(HBĐT) - Trong những ngày đầu năm, tôi lại tìm đến vùng đất xinh đẹp - Nơi đó, có một món ăn đã đi vào những câu thơ thật đẹp: "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Ngay cả nếp xôi cũng mặn mà quyến rũ như chính những người phụ nữ Thái!


Phụ nữ dân tộc Thái xã Chiềng Châu (Mai Châu) chuẩn bị nguyên liệu làm món cơm lam truyền thống.

Ngược từ phố thị đi tới đèo Đá Trắng, con người ta không khỏi "cảm nắng" trước cảnh sắc thiên nhiên đẹp tựa thiên đường. Dừng chân bên một gánh hàng nhỏ với xôi nếp nương dẻo thơm mời gọi, thật dễ mềm lòng và dường như chẳng muốn rời! Khi làn khói nóng hổi  tỏa ra cùng hương thơm dịu nhẹ, ta có thể cảm nhận được sự tinh túy của ẩm thực đồng bào Thái Tây Bắc trong món ăn này. Từng hạt gạo nở căng, bóng mẩy được tạo màu tự nhiên từ lá cây với màu sắc bắt mắt. 

Mê mẩn và tò mò cách để tạo nên chõ xôi ngũ sắc của đồng bào Thái, chúng tôi tới xã Chiềng Châu. Chị Khà Thị Luân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên mọi bí quyết để chế biến món ăn đặc trưng của người Thái chị đều nắm rất rõ. Tới thăm nhà đúng lúc chị đang nhuộm màu gạo để đồ, chuẩn bị cho bữa cơm sum họp cuối năm của gia đình, chị Luân chia sẻ: Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm của người Thái, đặc biệt là trong những dịp lễ, Tết của người Thái ở Mai Châu. Để làm ra những chõ xôi sắc màu, phải chọn giống gạo nếp ngon trồng trên những thửa ruộng bậc thang của thung lũng, trải qua công đoạn chế biến tỉ mỉ. Sau khi ngâm nhiều giờ, gạo được nhuộm màu rồi đem đồ trên chõ gỗ tới 2 lần. Lần thứ nhất đủ chín, đảo cho thật đều, còn lần thứ hai để xôi mềm và dẻo hơn. Màu sắc của xôi cũng có ý nghĩa đặc biệt: Màu đỏ tượng trưng cho sự trù phú, màu vàng của no đủ, màu tím thủy chung, màu trắng tượng trưng như tình yêu đôi lứa trong sáng, màu xanh chính là màu của núi rừng Tây Bắc.

Thưởng thức xôi nếp nương, có thể ăn kèm với thịt gà đồi nướng,   thịt lợn xiên nướng hay cá suối   ngon ngọt. Thậm chí, chẳng cần cầu kỳ đến vậy, chỉ đơn giản  với bát muối vừng cũng đủ khiến vị giác "ngây ngất". 

Không chỉ có xôi nếp, những món ăn truyền thống của đồng bào Thái thể hiện sự kết hợp, hòa quyện cùng linh khí của núi rừng, của tình người giản dị. Với họ, ẩm thực là một nghệ thuật đã trở thành nét văn hóa cổ truyền, sâu sắc. Theo lời kể của chị Luân, để đón chào năm mới với nhiều điều may mắn, thường từ ngày 24 - 26 tháng Chạp, các gia đình người Thái mang quả cau, lá trầu đến mời thầy mo trong làng về nhà làm lễ cúng tổ tiên, xua đuổi tà ma và xin điều tốt lành. Bởi, trong quan niệm của người Thái, thầy mo luôn được coi trọng và kính nể nhất làng. Thầy mo có thể nói chuyện với những người âm, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất của người đang sống đến với tổ tiên. Đối với họ, những ngày này là dịp để bày tỏ lòng đạo hiếu với những người đã khuất. 

Bình thường, các món ăn của người Thái chia làm 5 phần lớn khác nhau như: Căm chẳm (đồ chấm, đặt đầu tiên); căm nặm (đồ uống, đặt thứ hai); căm cắp (đồ ghém, đặt thứ ba); căm kin (phần về thức ăn, đặt thứ tư); căm khẩu (phần về cơm, đặt cuối cùng). Xuất hiện trên mâm cơm trong ngày cuối cùng của năm còn có những món ăn truyền thống đặc sắc khác như: Cá nướng, thịt sấy, rau rừng, nhộng ong… Tất cả những món ăn đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, được tẩm ướp gia vị cẩn thận. Trong đó, gia vị đặc trưng được người Thái dùng để tẩm ướp là hạt "mắc khén” (hạt tiêu rừng). Một nét độc đáo về ẩm thực Thái là khi chế biến món ăn hoàn toàn không dùng dầu mỡ, người nấu rất chú trọng tới việc tẩm ướp, gia giảm gia vị vừa vặn và hài hòa để tạo nên những món ăn vừa ngon, vừa hấp dẫn, cuốn hút những người đam mê ẩm thực dân tộc truyền thống. 

Thu Hằng

Các tin khác


Hà Nội mở lại rạp chiếu phim, cơ sở biểu diễn nghệ thuật từ 10/2

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản cho phép các rạp chiếu phim, các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật trên địa bàn thành phố mở cửa từ ngày 10/2.

Kỷ niệm 20 năm chương trình tiếng dân tộc lên sóng truyền hình quốc gia

Từ những bước đi ban đầu còn bỡ ngỡ, khó khăn, xây dựng một kênh sóng đặc thù riêng biệt, tới nay, kênh truyền hình tiếng dân tộc VTV5 lớn mạnh với 3 kênh sóng độc lập, đã và đang trở thành người bạn gắn bó với khán giả và đồng bào dân tộc thiểu số.

Du xuân chợ Viềng, Phủ Dầy đầu năm

Những ngày đầu xuân năm mới Nhâm Dần 2022, người dân Nam Định và một số vùng lân cận đến Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (huyện Vụ Bản) du xuân và cầu may mắn, bình an. Cũng như năm trước, chợ Viềng không họp để phòng, chống dịch Covid-19, nên lượng khách thưa vắng hơn.

Lễ hội Mường Động năm 2022

(HBĐT) - Sáng 8/2, tại khu vực chùa Động, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi), UBND xã Vĩnh Đồng tổ chức lễ hội Mường Động năm 2022. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ hội chỉ tiến hành phần lễ với sự tham gia của trên 200 người dân sinh sống trên địa bàn xã Vĩnh Đồng và một số xã lân cận. 

Lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2022

(HBĐT) - Ngày 8/2 (tức mùng 8 tháng Giêng), xã Phong Phú (Tân Lạc) tổ chức Lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2022. Đến dự có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tân Lạc cùng đông đảo bà con nhân dân các dân tộc trong xã.

Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" sẽ diễn ra ngày 12 - 13/2

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 7/2 cho biết: Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào ngày 12-13/2.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục