Du khách thăm quan, tìm hiểu các truyền thuyết lịch sử về thành cổ Lam Kinh tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Chất giọng nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng HDV Hoàng Thị Hiền chia sẻ: Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi, là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... bắt đầu được xây dựng. Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế "tọa sơn hướng thủy”, một tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông. Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng. Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, với cách bố trí hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu. Qua quá trình đầu tư, tôn tạo, bảo tồn… năm 1962, khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, năm 2012 được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Bước vào khuôn viên khu di tích thăm quan các hạng mục với những kiến trúc độc đáo đậm chất Á Đông, nghe tiếng hướng dẫn viên giới thiệu lẫn trong tiếng gió vi vu, lá cây xào xạc… du khách đến lần đầu cũng có thể cảm nhận được sự huyền bí, tôn nghiêm ở nơi này.
Ngay tại khu Vĩnh Lăng (tức lăng Vua Lê Thái Tổ) đã thấy sự đặc biệt. Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng cách điện Lam Kinh 50 m, phía trước có minh đường rộng rãi và bình phong là núi Chúa, phía sau có gối tựa là núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế "hổ phục rồng chầu”. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh xây chèn bằng đá đục ở bên ngoài. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các con giống tạc bằng đá dựng để trấn trạch (bốn đôi con giống đối nhau theo thứ tự hai nghê, hai ngựa, hai tê giác, hai hổ). Bia Vĩnh Lăng được dựng cách lăng 300 m, bằng đá trầm tích biển nguyên khối trên lưng đặt một con rùa lớn. Trong khu Vĩnh Lăng này có một cây ổi khá đặc biệt được đặt tên là "cây ổi cười”. Du khách chỉ cần dùng ngón tay cù nhẹ lên thân cây thì toàn bộ cây ổi sẽ rung lên như có một cơn gió thổi qua. Khi du khách chạm người vào cây và nhắm mắt lại tĩnh tâm sẽ cảm nhận được một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái đến lạ thường.
Đến với khu chính điện Lam Kinh, chúng tôi thực sự bị choáng ngợp bởi vẻ lộng lẫy, nguy nga, tráng lệ và quyền thế. Được biết, đây là công trình mới được tôn tạo khá công phu, dát vàng lá với tổng trị giá gần 40 tỷ đồng; đây cũng là công trình sử dụng trữ lượng gỗ lớn bậc nhất xứ Thanh (hơn 2.000 m3 gỗ lim). Bước qua khu hậu điện, nơi linh thiêng nhất của chính điện Lam Kinh, chạm tay vào chiếc cột cái trơn nhẵn 1 người ôm không xuể, HDV Hoàng Thị Hiền giới thiệu: Chiếc cột này được chế tác từ thân của "cây lim hiến thân”. Chuyện kể rằng: Vào năm 2010, khi dự án phục hồi phỏng dựng chính điện Lam Kinh được phê duyệt, cây lim 600 năm tuổi ở khu di tích Lam Kinh đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá. Trước sự lạ, Ban quản lý khu di tích Lam Kinh đã báo cáo về UBND tỉnh Thanh Hóa để xin chủ trương hạ cây lim. Khi hạ cây nhiều điều đặc biệt được phát hiện. Cụ thể, đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với chân đá tảng cột cái (xấp xỉ 0,8 m), phần ngọn khoảng 0,65 cm, vừa với chân đá tảng cột quân. Những sự trùng hợp về kích thước này được đồn đoán rằng, dường như cây lim sinh ra để thực hiện sứ mệnh của 600 năm sau là phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế. Được phép hạ cây, Ban quản lý khu di tích đã đưa cây lim vào chế tác, công trình hậu điện, nơi các vua ngự khi về bái yết sơn lăng.
Dẫu không đủ thời gian để thăm thú tất cả các công trình nhỏ trong khu di tích, nhưng qua phần giới thiệu khá kỹ lưỡng của HDV, trong phong cảnh có phần hoang sơ, cổ kính chúng tôi có chung cảm nhận như lạc vào không gian truyền thuyết, ngược dòng về quá khứ để tưởng nhớ đến một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử đất nước Việt Nam.
Thúy Hằng
(Hội Nhà báo tỉnh)