(HBĐT) - Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa đặc sắc, thẫm đẫm tình người, hồn sông, hồn núi, mùa xuân Hòa Bình đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận, là chất xúc tác để các nghệ sỹ tạo nên những tác phẩm thơ ca, nhạc họa… trường tồn mãi với thời gian, với lòng người.
Nới rộng vòng xòe đoàn kết trong Lễ hội Gầu Tào, huyện Mai Châu.
Thật vậy! Là người con đất Mường Hòa Bình, từ thuở thiếu nữ tham gia trong đội văn nghệ xóm, tôi đã đắm say trong lời ca, điệu nhạc từ bài hát "Mùa Xuân Hòa Bình” của nhạc sỹ Huy Tâm: "Đường mùa Xuân đưa anh lên trời/ Vào hang Tiên mờ ảo giữa mây trôi/ Nàng tiên hay là em giữa trời giăng khung dệt/ Lụa mùa xuân may áo mới cho đời/ Mùa Xuân Hòa Bình ơi xanh xanh núi Đúng sông Đà/ Mùa xuân Hòa Bình ơi điện dâng ánh sáng chan hòa/ Bản mường em vui ngày hội Xuân ngọt ngào sao câu hát ví…”. Đã thấy dạt dào, lay động. Sau này, qua các chương trình, sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương tôi được hát, được nghe thêm nhiều bài hát được lấy chất liệu từ mùa xuân Hòa Bình như: "Mưa xuân”, "Mùa xuân anh chưa về với bản”, "Vui hội cồng chiêng”… của nhạc sỹ Huy Tâm; "Mai Châu câu hát sao noọng ơi” của nhạc sỹ Lê Trọng Tuế, bài hát "Đu xuân” của nhạc sỹ Nguyễn Duy Thịnh, "Hội còn xuân” nhạc và lời Bùi Đức Triệu, "Xuống chợ ngày xuân” của nhạc sỹ Tống Hoàng Long, "Mùa xuân về” của nhạc sỹ Tống Đức Cửu, "Sắc chợ rẻo cao” của Nhạc sỹ Đinh Tùng Bách … tôi thấy hẳn một khoảng trời xuân đầy thi vị. Từ cảm nhận của riêng mình tôi đã nghĩ dù sống ở miền xuôi hay miền ngược khi nghe những ca từ trong bài hát về mùa xuân Hòa Bình cũng đều rung cảm. Khi nghe lời bài hát "Quả còn mùa xuân” của nhạc sỹ Kim Ngọc: "Hoa đào khoe sắc thắm/ Hoa mận xòe cánh bay/ Chim hót mừng gọi nắng/ Em cười xua tan mùa đông/ Quả còn bay trên cao/ Bên nhịp khèn êm ái... / Hạnh phúc trong tay em…” thấy lâng lâng với những cảm xúc xuân thì và muốn tan chảy vào không gian của mùa xuân đầy hương sắc của đất Mường Hòa Bình.
Tác phẩm nhạc thì có thể đếm trên đốt ngón tay, nhưng tác phẩm thơ viết về mùa xuân Hòa Bình thì không thể kể xiết. Đếm sơ sơ trong 3 tập thơ "Hương đất Mường” của CLB Thơ - Ca tỉnh Hòa Bình và một số tập thơ riêng của các tác giả: Lê Va, Nguyễn Hữu Thông, Trần Quốc Dũng, Lò Cao Nhum, Trần Quang Thạch, Bùi Thị Nụ… đã có tới vài trăm bài thơ được lấy cảm hứng, chất liệu từ mùa xuân Hòa Bình. Bến nước, cây cầu, nhành hoa mơ, hoa mận, hoa đào, đàn chim ri tránh rét, hay quả còn phiêu diêu trong ánh nắng chiều cũng khiến nhiều thi sĩ xuất khẩu thành thơ.
Hòa mình trong không gian Lễ hội Chiêng, tác giả Nguyễn Hữu Thông tô vẽ lên "Hội cồng Xuân” thật sống động: "Gió xuân đã về ấm lối/ Trời xanh líu ríu nắng vàng/ Hoa mơ nở trắng vườn, trắng núi/ Lúa xuân lúng liếng ruộng bậc thang /Nào trai Mường ngoài, Mường trong/Nào gái Mường trên, Mường dưới/ Nào bạn Mường gần, Mường xa/ Hãy mang cồng chiêng ra/ Dùi gỗ quấn thêm tua mới/ Bản Mường vào hội/ Hội cồng xuân...”. Góp mặt trong ngày hội xuân, tác giả Trần Quốc Dũng viết lên điều cảm nhận trong bài thơ "Đu Xuân”: "Tháng giêng vui hội Đu xuân/ Từng đôi áo mới thì thầm bên nhau/ Cả làng thấp thoáng bóng cau/ Đu đưa theo gió ôm màu nắng quen/ Nhận lời tôi đứng một bên/ Em vươn, tôi nhún khéo bền dẻo da...”.
Chất chứa cảm xúc với mùa xuân Hòa Bình, tác giả Trần Quang Thạch viết: "Mấy mùa xuân anh chưa về bản/ Mấy mùa cam lặng lẽ trổ hoa/ Đỏ rực quê ta thơm lừng nắng sớm/ Vị ngọt đất Mường vẫy gọi phương xa/ Mía lưng đồi từng hàng thăm thẳm/ Heo may về rực tím mênh mông/Cam mía được mùa nồng nàn ngô lúa/ Bếp lửa thêm nồng phiên chợ thêm đông…”.
Mùa xuân luôn đồng điệu với thi ca và hương sắc mùa xuân là xúc cảm để các thi sĩ mặc sức say sưa, trải lòng. Với vùng đất Mường Hòa Bình, mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở, mùa hạnh phúc nhất trong năm theo tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hẳn vì lẽ đó mà đất Mường Hòa Bình luôn rộn ràng với những khúc nhạc xuân.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Ngày nay, cùng với tiện nghi của cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ tích cực tham gia các hoạt động góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc dịp Tết cổ truyền.
(HBĐT) - Trong ngày tết cổ truyền của dân tộc, không thể thiếu được món bánh dày. Ngày nay, đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) vẫn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống rất riêng từ nếp ăn ở, sinh hoạt, trang phục, trong đó phải kể đến tục làm bánh dày ngày tết. Với người Mông, ngoài rượu thịt, thì bánh dày là thứ không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết.
(HBĐT) - Từ năm 2020, lễ hội đình Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) được khôi phục lại. Đây là lễ hội lớn của cả vùng, đáp ứng nhu cầu văn hoá tín ngưỡng của Nhân dân.
(HBĐT) - Chào xuân mới 2022, mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới, Báo Hoà Bình xuất bản ấn phẩm đặc biệt Xuân Nhâm Dần 2022. |