(HBĐT) - Những ngày tháng 8, về Mường Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn), chúng ta sẽ cảm nhận được không khí vui vẻ, phấn khởi của bà con nơi đây. Cờ Tổ quốc đỏ rực cả bản Mường, các mế, các mẹ tỉ mỉ lựa chọn gạo nếp thơm ngon, hái lá bương, chuẩn bị lạc, vừng làm món bánh uôi truyền thống thành kính dâng lên bàn thờ tổ tiên.



Bánh uôi là món bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết 19/8 của người Mường Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). 

 Mường Vó gồm 3 xóm: Vó Trên, Vó Giữa và Vó Dò. Các cao niên trong Mường kể lại rằng, trước đây, người dân Mường Vó có tục ăn rằm tháng 7 để tổng kết một mùa vụ, còn gọi là "Rửa lá lúa”. Ăn rằm tháng 7 là phong tục giàu giá trị văn hóa, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân có sức khỏe, nhà nhà ấm no. Tuy nhiên, từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, hòa vào niềm vui của dân tộc, phong tục ăn rằm tháng 7 chuyển thành ăn Tết 19/8 vừa để giảm bớt lễ nạp, ăn uống của người dân, vừa để kỷ niệm ngày cách mạng thành công của đất nước. Việc tổ chức Tết 19/8 thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, thông qua việc tổ chức Tết 19/8 thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trách nhiệm giữ gìn, phát triển một phong tục văn hóa tốt đẹp của địa phương.  

 Chị Bùi Thị Kiển, xóm Vó Trên chia sẻ: Năm ngoái, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp con cháu Mường Vó công tác xa quê không về ăn Tết 19/8 được, nên năm nay bà con Mường Vó chuẩn bị đón Tết 19/8 từ rất sớm. Nhà nào cũng tấp nập chuẩn bị gạo nếp để gói bánh uôi, lựa chọn những con lợn, gà ngon nhất để làm mâm cỗ cũng gia tiên và chiêu đãi các thực khách. Từ thuở nhỏ, chị em phụ nữ chúng tôi đã được các mế, các mẹ truyền dạy cách gói bánh uôi - món bánh truyền thống của người Mường. Bánh uôi ở Mường Vó đặc biệt hơn so với các vùng Mường khác của tỉnh. Muốn làm bánh uôi ngon cần phải lựa chọn được nguyên liệu đạt tiêu chuẩn như: Lá bương phải là những chiếc lá to bánh tẻ, không bị rách về rửa sạch và hong khô nước. Nguyên liệu là gạo nếp nương vo kỹ, xay thành bột thật mịn. Khi đã có nguyên liệu người phụ nữ sẽ nhào, nặn thành từng chiếc bánh nhỏ, rắc vừng, lạc, sau đó khéo léo quấn lại bằng lá bương… Từng cặp bánh uôi gói xong sẽ được xếp khéo léo vào chỗ để đi hấp. Bánh uôi được hấp khoảng một giờ, khi thấy lá bương chuyển sang mầu đậm là bánh đã chín, nghi ngút khói khi khi vớt ra rổ tỏa mùi thơm phức.

  Cùng với món bánh uôi trong mâm cỗ cúng tổ tiên không thể thiếu các món truyền thống như thịt lợn, thịt gà, xôi đồ, rau đồ, cá nướng. Việc thái thịt, sắp mâm cỗ cũng rất quan trọng, cầu kỳ. Ngay từ việc đặt hướng ngọn lá cũng phải đúng cách. Các món ăn được chế biến từ các bộ phận con lợn cũng phải xếp đúng vị trí, như thế mâm cúng mới đầy đủ, trọn vẹn. Sau khi người chủ gia đình thắp nén nhang cúng đất nước, tổ tiên xong là ngày hội ăn Tết 19/8 của người dân Mường Vó bắt đầu. Bên mâm cơm rộn vang tiếng cười nói của các thế hệ, là những câu chuyện về sự đổi thay của quê hương Mường Vó anh hùng, là tấm gương của những người con thành đạt được sinh ra và trưởng thành tại mảnh đất Mường Vó. Tất cả đều phấn khởi, cùng chung niềm vui quê hương đang ngày càng đổi mới.

 Trong ngày Tết 19/8, nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian và các môn thể thao cũng được tổ chức. Những chàng trai, cô gái diện những bộ trang phục lộng lẫy chơi các trò chơi dân gian như ném còn, đánh mảng. Trận thi đấu bóng chuyền thêm gây cấn hơn bởi tiếng hò reo, cổ vũ…

 Ông Bùi Kiên Chung, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Nghĩa khẳng định: Tết 19/8 có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi những thành tựu to lớn mà Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 mang lại. Đó là động lực để bà con xã Nhân Nghĩa nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp.


Thu Thủy



Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục