĐT) - Không rác thải, không hàng quán, không thu bất kỳ khoản phí nào là tôn chỉ "3 không” khiến nhiều người bất ngờ khi đến với khu di tích Bạch Đằng Giang (thuộc địa bàn thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng).
Khu nhà lưu niệm, điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi đến khu di tích Bạch Đằng Giang.
Cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20km, Khu di tích Bạch Đằng Giang nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh. Từ cổng vào, du khách sẽ bắt gặp vườn đá cuội và một trụ đá cao chừng 5m, phía trước có 7 chữ "Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”; ba mặt còn lại khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và Đại vương Trần Hưng Đạo. Đi sâu vào trong, qua các dãy bonsai và cây cổ thụ là đến ngôi đền đầu tiên trong di tích - Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành, tiếp theo là Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người tạo nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, rồi đến Đền Bạch Đằng Giang thờ Ngô Quyền, đánh thắng quân Nam Hán năm 938. Ngôi đền cuối cùng trong tứ linh từ của di tích là đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chị Chu Thị Mai, sinh sống tại Hà Nội lần đầu đến với Bạch Đằng Giang cảm nhận: Quãng đường di chuyển giữa các đền khoảng 2km nhưng không hề dài. Suốt đọc đường, tiếng nhạc thiền ru dương, êm dịu phát ra từ những chiếc loa dọc bên đường, tạo nên không khí thanh bình. Cùng với làn gió mát dịu mang theo hơi nước của vùng cửa biển, khiến mỗi du khách đều cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái.
Ngoài tứ linh từ, nơi đây còn có đền Thánh Mẫu, khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng trong bể thủy tinh. Đặc biệt, từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) xây trên núi Tràng Kênh, du khách sẽ ngắm trọn vẻ đẹp hữu tình của vùng đất này. Mới đây nhất, khu di tích còn có thêm 3 pho tượng đồng tạc vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo. Mỗi pho tượng cao 11m, đặt trên quảng trường nổi, hướng ra sông Bạch Đằng, xung quanh là bãi cọc mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng thuở trước…
Đến khu di tích "3 không” một ngày cuối tuần, ấn tượng ban đầu với chúng tôi là cảnh hàng dài người xếp hàng trật tự để được ghi số và nhận vé gửi xe miễn phí. Trên bãi xe rộng mênh mông, hàng nghìn chiếc xe máy, ô tô xếp ngăn nắp, không hề có cảnh chen lấn, ồn ào. Anh Lưu Minh Phương, một người dân Hải Phòng đã đi nhiều đền chùa trong cả nước nhận xét: Nơi đây có lẽ là một trong những di tích văn minh nhất số các di tích tương tự. Đặt chân đến Bạch Đằng Giang mới cảm nhận đúng sự thanh tịnh, trang nghiêm cần có ở nơi di tích tâm linh.
Theo ông Lê Văn Đức, Trưởng Ban quản lý khu di tích, nơi đây vốn có một ngôi miếu cổ thờ vong linh các tử sĩ chiến đấu, hy sinh trên dòng sông Bạch Đằng, sau đó được một doanh nghiệp cùng nhiều nhà hảo tâm nâng cấp, tôn tạo. Việc duy trì các hoạt động như trông xe, dọn dẹp vệ sinh đều do người dân tự nguyện tham gia như một hình thức công đức. Khu di tích mở cửa từ 7 - 19 giờ hằng ngày. Các lễ hội chính trong năm gồm: Mùng 6 tháng giêng khai hội; 14-15 tháng giêng khai ấn đầu năm; 18 tháng giêng giỗ vua Ngô Quyền; 8/3 (âm lịch) giỗ vua Lê Đại Hành và giỗ trận Bạch Đằng; 15/4 (âm lịch) Đại lễ Phật đản; 15/7 (âm lịch) Lễ Vu lan và ngày 20/8 giỗ Đức thánh Trần - Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Hiện nay, đến với Hải Phòng, không chỉ có Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn, du khách còn tìm đến Bạch Đằng Giang - Khu di tích lịch sử hào hùng với kiến trúc nghệ thuật tâm linh đặc sắc; khu di tích đẹp cả về hình thức lẫn cách quản lý. Đặt trong bối cảnh nhiều điểm văn hóa tâm linh đang "kinh doanh tín ngưỡng” một cách nhốn nháo, càng thấy rõ Bạch Đằng Giang là một điểm sáng, cần nhân rộng.
Hải Yến
(HBĐT) - Đi Quảng Ninh nhiều đến nỗi không nhớ hết số lần, thế nhưng cuối năm rồi mới là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Bình Liêu - huyện miền núi xa xôi của "đất mỏ”. Về đã lâu nhưng vẫn tiếc hùi hụi là sao không đến mảnh đất này sớm hơn, để có được nhiều cung bậc cảm xúc phiêu lãng cùng Bình Liêu, cùng những con người phiêu lưu đến đây lập nghiệp và thành công.
(HBĐT) - Đến "xứ trầm hương” khi vừa kết thúc một đợt mưa bão. Đầu giờ chiều, mưa dứt hẳn, men theo dòng sông Cái, tôi tìm đến khu tháp cổ linh thiêng, nơi mà tôi luôn nghĩ sẽ đặt chân đến đầu tiên khi tới đây. Nắng đã lên và nhuộm vàng dòng sông Cái. Hình ảnh núi Cù Lao và tháp Bà Ponagar in bóng trên sóng nước lung linh.
(HBĐT) - Trâu - con vật gắn liền với đời sống người nông dân Việt Nam, từ lúc gà chưa gáy sáng, con trâu đã cùng nông dân ra đồng, nào cày, nào bừa… con trâu đảm nhận phần lớn công việc nặng nhọc của nhà nông... Chưa hết, hình ảnh trâu còn gắn liền với bao sự kiện trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta.
(HBĐT) - Phong tục đón Tết của người Việt xưa diễn ra bình dị, vui vẻ, hòa đồng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Tết của người Việt là sự giao hòa giữa ước mơ và hiện thực.