Do những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nên Lễ trao
giải sẽ được tổ chức không có khán giả trực tiếp tại hai địa điểm là trụ sở báo
Thể thao và Văn hóa (số 11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) và Văn phòng đại diện báo Thể
thao và Văn hóa tại TP Hồ Chí Minh (số 118 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hồ Chí
Minh).
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (giữa), Chủ tịch Hội
đồng giám khảo Giải Dế Mèn, cùng các thành viên giám khảo và sơ khảo.
Các tác giả đoạt giải sẽ được mời đến nhận Bằng chứng nhận
Giải thưởng, "huy chương” Dế Mèn, cùng tiền thưởng từ đại diện Hội đồng giám
khảo, Ban tổ chức, Ban sơ khảo, với sự chứng kiến của các phóng viên báo Thể
thao và Văn hóa. Lễ trao giải sẽ được chụp ảnh, ghi hình, viết bài trên các
phương tiện truyền thông của báo Thể thao và Văn hóa và được gửi tới các cơ
quan báo, đài trên toàn quốc.
"Được tái khởi động từ cuối tháng 3/2021, nhưng đến
giữa chừng thì dịch COVID-19 bùng phát. Dầu vậy, Giải Dế Mèn lần 2 - 2021 vẫn
về đích đúng kế hoạch với gần 120 tác phẩm dự thi, tính đến hạn chót nhận tác
phẩm là 24h ngày 15/5/2021, tăng gần 20 tác phẩm so với mùa giải đầu tiên. Chất
lượng mùa giải năm nay được đánh giá khá cao, với sự xuất hiện của nhiều tác
giả đã thành danh, trong đó có những người đã chạy đua với thời gian để kịp
hoàn thành bản thảo dự thi vào giờ chót. Trong các văn nghệ sĩ nhí dự thi có 2
tác giả thiếu nhi đang học lớp 3 hoặc lớp 6 đã dự thi bằng 2 tiểu thuyết dài
hàng trăm trang, thuộc thể loại fantasy, trong đó một tiểu thuyết song ngữ -
ban đầu được viết bằng tiếng Anh (dự kiến 4 tập, mới hoàn thành 1 tập) rồi mới
dịch ra tiếng Việt và được các bạn cùng lớp minh họa", đại diện BTC cho
biết.
Theo đại diện này, cũng như mùa giải trước, các tác phẩm dự
thi chủ yếu là văn học, phổ biến nhất là truyện dài, truyện vừa và tiểu thuyết
(có tiểu thuyết giả tưởng dài cả ngàn trang), chỉ có một số ít truyện ngắn và
thơ. Khoảng 20 phim hoạt hình đã tham gia dự thi trong đó có các phim nghệ
thuật trên 10 phút và các series phim hoạt hình dài kỳ đã và đang được đầu tư
rất công phu (riêng thể loại hoạt hình dự thi đã đủ sức làm nên một festival
phim thiếu nhi). Lĩnh vực âm nhạc ít hơn, nhưng rất vinh dự đón nhận sự tham
gia của một vở ca kịch đồ sộ với một số ca khúc đã được thu âm.
Ban sơ khảo gồm những gương mặt đang hoạt động rất tích cực
để thúc đẩy "văn hóa” đọc trong cộng đồng hôm nay như nhà văn Nguyễn Trương
Quý, nhà báo Nguyễn Thanh Bình, biên tập viên sách Nguyễn Hoàng Dương, nhà thơ
Chu Hồng Tiến, nhà nghiên cứu Phùng Hoàng Anh…. đã tận lực xem, nghe, đọc theo
hình thức "cuốn chiếu” toàn bộ các tác phẩm được đề cử hoặc dự thi trong một
thời gian ngắn, đề chọn ra 16 tác phẩm tiêu biểu lọt vào vòng chung khảo. Trong
đó có 8 tác phẩm sách – truyện tranh, 2 tác phẩm mỹ thuật, 3 tác phẩm điện ảnh
và 3 tác phẩm âm nhạc.
Tất cả cho thấy nguồn mạch sáng tác văn hóa nghệ thuật
thiếu nhi vẫn chảy liên tục bất chấp những khó khăn do tình hình dịch bệnh. Đặc
biệt, các series sách tranh, series truyện tranh, series phim cho thiếu nhi vẫn
đều đặn được xuất bản, phát hành, thu hút một lượng công chúng ổn định. Số
lượng các bản thảo tốt, ở mức có thể biên tập và in thành sách được, lên tới
con số hàng chục, nếu chỉ tính riêng trong giải Dế Mèn. Điều đó cho thấy nếu
được đầu tư, chăm chút thì chúng ta đã có thể có ngay được một mùa sách thiếu
nhi đầy đặn, chỉ trong phạm vi một cuộc thi.
Trên cơ sở các tác phẩm gửi dự thi, từ ngày 20 – 27/5, Hội
đồng giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam,
làm Chủ tịch Hội đồng đã có hai phiên họp chung khảo trực tuyến, với sự tham
gia của các thành viên, gồm: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn
Việt Nam; họa sĩ Thành Chương; nhạc sĩ – nhà thơ Nguyễn Thụy Kha; họa sĩ "Thần
đồng Đất Việt” Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và
Văn hóa.
Hội đồng giám khảo đã thảo luận và bỏ phiếu kín để chọn các
giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn và Khát vọng Dế Mèn. Trong đó, Hiệp sĩ Dế Mèn là
danh hiệu cao quý nhất của Giải thưởng này, được lập ra nhằm trao cho các tác
giả có những đóng góp to lớn cho thiếu nhi trong suốt cả cuộc đời và sự nghiệp
của mình, đồng thời phải có tác phẩm có chất lượng cao (lọt vào vòng chung
khảo) trong năm trao giải.
Phát biểu tại phiên họp cuối cùng của Hội đồng giám khảo,
nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, Hội đồng để ngỏ khả năng "phong” Hiệp sĩ Dế
Mèn cho các tác giả trẻ, các tài năng nhí, miễn là có tác phẩm thật sự xuất
sắc, thuyết phục được toàn thể Hội đồng giám khảo.
Là giải thưởng nghệ thuật thường niên do báo Thể thao và
Văn hóa (TTXVN) sáng lập và tổ chức từ năm 2020, Giải Dế Mèn nhằm tìm kiếm và
tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của
thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi"
(thiếu nhi là đối tượng phục vụ). Cơ cấu giải thưởng bao gồm Giải thưởng Lớn
mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) và một số giải Khát vọng Dế Mèn
(Cricket Desire).
Trong mùa giải đầu tiên, giải Hiệp sĩ Dế Mèn đã được trao
cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm Làm bạn với bầu trời cùng sự nghiệp
sáng tác cho thiếu nhi với 40 đầu sách. 4 giải Khát vọng Dế Mèn được trao cho:
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với chùm bài hát cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Chí
Ngoan với bản thảo tập truyện ngắn Mộng giang hồ, và hai tài năng nhí là Cao
Khải An (12 tuổi) với bản thảo truyện dài Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm
và Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi) với chùm tranh về COVID-19.