Lễ hội xuống đồng (khuống mùa), còn gọi là lễ Khai hạ của người Mường là lễ hội phổ biến từ xưa. Mục đích của lễ hội cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc lúa bội thu, nhà nhà no ấm. Đồng thời, việc thực hành những nghi lễ cầu mùa cũng là dịp để người Mường nghỉ ngơi, giao lưu, vui chơi giải trí và bày tỏ ước vọng về cuộc sống tươi đẹp, bình yên. Lễ hội thường diễn ra vào dịp đầu xuân, như ở vùng Mường Bi - Tân Lạc tổ chức vào mùng 7 tháng giêng. Hiện nay, lễ hội được tổ chức quy mô hơn trước đây với những nghi lễ, hoạt động phong phú, thu hút được sự tham gia của đông đảo Nhân dân trong và ngoài huyện như: Rước thánh Tản, thi xắc bùa, thi đấu bóng chuyền và các môn thể thao dân tộc (đánh mảng, ném còn, bắn nỏ, thi ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, thi trang phục dân tộc…). Lễ hội khuống mùa ở vùng Mường Chiềng, Mường Tôm, xã Tân Lập (Lạc Sơn) cũng có nhiều dấu ấn tốt trong đời sống cộng đồng. Lễ hội sắc bùa, theo tiếng Mường, sắc bùa hay xéc bùa có nghĩa là xách chiêng. Sắc bùa do phường bùa khởi xướng bằng cách xách cồng chiêng đến từng nhà trong làng, bản vào những ngày đầu năm mới để chúc tụng, cầu chúc nhau may mắn, mạnh khỏe. Ngoài ra những dịp vui khác, người dân cũng sắc bùa như đón khách quý từ xa đến, dựng nhà mới, đón dâu…. Hội sắc bùa của người Mường được duy trì và có tính phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Mường từ xa xưa. Bên cạnh đó, người Mường còn có các lễ hội khác như lễ hội Mợi, lễ cầu mưa, cầu mùa, lễ cơm mới, lễ hội đu tre, lễ rửa lá mới.
Lễ hội Chá Chiêng của dân tộc Thái được tổ chức vào tháng giêng hay tháng hai (âm lịch) hằng năm nhằm để tạ ơn Then Luông. Trung tâm của lễ hội là cây Chá Chiêng được làm từ thân cây tre, có 2 tầng. Chủ trì buổi lễ là ông mùn lớn, tức là thầy mo, thầy cúng có uy tín trong vùng. Sau các lớp vỏ tín ngưỡng dân gian, lễ hội Chá Chiêng là một sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Thái. Qua đó, bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên và những người cứu giúp mình trong lúc khó khăn, ốm đau, đồng thời cũng thể hiện ước mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhiều lễ hội khác trên địa bàn tỉnh cũng mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc như lễ đặt tên - cấp sắc của người Dao quần chẹt (lễ đặt tên thánh cho người trưởng thành). Tết Nhảy của người Dao quần chẹt là một sinh hoạt tín ngưỡng nhưng lại mang đậm tính lễ hội; đây cũng là một sinh hoạt mang tính gia đình nhưng có sự tham dự của cả cộng đồng người Dao. Đồng bào Tày ở huyện Đà Bắc có lễ hội cơm mới, lễ hội Cầu Mường cũng có nhiều nét độc đáo, ấn tượng. Bên cạnh các nghi lễ, lễ hội là dịp cộng đồng làng bản gắn bó, đoàn kết, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh…
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội có truyền thống lâu đời của người Mông. Từ năm 2017, lễ hội chính thức được phục dựng tổ chức luân phiên tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Lễ hội được chia làm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu từ nghi lễ trồng cây nêu. Cây nêu trong lễ hội Gầu Tào mang biểu tượng cây thiêng nối trời với đất, nguyện cầu sinh con, vụ mùa bội thu. Việc phục dựng lễ hội Gầu Tào là cơ hội đánh thức tiềm năng, thế mạnh của đồng bào Mông, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, du lịch.
Nhiều lễ hội ở một số huyện gắn với các truyền thuyết, những địa danh cụ thể, sau một thời gian gây dựng nay đã có quy mô lớn hơn trong khâu tổ chức và được quảng bá rộng rãi trong và ngoài tỉnh, thu hút sự tham gia của đông đảo du khách gần xa. Như lễ hội chùa Kè (Mường Bi), lễ hội đình Cổi - xã Vũ Bình (Lạc Sơn), lễ hội đình Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy), lễ hội đền và miếu Trung Báo - xã Thanh Cao (Lương Sơn), lễ hội đình Xàm - xã Phú Lai (Yên Thủy), lễ hội chùa Hang - xã Yên Trị (Yên Thủy), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy)… Tầm vóc và quy mô khá nổi bật là lễ hội đền Bờ gắn với du lịch lòng hồ Hòa Bình. Đền Bờ được xây dựng 2 nơi: Trên đỉnh đồi hang Thầu, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) và trên đồi thuộc xã Thung Nai (Cao Phong). Tương truyền, năm 1431-1432, vua Lê Lợi đi dẹp giặc ở Mường Lễ (Sơn La) qua đoạn Thác Bờ hiểm trở đã được người dân địa phương giúp đỡ tận tình. Trong số đó có bà Đinh Thị Vân, người Mường ở xã Hào Tráng (cũ) và một bà người Dao ở Vầy Nưa đã giúp nhà vua quân lương, thuyền bè vượt thác… Khi hai bà mất, vua Lê Lợi truy phong công trạng của 2 bà và ban chiếu cho lập đền thờ. Từ đó, người dân thường mở hội hàng năm vào tháng giêng để tưởng nhớ 2 bà và các vị thần.
Mỗi nghi thức, mỗi hoạt động của lễ hội trên địa bàn tỉnh ngày càng được tiến hành bài bản hơn, nhất là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, thông qua các cơ quan báo chí, mạng xã hội (facebook, zalo, youtube...). Nét bản sắc văn hóa, sự độc đáo trong từng lễ hội… góp phần làm nên hình ảnh của Hòa Bình trong phát triển văn hóa - du lịch.
V.T (TH)