Khôi phục hoạt động biểu diễn, thích ứng an toàn và linh hoạt với tình hình mới, ngay sau khi công diễn vở nhạc kịch "Sóng", Nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt hai vở diễn mới "Ông không phải bố tôi" của Lưu Quang Vũ và hài kịch "Cái... ao làng" của tác giả Chu Thơm, ghi dấu sự trở lại ở hai thương hiệu kịch Lưu Quang Vũ và hài kịch quen thuộc của nhà hát.


Cảnh trong vở "Ông không phải bố tôi".

Là một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ và từng được nhiều nhà hát dàn dựng từ năm 1988 đến nay, vở "Ông không phải bố tôi" của Nhà hát Tuổi trẻ lần này mang một sắc thái mới, sinh động, hấp dẫn qua những chi tiết sân khấu, lời thoại gần gũi và dễ cảm nhận hơn với khán giả đương đại.

Xoay quanh câu chuyện bố con khi những toan tính và sự chi phối của đồng tiền đã phần nào làm xáo trộn đạo lý và các giá trị gia đình, ngay cả những mối quan hệ thân thích ruột rà cũng bị lu mờ. Một ông bố sau nhiều năm ruồng rẫy, chối bỏ vợ con vì sợ ảnh hưởng sự nghiệp thăng tiến của mình khi về già mới quay trở về với con. Trong khi người con trai cũng không phải vừa, gạt bỏ lòng oán hận với bố từ nhỏ chỉ vì muốn lợi dụng những mối quan hệ của ông để tìm cách làm giấy tờ sở hữu nhà chứ không phải xuất phát từ tình cảm, thậm chí sẵn sàng phủ nhận mối quan hệ bố con.

Lòng tham và những thủ đoạn bất chấp tất cả đã khiến họ phải trả giá trước một người đàn bà mưu mô, xảo trá đang muốn lừa cả hai bố con để chiếm lấy căn nhà. Chứng kiến tất cả lối ứng xử tệ bạc của bố và ông, từ cái tâm trong sáng của mình, người con và cũng là cháu đích tôn của họ đã giúp khơi dậy những tình cảm gia đình, hàn gắn lại các mối quan hệ tưởng chừng đã tan vỡ.

Vở kịch của Lưu Quang Vũ qua tay đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến và diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục tỏa sáng các giá trị nhân văn, những giá trị cốt lõi của gia đình. Ðược sáng tác từ hơn 30 năm trước, nhưng vở "Ông không phải bố tôi" và nhiều vở diễn khác của Lưu Quang Vũ mà Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại thời gian qua vẫn là kịch mục thu hút được khán giả đến xem và "kịch Lưu Quang Vũ" đã trở thành một thương hiệu quen thuộc của nhà hát. Ðạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến cho biết, sở dĩ kịch Lưu Quang Vũ bền vững theo thời gian, có được sự mến mộ của công chúng, bởi nó chứa đựng những giá trị nhân văn tốt đẹp, sự thấu hiểu, sẻ chia và tình người sâu sắc. Mỗi tác phẩm của ông hiện hữu như một chân lý sống, có sức lay động, dâng trào cảm xúc cho khán giả qua các thế hệ .

Ðiều đặc biệt là vở "Ông không phải bố tôi" của Nhà hát Tuổi trẻ có hai ê-kíp biểu diễn để có thể liên tục đến với khán giả Hà Nội và các địa phương trong cả nước từ nay đến cuối năm. Trong đó, có nhiều gương mặt nghệ sĩ, diễn viên được đông đảo khán giả yêu mến như: Nghệ sĩ Ưu tú Ðức Khuê, Nghệ sĩ Ưu tú Hoa Thúy, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Quỳnh Dương, Quang Ánh, Thanh Bình, Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Quang Trọng, Lệ Quyên, Thanh Dương, Thanh Tú, Chí Huy, Ðức Anh, Minh Cúc…

Bên cạnh chính kịch, một thương hiệu đặc sắc đã làm nên tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ là hài kịch cũng đã trở lại với vở "Cái... ao làng" khi nhà viết kịch Chu Thơm "đổi món" sau những đề tài kịch xã hội, chống tham nhũng và thành công không kém trong câu chuyện làng quê hài hước, đả kích sâu cay lòng tham và thói trục lợi.

Vở diễn mở ra bức tranh nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa với nhiều biến động khi đất đai đang trở thành những món hời trong các cuộc trao đi đổi lại kéo theo những biến đổi về tình làng, nghĩa xóm. Làng Cầu với ông Quyền, trưởng thôn, đã không còn yên bình với những con người chân chất, dung dị. Ích kỷ, tham lam và đầy cơ hội, ông trưởng thôn và bè nhóm của mình "nói một đằng, làm một nẻo" mưu mô lừa dối dân làng, lôi kéo mọi người ủng hộ để tìm cách lấp cái ao làng làm đường. Cái ao tưởng chừng nhỏ bé ấy lại như một di sản của truyền thống, gắn bó bao đời với người dân quê, vốn được coi là long mạch vùng đất khiến làng quê dậy sóng. Những mâu thuẫn đóng mở cùng các tình tiết hài hước gây cười cho người xem, song đằng sau đó là những suy ngẫm xót xa, đau đớn, tự vấn trong mỗi người. Cuối cùng thì mọi ý đồ xấu xa cũng lòi chân tướng, lẽ phải và những ứng xử tình người đã gắn kết các đứt gãy, trả lại sự bình yên vốn có chốn thôn quê.

"Cái... ao làng" đã thật sự là đất "dụng võ" cho Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung với những miếng hài hóm hỉnh, châm biếm mang màu sắc hài kịch dân gian, được nâng tầm bằng những hoạt cảnh giàu nhạc tính qua các nhạc phẩm sáng tác riêng cho vở diễn của nhạc sĩ Vĩnh Tiến và màn vũ đạo. Không gian làng quê được tái tạo trên sân khấu khá công phu. Vở diễn có sự góp mặt của các nghệ sĩ vốn quen mặt và nổi danh trong những vở diễn, tiểu phẩm hài của nhà hát như: Quỳnh Dương, Anh Thơ, Thanh Bình, Duy Anh, Du Ka, Minh Cúc, Huy Hoàng, Ðàm Hằng ...

Cùng với sự trở lại của hai thương hiệu kịch đặc sắc, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đang gấp rút chuẩn bị các chương trình biểu diễn dành cho thiếu nhi trong dịp hè.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục