(HBĐT) - Tại hội thảo khoa học 90 năm nền "Văn hóa Hòa Bình”, Ban tổ chức đã nhận được trên 20 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước, chính quyền địa phương có di tích nền Văn hóa Hòa Bình bằng văn bản và trình bày tại hội thảo. Nội dung tập trung vào 3 chuyên đề: Colani và lịch sử nghiên cứu về "Văn hóa Hòa Bình”; những thành tựu mới trong nghiên cứu về "Văn hóa Hòa Bình” ở Việt Nam và trên thế giới; bảo tồn và phát huy di sản "Văn hóa Hòa Bình”. Báo Hòa Bình trích đăng một số tham luận trình bày tại hội thảo.



Madeleine Colani và nền Văn hóa Hòa Bình



TS. Ngô Thế Long,  Viện Thông tin khoa học xã hội.

Madeleine Colani sinh ngày 13/8/1866 tại Strasbourg (Pháp). Theo lời kêu gọi của Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ, M.Colani đã sang Việt Nam và từ tháng giêng 1899, là giáo viên tại Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) đến năm 1900 về dạy tại Hà Nội. Năm 1929, Louis Finot, Giám đốc Học viện Viễn Đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient, viết tắt là EFEO) nhận thấy những giá trị nghiên cứu tiền sử của bà với sự hợp tác của nhà cổ sinh học và nhà tiền sử nổi tiếng Henry Mansuy (1857-1937) qua việc phát hiện những di chỉ con người tại Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã quyết định nhận bà là thành viên có thời hạn (membre correspondant) và phụ trách dự án (chargée de mission). Nhiều cuộc khảo sát do M. Colani tiến hành tại Hòa Bình, Bắc Trung Bộ, Sa Huỳnh, vịnh Hạ Long và di tích Cánh đồng Chum ở Thượng Lào… đã được bà tổng kết và đăng tải trên tạp chí và xuất bản phẩm của EFEO. M. Colani là đại diện của EFEO tại các hội nghị các nhà tiền sử viễn đông tại Hà Nội (1932), Manila (1935) và Singapor (1938). Hội nghị các nhà tiền sử viễn đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội từ ngày 26 - 31/1/1932, tên gọi Văn hoá Hoà Bình (tiếng Pháp: Hoabinhien, tiếng Anh: Hoabinhian) do M. Colani đề xuất đã được chính thức công nhận. Năm 1937, Bà được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh hạng Chevalier vì những đóng góp trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Bà và em gái (Léonore Colani) là thành viên sáng lập của Viện Nghiên cứu con người Đông Dương (Institut Indochinois pour l’étude de l’homme), một liên kết tri thức giữa ngành khoa học xã hội và nhân văn của các thành viên nghiên cứu Dân tộc học thuộc EFEO và ngành Nhân học và Giải phẫu học của Trường Đại học Y Hà Nội.

Hai mươi năm liên tục tham gia không mệt mỏi các công trình điền dã trong những điều kiện vô cùng gian khổ nơi rừng núi xa xôi, hiểm trở, người phụ nữ Pháp, nhà khoa học Madeleine Colani đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp khoa học nhân văn tại Việt Nam và các nước Đông Dương khác, chỉ chịu ngừng công việc trước cái chết vào ngày 2/6/1943 tại Hà  Nội.


Văn hóa Hòa Bình sau 90 năm xác lập và nghiên cứu: Những nhận thức mới và vấn đề



PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam.

Văn hóa Hòa Bình sớm xuất hiện ở vùng núi đá vôi tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, sau đó phát triển ra xung quanh và trở thành văn hóa tiền sử chung cho Đông Nam Á. Nền văn hóa này đại diện cho cộng đồng cư dân tồn tại trong giai đoạn chuyển tiếp từ Cánh tân sang Toàn tân, từ Đá cũ sang Đá mới, từ xã hội săn bắn hái lượm sang nông nghiệp sơ khai. Di sản văn hóa Hòa Bình được thể hiện rõ trong mối tương thích của con người với môi trường tự nhiên, sự sáng tạo ra mô thức cư trú, chiến lược khai thác lương thực và  định hình thành kỹ thuật, loại hình công cụ đá đặc trưng. Các cộng đồng cư dân này cư trú tập trung cao ở các tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa với nhiều di tích có niên đại sớm và khẳng định là địa bàn gốc, quê hương của Hoabinhian. 

Trong quá trình tồn tại và phát triển, cộng đồng cư dân văn hóa Hòa Bình đã để lại cho nhân loại những giá trị di sản văn hóa nổi bật về sự tương thích của con người trước biến động khắc nghiệt của khí hậu và môi trường tự nhiên. Giá trị ấy được thể hiện sinh động ở mô thức cư trú, chiến lược khai thác thức ăn, hình thái và kỹ thuật chế tác công cụ, đóng góp một cái nhìn về sự biến đổi cấu trúc quá khứ, về thay đổi phong cảnh địa phương, về biến động của quần xã động - thực vật theo thời gian. Sự đa dạng văn hóa và truyền thống cư trú trong hang, các thành tựu kinh tế - văn hóa trong các thung lũng karst nhiệt đới gió mùa, văn hóa Hòa Bình xứng đáng là một thí dụ nổi bật toàn cầu về di sản văn hóa tiền sử Việt Nam, tiền đề tạo dựng một Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng. 

Sau gần 100 năm phát hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu trong tương lai, như vấn đề thuần hóa cây trồng và vật nuôi, vấn đề nguồn gốc, chủ nhân, ngôn ngữ tộc người của văn hóa Hòa Bình. Văn hóa Hòa Bình có hệ thống di tích hang động phong phú, đa dạng vào loại bậc nhất trong tiền sử Đông Nam Á, lại đã trải qua ngót 100 năm nghiên cứu, song cho đến nay vẫn chưa có một một công trình tổng kết về văn hóa này, cũng như chưa có một bảo tàng chuyên về văn hóa Hòa Bình hoặc nhà bào tồn tại chỗ, cũng chưa đưa vào khai thác du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hòa Bình. Đây cũng là những nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta trong thập niên tới, tiến đến kỷ niệm 100 năm văn hóa Hòa Bình.


Vinh dự là địa phương được bảo tồn 2 di sản tiêu biểu của "Văn hóa Hòa Bình”



Ông Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn.

Theo kiểm kê di tích và danh lam, trên địa bàn huyện có 198 điểm di tích và danh lam, hiện UBND tỉnh đã ra quyết định khoanh vùng bảo vệ 78 di tích, danh lam thắng cảnh. Hiện nay, huyện có 13 di tích, danh lam cấp tỉnh, 3 di tích cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích khảo cổ học Mái đá làng Vành và hang xóm Trại, xã Tân Lập. 

Mái đá làng Vành đã được bà Madeleine Colani (người Pháp) phát hiện và khai quật nghiên cứu từ năm 1929. Cho dù nội dung cuộc khai quật mới chỉ trình bày rất vắn tắt trong EFEO năm 1929 nhưng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Hang xóm Trại được phát hiện năm 1975 và được khai quật nghiên cứu trong nhiều năm. Cả hai địa điểm đều đã được tính tuổi rất tỉ mỉ và hệ thống, xác định niên đại sớm sớm nhất là trên 20 ngàn năm cách ngày nay.

Trải qua 9 lần được khai quật, các nhà khảo cổ học, nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao về giá trị của di tích. Năm 2022, huyện Lạc Sơn phối hợp với đoàn công tác của các nhà khoa học, khảo cổ học phát hiện và xác nhận nhiều phần của trầm tích văn hóa Hòa Bình còn nguyên vẹn ở xóm Trại và làng Vành. Chúng tôi tự hào khi được quản lý một vùng di sản cổ rất có giá trị. Trong thời gian tới, huyện mong muốn được sự quan tâm của các cấp, ngành, cả cộng đồng xã hội. Tiến tới được nâng cấp xếp hạng thành di tích quốc gia đặc biệt cho hang xóm Trại và Mái đá làng Vành để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, là địa chỉ đỏ cho khách thăm quan, nghiên cứu, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.


Khẳng định giá trị nền văn hóa Hòa Bình


 
Nhà sử học Dương Trung Quốc,Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay.

Đến với Hội thảo 90 năm xác lập và nghiên cứu nền Văn hóa hòa Bình ở tỉnh Hòa Bình lần này, đối với tôi là nhà khảo cổ học vô cùng xúc động. Gần 50 năm qua nghiên cứu văn hóa Hòa Bình, lần đầu tiên tôi được chứng kiến, được sự vinh danh nhà khoa học Madelene Colani ngay trên đất Hòa Bình. Đặc biệt, đây có 1 tuyến đường được mang tên Madelene Colani và tuyến đường này nằm ngay cạnh Quảng trường Hòa Bình và đối diện Hội LHPN tỉnh. Đây là sự vinh danh không chỉ riêng đối với Madelene Colani mà đối với cả giới khảo cổ học ở Việt Nam. 

Đối với Văn hóa Hòa Bình hiện nay chuẩn bị bước vào một thế kỷ 100 năm và chúng ta có nhiều việc phải làm, mà việc quan trọng nhất đối với văn hóa Hòa Bình là phải điều tra tổng thể tất cả các địa điểm có trên đất Hòa Bình. Thứ hai là phải xây dựng được một bảo tàng chuyên về văn hóa Hòa Bình mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Việc thứ ba là xây dựng các bảo tàng tại chỗ các hang động để từ đó ta phát huy di tích ở đây lên là điểm tham quan học tập, nghiên cứu cả thế hệ sau này về văn hóa Hòa Bình và nên có một công trình tổng quát ở đây.

Để làm việc đó, trước mắt chúng ta cần nghiên cứu và xây dựng hồ sơ cấp quốc gia đặc biệt cho một số di tích và đồng thời tiến tới làm hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho văn hóa Hòa Bình để xứng đáng với những đóng góp của nền văn hóa này đối với nhân dân tỉnh Hòa Bình nói riêng và Việt Nam cũng như thế giới nói chung.


Hang Phia Vài, một di tích Hòa Bình tiêu biểu ở miền núi Đông Bắc Việt Nam 


                                           
PGS.TS Trình Năng Chung, Hội Khảo cổ học Việt Nam.

Di tích hang Phia Vài nằm trên sườn núi đá vôi thuộc xã Xuân Tân, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Do được thành tạo trong sơn khối đá vôi nguồn gốc trầm tích phân phiến thành từng lớp, xen kẽ với các mạch đá cát kết, sét kết hay các khoáng vật khác, vì  vậy trần hang Phia Vài đã bị lở sập do một chấn động địa chất nào đó mà hiện trạng bề mặt hang có những khối đá vôi lớn nằm chồng chất. Hang có diện tích khoảng 400m2, bề mặt hang cao hơn chân núi 15m. Nhìn chung, đây là môi trường sinh thái đa tạp, thích hợp cho việc săn bắt hái lượm của người tiền sử. Di chỉ này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2003 và sau đó được Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật vào tháng 5 năm 2005.

Qua các diễn biến địa tầng ở hang Phia Vài cho thấy không có sự cư trú kế thừa giữa văn hóa Đá cũ và Đá mới. Di tích Phia Vài có 1 tầng văn hóa thuần nhất, trực tiếp nằm trên đá nền của hang. Nhìn chung, tầng văn hoá của di chỉ Phia Vài dày từ 0,5m đến 0,6m, nằm dưới lớp đất mặt khoảng từ 0,10-0,20m, đôi chỗ tầng văn hóa xuất lộ gần bề mặt hang do hoạt động của con người thời hiện tại. Tầng văn hoá cấu tạo không thuần nhất, ở gần vách hang phía bắc chủ yếu là sét vôi kết vón, chứa nhiều dăm đá vôi, vỏ ốc vụn, di cốt động vật bán hoá thạch, ít công cụ đá. Đây có lẽ là lớp cư trú sớm nhất của cư dân tiền sử tại di chỉ này.

Tầng văn hoá phía gần ngoài cửa hang khu bắc cấu tạo bởi sét vôi lẫn ít dăm đá vôi kết cấu không rắn chắc, chứa nhiều vỏ ốc núi, một số di cốt động vật chưa hoá thạch cùng nhiều công cụ đá, xương. Tầng văn hoá ở phía nam có cùng tính chất với tầng văn hoá này. Đây có lẽ là di tồn văn hoá của lớp cư trú giai đoạn muộn tại hang Phia Vài...

Hang Phia Vài là một di tích thuộc hệ thống văn hóa Hòa Bình ở vùng núi Đông Bắc. Với những tư liệu phong phú về đặc điểm di tích, di vật, đặc biệt là tư liệu mộ táng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tìm hiểu nhiều mặt về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân cổ thuộc giai đoạn sơ kỳ Đá mới Việt Nam. 

Với nhiều giá trị khoa học quan trọng, Phia Vài được đánh giá là di tích Hòa Bình tiêu biểu ở miền núi Đông Bắc nước ta. Di tích hang Phia Vài đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam vinh danh là Di sản khảo cổ học cấp quốc gia của Việt Nam vào tháng 10/2009.



Khai quật, nghiên cứu di tích hang Chổ sau M.Conani



Ông Nguyễn Gia Đối, Viện Khảo cổ học.

Hang Chổ (Chổ - tiếng Mường có nghĩa là ốc suối) thuộc xóm Hội, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Đây chính là hang Lam Gan mà Colani phát hiện và khai quật vào tháng 12 năm 1926. Theo những ghi chép của Colani để lại cuộc khai quật của bà đã thu được 1143 di vật các loại. Hiện chỉ còn 59 di vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Năm 1998, Viện Khảo cổ học tiến hành đào thám sát lại hang này (Nguyễn Khắc Sử và nnk 1998) và năm 2003, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Đại học Quốc gia Seoul đã khảo sát địa tầng và tiến hành thu thập mẫu để xác định niên đại AMS. Năm 2004, thực hiện chương trình nghiên cứu của Viện Khảo cổ học, đoàn khai quật có sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đã hoạch định mở 4 hố khai quật tại những khu vực khác nhau của Hang này. Năm 2006, cuộc khai quật hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Seoul tiếp tục đào sâu và mở rộng diện tích tại hang chính để nghiên cứu địa tầng và xác định niên đại (Seonbok et al. 2004).

Dựa trên sưu tập đồ đá mới thu thập và tài liệu của Colani còn để lại chúng tôi thấy đặc trưng đồ đá Hang Chổ mang tính chất khá điển hình của văn hoá Hoà Bình. Những loại hình công cụ tiêu biểu ở đây là dạng hình bầu dục, hạnh nhân, hình chữ nhật và rìu ngắn. Công cụ được làm từ hòn cuội nguyên và cả từ mảnh tước với kỹ thuật bổ cuội. Đó là những dấu ấn đậm nét của một nền tảng Hoà Bình mặc dù ở đây còn có mặt với số lượng đáng kể những loại hình công cụ thuộc nhóm truyền thống chopper-chopping tool.

Với một số lượng công cụ lớn, tầng văn hoá dày có thể coi Hang Chổ như một tụ điểm cư trú lớn của cư dân văn hoá Hoà Bình. Giống với một số di chỉ hang động khác thuộc huyện Lương Sơn và những vùng lân cận thuộc vùng thấp, thung lũng rộng gần tiếp cận với đồng bằng, Hang Chổ có những nét đặc trưng điển hình của một di chỉ văn hóa Hoà Bình có thời gian cư trú ổn định và lâu dài. Tuy nhiên điểm cần ghi nhận ở đây là sự phổ biến của công cụ ghè hai mặt (biface) định hướng sử dụng chức năng rìu chặt khá rõ ràng. Rìu mài lưỡi cũng đã được phát hiện ở đây trong sưu tập của Colani. Các yếu tố này theo chúng tôi, là biểu hiện một quá trình chuyển hoá từ Hoà Bình sớm sang Hoà Bình phát triển. 

Với những giá trị hiện hữu, Hang Chổ cần được tiếp tục đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị, phát triển thành điểm phục vụ nghiên cứu, thăm quan du lịch lịch sử - văn hóa của tỉnh Hòa Bình.



Hương Lan - Đỗ Hà (Tổng hợp)







Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục