Những tháng ngày qua, cả nước căng mình chống đại dịch Covid-19 - kẻ thù cực kỳ nguy hiểm mà vô hình. Cuộc sống thường ngày vốn luôn sôi động bỗng trầm lặng xuống với không ít nỗi lo và sự ám ảnh, chờ đợi.
Một cảnh trong vở "Cuộc chiến Covid" của Sân khấu Lệ Ngọc. Ảnh: Sân khấu Lệ Ngọc
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và đông đảo người dân, hàng vạn cán bộ ngành y, bộ đội, công an, những người tình nguyện đã lên đường vào nam chống dịch. Trước thách thức khắc nghiệt đó, mỗi người dân đất Việt càng siết chặt tay nhau, trụ vững và luôn giữ niềm tin chiến thắng.
Thật bất ngờ, đáp lại sự mong đợi và khát khao ấy, những tháng ngày qua, hàng trăm, hàng nghìn sáng tác văn học, nghệ thuật đã đồng loạt ra đời và lan tỏa trong cả nước, trên báo, đài truyền hình, phát thanh ở Trung ương và địa phương, trên các nền tảng mạng xã hội… Cuộc sống với những thử thách cam go bỗng bừng sáng lên với một niềm tự tin, tình yêu thương và sức cổ vũ, vẫy gọi toát lên từ những sáng tác giàu tâm huyết và sự chân thành từ đáy lòng những người sáng tạo - văn nghệ sĩ. Tôi không thể kể hết ra đây, song những gì đã được nghe, nhìn, đọc, thấy cũng đủ để cảm nhận về một sức sống mãnh liệt, giàu nhiệt huyết của một cao trào sáng tạo tự nguyện ấy. Thật là ấm lòng, tràn ngập tình yêu thương, tự hào về mảnh đất và con người ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh qua các ca khúc đằm thắm và giàu nhạc điệu như MV "Sài Gòn thương", "Sài Gòn đẹp lắm" hay "Sống như tia nắng mặt trời"… Sài Gòn đang gồng mình chống Covid-19 đấy và đang chịu nhiều mất mát, đau thương, song vang lên trong các ca khúc đó là tình yêu con người, quê hương, đất nước, là sự vẫy gọi con người vươn lên, trụ vững trước mọi thử thách.
Như một truyền thống đã có từ nghìn năm, mỗi lúc dân tộc đang phải đương đầu với những thách thức sống còn, nhà văn, văn học lại lập tức nhập cuộc, tự nguyện đứng trong đội ngũ chiến sĩ - công dân, "không ngồi yên được, phải đi vào tâm dịch" (như tâm sự của nhà văn Trần Nhã Thụy - đại diện của Nhà xuất bản Hội Nhà văn khu vực phía nam) để viết - viết cái thật, cái kiên cường, cái tình người cao đẹp và viết cái thật của chính lòng mình. Hàng trăm bài bút ký, ký sự, ghi chép, thơ, truyện đã ra đời… của các thế hệ nhà văn, từ những cây bút già dặn, gạo cội, đến những người viết trẻ đều có chung một cảm xúc, một ý nguyện: góp tiếng nói giúp đồng bào, đồng đội mình vững vàng vượt qua thử thách. Thật xúc động khi nghe những lời tâm sự gan ruột của nhà văn Y Ban khi viết "Nhật ký nhà văn" - viết về những gì quanh mình nhưng chính là viết hết mực chân thành "những tấm lòng cao cả" trong dịch bệnh. Cũng thật bất ngờ và cảm động khi biết TS Cù Thu Hương, từ Pháp trở về nước, chứng kiến nỗi đau, sự kiên cường, lạc quan, tình người của đồng bào mình và đã viết tác phẩm "Paris+14". Thật là, "cuộc chiến này không của riêng ai". Hàng trăm nhà thơ, cả chuyên nghiệp và không chuyên đã tham gia cuộc vận động sáng tác thơ về đất và người phương nam chống dịch.
Những tác phẩm giàu chất hiện thực và sức cổ vũ do các nhà điện ảnh, truyền hình đã liên tục được trình chiếu và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Rất kịp thời mà vẫn giàu chất nhân văn. Không né tránh những mất mát nhưng tràn đầy niềm tin, sự lạc quan và sức cổ vũ con người trong cuộc chiến cam go chưa có hồi kết. Tôi đã xem hàng chục phim như vậy, không dừng lại ở thể loại báo chí mà đậm sâu chất điện ảnh.
Cùng với những bộ phim truyện kịp thời phản ánh cuộc sống và con người trong cuộc chiến chống Covid-19, sân khấu cũng vào cuộc. Ðoàn kịch Hải Phòng đã nhanh nhạy cho dàn dựng vở "Người trong mắt bão" ngợi ca những con người kiên cường, chịu mọi hy sinh để cứu sống đồng bào mình. Thật bất ngờ mà không gây ngạc nhiên khi biết nhà báo, nhà viết kịch bản Huỳnh Dũng Nhân đã đổi "tay nghề", vẽ tranh cổ động, phục vụ kịp thời cho cuộc chiến. Các họa sĩ thành danh như Thành Chương, Lê Sa Long và cả cháu gái còn ở độ tuổi vị thành niên Nguyễn Ðỗ Chung Anh cũng say sưa vẽ tranh cổ động. Họ muốn góp ngay một tiếng nói nghệ thuật và có lẽ sâu xa hơn, một tấm lòng, vì cuộc chiến đang diễn ra.
Tôi đã được xem nhiều bức ảnh (cả báo chí và nghệ thuật) chụp chân thật, ở nhiều góc độ khác nhau, khẳng định và ngợi ca những con người đang căng mình chịu đựng để vượt qua và chiến thắng trong đại dịch, trong đó, nổi bật hơn cả, làm xúc động sâu sắc người xem là hình ảnh các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ ngành y, bộ đội và công an… Những góc chụp của Ngô Trần Hải An, Minh Hòa,… không chỉ là sự tìm tòi của nghề nghiệp mà là sự nhạy cảm của tấm lòng nghệ sĩ.
Và rồi, đã có những chương trình biểu diễn nghệ thuật chưa từng có tiền lệ đã được tổ chức - biểu diễn không có khán giả trực tiếp ở khán phòng nhà hát. Chương trình "Hát để sẻ chia" đã diễn ra ba lần với sự tham gia tự nguyện của hàng trăm ca sĩ. Ðã có tới hàng trăm diễn viên múa tự nguyện, nhiệt tình đăng ký tham gia Tổ khúc múa "Ánh sáng tâm hồn" khi được biết tổ khúc múa này nhằm mục đích đẹp đẽ và nhân văn: bằng sáng tạo nghệ thuật cổ vũ cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Vừa xem, tiếp nhận các tác phẩm trên, tôi vừa băn khoăn tự hỏi: Phải chăng đây là sự ngẫu nhiên, sự tự phát? Tự răn mình, có lẽ phải suy nghĩ kỹ hơn. Lịch sử văn học, nghệ thuật nước nhà, từ hàng nghìn năm nay, luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Ðiều đó như là đặc điểm chung của nhiều nền văn nghệ. Song, lịch sử của chúng ta có những bước ngoặt lớn, những thử thách khốc liệt, đặc biệt khi bị xâm lăng, bị đô hộ, cả dân tộc phải kiên cường chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Những thời khắc lịch sử đó, văn nghệ, văn nghệ sĩ làm gì? Tôi tự hỏi và tìm câu trả lời bằng chính minh chứng lịch sử. Giặc Ân xâm lược, truyền thuyết người anh hùng Thánh Gióng ra đời. Trận chiến quyết tử trên sông Như Nguyệt có bài thơ thần "Nam quốc Sơn hà". Tham gia đánh tan giặc Minh, buộc chúng phải đầu hàng có những bức thư hào sảng, đầy niềm tin chiến thắng trở thành một sức mạnh, một loại "vũ khí" của Nguyễn Trãi. Không thể trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa hào hùng chống thực dân Pháp của đồng bào Nam Bộ, nhà thơ mù giàu lòng yêu nước Nguyễn Ðình Chiểu đã dùng tài năng sáng tạo của mình để "chỉ đạo" và "đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"… Nhớ lại lịch sử chưa xa, khi cả nước ra trận đánh thực dân Pháp, đánh đế quốc Mỹ, cả nền văn nghệ của chúng ta, các thế hệ văn nghệ sĩ - chiến sĩ cùng ra trận. Không chỉ là đồng hành, là người trong cuộc, mà còn tự nguyện trở thành sức mạnh đặc biệt cổ vũ, vẫy gọi con người trụ vững, kiên cường chiến đấu vì chiến thắng. Nhà văn Hữu Mai, người đã sống và viết trọn vẹn trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đã chân thành tâm sự: "Tôi chỉ mong ghi lại một cách trung thực, càng nhiều càng tốt, những gì đã biết về một thời kỳ lịch sử hiếm có, rất đẹp, rất phong phú của dân tộc mà mình đã may mắn vừa là nhân chứng, vừa là người trong cuộc". Còn nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm đã đúc kết: "Tấm lòng", đó là tâm hồn tác giả trên từng trang sách… thiếu đi tấm lòng nhân hậu, cao thượng thì vẫn chưa thể có văn hay".
Tôi nghĩ, không hiểu có thật chính xác không, những ngày này không phải chiến tranh, nhưng chúng ta "chống dịch như chống giặc", cả dân tộc đang đứng trước những thách thức khốc liệt, chưa từng có, phải hy sinh, đoàn kết, kiên cường chịu đựng và vượt qua. Trong tâm thế đó của toàn dân tộc, văn nghệ của chúng ta lại một lần nữa "ra trận", làm người đồng hành, người trong cuộc, người cổ vũ, như những thời kỳ lịch sử đặc biệt nghìn năm qua. Như cha anh mình trước đây, họ hiểu rõ trong các cuộc chiến này luôn đan xen cái thiện và ác, cái đẹp và xấu, cái cao thượng và thấp hèn… Họ rất tỉnh táo, nhưng khi nhìn nhận hiện thực, họ tự tin khẳng định ngợi ca dòng mạch chính của cuộc chiến đấu, đó là cái tốt, cái đẹp, cái anh hùng, cái cao thượng. Ðó là hiện thực và đó còn là ý thức công dân, tình yêu đất nước, khát vọng bảo vệ những người đang hy sinh, chiến đấu vì chiến thắng. Thời gian có thể sàng lọc, nhưng cái đặc trưng của văn nghệ thời kỳ đặc biệt này sẽ đi vào lịch sử văn nghệ nước nhà một quy luật tự nhiên, như một dấu ấn đặc biệt.
Khi viết đến các dòng trên, tôi tạm dừng bút, bật ti-vi nghe tin tức về dịch Covid-19. Bỗng xuất hiện hình ảnh khoảng dăm bảy chục diễn viên hát Quốc ca. Chao ôi, bài Quốc ca trầm hùng, hào sảng, ấm áp xuyên thấm vào lòng người. Họ hát từ trái tim, từ tấm lòng, từ tình yêu. Ðã bao lần hát và nghe Quốc ca, mà tối nay, chúng tôi đã không cầm được nước mắt. Như cảm thấy có thêm sức mạnh. Tổ quốc trong tim tất cả chúng ta.
Theo Báo Nhân Dân
Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, từ ngày 19/9, đơn vị này sẽ tổ chức chương trình trưng bày Trung thu 2021 bằng hình thức trực tuyến với chủ đề "Trung thu sum vầy" tại website: hoangthanhthanglong.vn và trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.
(HBĐT) - Trong 2 ngày (11 - 12/9), Báo Hòa Bình tổ chức lớp tập huấn viết chữ Mường cho 10 cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong cơ quan. Đây là những cán bộ người dân tộc Mường, biết nói tiếng Mường. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng giảng dạy kết hợp bằng cả tiếng Việt và tiếng Mường. Lớp tập huấn được tổ chức đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
(HBĐT) - Nằm giữa lòng TP Hòa Bình nhưng người dân phường Hữu Nghị vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Không chỉ giữ gìn bản sắc dân tộc ở những người lớn tuổi, mà việc bồi đắp tình yêu và trao truyền cho thế hệ trẻ được bà con nơi đây rất chú trọng. Là phường đầu tiên tại thành phố thành lập được Câu lạc bộ (CLB) văn hoá, văn nghệ dân gian, đến nay CLB duy trì hoạt động hiệu quả, tiếp tục truyền lửa cho thanh, thiếu niên.
(HBĐT) - BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 1/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo (TN, TG) trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.
(HBĐT) - Về vùng chiến khu cách mạng Mường Khói, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn), ấn tượng đầu tiên là các nhà văn hóa xóm, bản và nhà ở trong dân chủ yếu là nhà sàn làm từ vật liệu mới, vừa bền vững mà giữ được nét đẹp truyền thống của người Mường. Thay vì sử dụng gỗ tự nhiên và các loại tranh, tre, nứa, đa số nhà sàn của bà con có kết cấu bằng bê tông.
(HBĐT) - Phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của người dân, có sức lan tỏa và thu hút đông đảo người dân tham gia. Các câu lạc bộ (CLB), đội VNQC được thành lập không chỉ tạo sân chơi cho những người đam mê, yêu văn nghệ mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.