Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam vừa công bố khởi động dự án hợp tác "Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” trong lĩnh vực bảo tàng và bảo tồn di sản thiên nhiên.


Ủy ban Điều phối dự án cung cấp thông tin về dự án. (Ảnh: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cung cấp)
 

Mục tiêu của dự án nhằm cụ thể hóa các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức văn hóa Pháp và Việt Nam, nhằm phát huy và gìn giữ các di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam. Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết "dự án này mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác vốn rất ý nghĩa giữa Pháp và Việt Nam, thể hiện mong muốn của cả hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực di sản, đặc biệt là trong hoạt động bảo tồn, thông qua các hoạt động đào tạo và trao đổi chuyên môn".

Dự án "Chia sẻ và gìn giữ Di sản Việt Nam” được Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam điều phối, với sự tham gia của rất nhiều đối tác Pháp và Việt Nam gồm các bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng khoa học về con người (lịch sử, dân tộc học…), bảo tàng lịch sử tự nhiên, trung tâm khoa học và kỹ thuật, khu bảo tồn thiên nhiên, trường đại học và chính quyền các cấp. 

Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Điều phối dự án đã diễn ra vào ngày 9/5, với sự hiện diện của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, ông Matthieu Berton - Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Bộ Văn hóa Pháp, Ông Denis Duclos - Giám đốc đối ngoại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp, PGS, TS Nguyễn Trung Minh - Tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cùng đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao của Việt Nam. Dự án nhận được nguồn tài trợ lên đến 14 tỷ đồng cho 2 năm 2022-2024 từ chính phủ Pháp và sẽ được bổ sung thêm bởi các đối tác khác của Pháp (các bảo tàng, địa phương, trường đại học…).

Dự án "Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” sẽ triển khai các hoạt động trên 3 lĩnh vực, gồm: tập huấn chuyên môn cho đội ngũ công tác trong ngành bảo tàng ở Việt Nam (các chuyên gia từ những bảo tàng nổi tiếng và đại học của Pháp sẽ đào tạo và có thêm các chuyến thực địa trao đổi kinh nghiệm tại Pháp); phát triển các chương trình đào tạo về ngành nghề bảo tàng trong các trường đại học ở Việt Nam (bảo quản các bộ sưu tập, xây dựng nội dung trưng bày, bài trí không gian trưng bày, truyền đạt nội dung và đón tiếp công chúng) để đào tạo đội ngũ giảng viên và tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam hiểu hơn về các ngành nghề mới trong lĩnh vực bảo tàng; hỗ trợ thiết kế các dự án thí điểm trong bảo tồn di sản tại 3 miền của Việt Nam, với sự tham gia hợp tác của các chuyên gia Pháp và Việt Nam như cải tạo Trung tâm du khách của Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), hỗ trợ Trung tâm Truyền thông và Giáo dục môi trường của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), thiết kế và thực hiện những chiếc "Hộp kể chuyện” cho các bảo tàng (TP Hồ Chí Minh).

Bà Sophie Maysonnave - Tham tán Hợp tác và Hoạt động văn hóa cho biết: "Hợp tác văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tàng và di sản, là một trong những trụ cột vững chắc và lâu đời giữa hai nước Pháp-Việt. Từ năm 2004 đến 2011, Pháp đã tích cực hợp tác thông qua dự án phát huy di sản bảo tàng của Việt Nam. Các chuyên gia đến từ những bảo tàng lớn nhất của Pháp, thuộc nhiều ngành nghề, đã tham gia phát triển các dự án với nhiều đối tác Việt Nam như Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng điêu khắc Champa ở Đà Nẵng, Bảo tàng Đắk Lắk…”.

Ông Nguyễn Trung Minh - Tổng Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đã trình bày mong muốn của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam: "Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng dự án "Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” và các dự án tương tự sẽ là cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa các bảo tàng Việt Nam và Pháp”.


TheoNhanDan


 


Các tin khác


Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đạt doanh thu 600 triệu đồng trong 4 ngày nghỉ lễ

Chiều 3/5, Công ty Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù ảnh hưởng của thời tiết nhưng Đường Sách vẫn đón đông đảo bạn đọc đến tham quan và mua sách trong đợt lễ 30/4, 1/5.

Trao giải Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam

Ngày 30/4, UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi "Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2022".

Thông báo kết quả Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tuần thứ nhất từ ngày 18 - 24/4/2022

(HBĐT) - Ban tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Cuộc thi) đã ban hành Thông báo số 02-TB/BTCCT, ngày 26/2/2022 về kết quả Cuộc thi lần thứ nhất từ ngày 18 – 24/4/2022. 

Trường THCS Lê Quý Đôn: Lan tỏa Ngày hội sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022

Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) vừa tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, trao giải cuộc thi vẽ tranh về sách "Đại sứ văn hóa đọc” năm 2022.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Mường Vang

(HBĐT) - Với khoảng 3,8 vạn dân, trong đó dân tộc Mường chiếm 91%, huyện Lạc Sơn tự hào là 1 trong 4 vùng Mường có đời sống văn hoá giàu bản sắc cùng bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Tuy nhiên, quá trình tiếp biến và giao thoa về kinh tế, văn hoá, nền kinh tế thị trường, cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tác động đến giá trị văn hoá các dân tộc nói chung, dân tộc Mường nói riêng. Một số loại hình di sản văn hoá phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một.

Huyện Yên Thủy bảo tồn, phát huy giá trị di tích

(HBĐT) - Huyện Yên Thủy hiện có 12 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, các di tích đã, đang được đầu tư, trùng tu, tôn tạo phục vụ việc phát triển du lịch, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục