(HBĐT) - Thạch Yên là 1 trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Cao Phong theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Toàn xã có 12 xóm với 1.156 hộ, 5.033 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 98,2%. Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã luôn quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn.



Nhà sàn của người Mường tại xã Thạch Yên (Cao Phong).


Theo báo cáo của UBND xã, đồng bào DTTS trong xã còn lưu giữ và bảo tồn nhiều nét đẹp mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Mường như trang phục người Mường, chiêng Mường, các làn điệu hát ví, thường rang bộ mẹng, các điệu múa, âm nhạc và nhạc cụ dân tộc, truyện kể dân gian, lịch thẻ tre "ngày lui, tháng tới”, các nghi thức tâm linh thờ cúng tổ tiên (mo Mường). Hiện nay, trên địa bàn xã có một số xóm còn lưu giữ được khá nguyên bản các nét văn hóa của bản Mường truyền thống, trong đó phải kể tới xóm Rớm Khánh. Bất cứ ai tới đây đều bị cuốn hút bởi phong cảnh hữu tình, người dân mến khách; đồng thời ngắm nhìn ruộng bậc thang, các nếp nhà sàn ẩn hiện sau những cánh rừng.

Bên cạnh đó, vào ngày mồng 5 tháng Giêng hàng năm, lễ hội chùa Khánh được tổ chức, thu hút hàng trăm lượt khách trong và ngoài xã tới thăm quan, dâng hương cầu nguyện. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di tích lịch sử chùa Khánh được quan tâm. Đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đa số đồng bào dân tộc xã Thạch Yên vẫn duy trì tập quán trồng lúa nước; mỗi xóm đều trang bị và lưu giữ 1 bộ chiêng; các nét văn hoá mang đậm truyền thống dân tộc được biểu diễn, lưu truyền nhân dịp ngày lễ, Tết; đặc biệt, toàn xã còn lưu giữ trên 70% nếp nhà sàn của người Mường, giữ gìn rừng đầu nguồn để duy trì nguồn nước và tạo cảnh quan môi trường.

Song song với những giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy; huyện Cao Phong nói chung và xã Thạch Yên nói riêng vẫn còn gặp một số khó khăn trong công tác tuyên truyền bảo tồn một số giá trị văn hoá truyền thống của các DTTS, do một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế; đa số thanh niên trong xã đi làm xa, văn hoá bị giao thoa, xáo trộn, do đó tỷ lệ người trẻ trong xã không biết hát thường rang, hát đúm, mặc trang phục Mường ngày càng nhiều; việc xây dựng, bảo tồn nếp nhà sàn ngày càng khó khăn vì chi phí xây dựng cao; một số hộ dân không quan tâm, duy trì việc gieo trồng lúa nước. Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn xã Thạch Yên có hiện tượng đứt gãy từ sự phát triển chung của xã hội, từ quá trình hội nhập, giao thoa văn hoá giữa các vùng, miền. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn xã tiếp tục cần được quan tâm với tư duy mới, cách làm mới.

Nghị quyết số 04-NQ/ĐH Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ "huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hoá miền núi đặc sắc của các DTTS trong tỉnh gắn với phát triển du lịch”. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTSTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; ngày 9/12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 47/NQ-HĐND thông qua đề án thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án thành phần phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, thiết thực và đồng bộ các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, UBND xã Thạch Yên, Phòng VH-TT huyện cần tích cực tham mưu UBND huyện thu hút doanh nghiệp có đủ tiềm năng đầu tư mở rộng khuôn viên khu di tích lịch sử cách mạng chùa Khánh, cũng như tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã; quan tâm bố trí các nguồn lực mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã Thạch Yên trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan nâng lễ hội chùa Khánh thành lễ hội cấp huyện, tỉnh. Ngoài ra, đề nghị UBND xã nghiên cứu. trình HĐND cùng cấp hoặc cấp huyện ban hành nghị quyết chuyên đề về việc giữ gìn, truyền dạy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Mường; hỗ trợ người dân xóm Rớm Khánh và các xóm lân cận xây dựng hoặc tu bổ, tôn tạo nhà sàn; bảo tồn rừng, cảnh quan ruộng bậc thang gắn với phát triển du lịch sinh thái.                                                                                         
Thu Hà (HĐND tỉnh)

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục