(HBĐT) - Nhà tù Phú Quốc thuộc xã An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được ví như "Địa ngục trần gian” - nơi đây đã ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ. Bên cạnh đó chính là ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm và bất khuất của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến chống quân xâm lược.
Nhà tù Phú Quốc là một trong những nhà tù dã man nhất thời chiến, được xây dựng từ thời Pháp, rộng khoảng 40 ha, gọi là "Trại Cây Dừa”, giam giữ gần 14 nghìn người. Cuối năm 1955, Ngô Đình Diệm xây dựng một trại giam ở địa điểm Trại Cây Dừa cũ với diện tích 4 ha, chia nhà tù ra thành các khu: Khu nhà giam tù nam, khu nhà giam tù nữ, nhà giam tù phụ lão, đặt tên là "Trại huấn chính Cây Dừa”.
Sử sách ghi lại, năm 1966, chiến tranh leo thang kéo theo số tù binh tăng cao, chính quyền Việt Nam cộng hòa xây dựng thêm một trại giam rộng hơn 400 ha cách trại Cây Dừa cũ 2 km. Tại đây có 12 khu vực, được đánh số từ 1 đến 12. Mỗi khu có 4 phân khu A, B, C, D. Mỗi phân khu có 9 phòng cho tù binh ở, có 2 phòng để phỏng vấn, phạt vạ hoặc biệt giam tù bình. Mỗi khu giam có diện tích 100 m2, giam giữ từ 70 - 120 người. Khu biệt giam diện tích chỉ với 30m2 nhưng cao điểm có lúc chúng giam tới 180 người hoặc hơn. Xung quanh mỗi phân khu có 4 vọng gác được canh chừng 24/24h và 10 vọng gác lưu động. Nhà tù được bao bọc bởi 10 lớp thép gai chằng chịt, xung quanh không có cư dân sinh sống, cách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Hằng ngày có 2 xe tuần tra liên tục quanh khu giam, ban đêm còn có các toán vào vòng rào giới hạn để kiểm soát lưu động. Nhà tù Phú Quốc trở thành trung tâm giam tù binh lớn nhất của Việt Nam cộng hòa, giam giữ tới 40 nghìn binh sĩ và có khoảng 4 nghìn chiến sĩ bị giết hại bằng những đòn tra tấn dã man.
Đến với nhà tù Phú Quốc, qua lời giới thiệu của các hướng dẫn viên và tìm hiểu thực tế, ta có thể cảm nhận được sự man rợ của những hình phạt tra tấn khủng khiếp của cai ngục qua mô hình được phục dựng lại. Một trong các món đòn man rợ nhất phải kể đến đóng đinh. Chúng dùng những chiếc đinh cũ, hoen gỉ dài 3 - 7cm để đóng vào ngón tay, các khớp xương cổ, đầu gối,… sau khi bị đóng đinh, xương của người tù sẽ vỡ vụn ra. Chúng còn dùng đèn cao áp soi vào mắt tù binh đến nổ con ngươi. Chuồng cọp kẽm gai giam phơi tù nhân ngoài trời cả ngày lẫn đêm. Chiếc chuồng nhỏ hẹp không đứng được cũng không ngồi được, cát bên dưới bỏng rát, bên trên thì kẽm gai cứa da thịt. Ngoài ra, chúng còn bắt tù binh lộn đầu vào vỉ sắt đến trầy da, chảy máu... Rất nhiều chiến sĩ đã không thể chịu nổi những trận tra tấn man rợ đó và bỏ mạng nơi đây. Ước khoảng 4.000 chiến sĩ mất mạng và hàng chục ngàn chiến sĩ mang theo thương tật, tàn phế cả đời. Đau đớn và căm phẫn trước sự tàn độc của chúng, các chiến sĩ đã nhiều lần tổ chức vượt ngục. Nổi tiếng nhất là cuộc vượt ngục kỳ tích của hơn 20 chiến sĩ bằng đường hầm (dài 120m, rộng 0,6m) tự đào bằng thìa, miếng sắt trong nhiều tháng gây chấn động.
Tất cả những hình thức tra tấn dã man đến rợn người đã được tái hiện. Anh Đào Minh Tiến (Hà Nội) xúc động cho biết: "Ông nội tôi đã từng bị địch bắt giam và tra tấn tại nhà tù Phú Quốc. Hiện, ông đã gần 80 tuổi, tai bị thủng màng nhĩ do di chứng địch tra tấn để lại và cơ thể lúc nào cũng đau đớn từ trong xương tủy mỗi lúc trái gió, trở trời. Lần này, tôi có điều kiện được thăm lại nhà tù Phú Quốc và thực cảm động, khâm phục thế hệ ông cha. Nghe những lời thuyết trình và quan sát những mô hình được mô phỏng, tôi thấy rợn người. Thấy biết ơn vô cùng những người chiến sĩ cách mạng kiên trung, dũng cảm”.
Năm 1995, khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Nơi đây chính là bức tranh lột tả chân thực nhất về sự tàn bạo, dã man của kẻ địch. Đến nay, chiến tranh đã đi qua, nhưng nhà tù Phú Quốc vẫn là nỗi ám ảnh của những người chiến sĩ cách mạng và du khách tham quan. Đó như một lời nhắc nhở thế hệ sau luôn nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ghi nhớ và biết ơn các chiến sĩ đã không màng khó khăn, gian khổ, hy sinh anh dũng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Mai Anh (TTV)