(HBĐT) - Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng về văn hoá, tín ngưỡng, ngôn ngữ, chữ viết, dân ca, dân vũ… Với người Mường cũng vậy, cùng với chiêng Mường thì các làn điệu dân ca có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con.
Các làn điệu dân ca rất phong phú và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mường. Trong ảnh: Chương trình nghệ thuật chào xuân Quý Mão 2023 tại Cung Văn hóa tỉnh.
Người Mường dùng làn điệu dân ca để lưu giữ lại những phong tục tập quán, thói quen trong cuộc sống hàng ngày để bày tỏ những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống... Dân ca của người Mường tuy giản dị nhưng trong nó có sức sống mãnh liệt. Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Thảo, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) chia sẻ: Dân ca Mường phong phú về giai điệu, hàm súc về nội dung. Với mỗi người con dân tộc Mường, từ khi còn nhỏ đã được đắm chìm trong những câu hát ru của bà, của mẹ, lời hát ru nhẹ nhàng, bay bổng "Ú ú lá hay/táy tí ún ơi/táy tí ún à/táy ti tí qua cấy con pai/táy ti tí qua hái con khoảng/táy tí tí mang hang đang cho ún iếng…” và cũng chính những lời ru, bài dân ca ấy đã ăn sâu, ngấm vào tâm hồn mỗi người con xứ Mường.
Các làn điệu dân ca của người Mường rất phong phú như: hát sắc bùa, rằng thường, bộ mẹng, ví đúm, hát mỡi, hát ru, đồng dao... Họ hát thường rang khi đi làm trên nương rẫy, hát ru bên nôi, sắc bùa trong lễ hội đầu xuân hay họ bộ mẹng bên những vò rượu cần và cả những lúc tỏ tình nam nữ...
Họ hát là để chia sẻ cho nhau những lúc buồn vui, nỗi niềm trong cuộc sống. Hát để ca ngợi sản xuất, để mong cuộc sống tốt đẹp hơn. Dân ca Mường, ngoài các bài hát có sẵn được lưu truyền trong dân gian còn lại đa phần hát phải ứng tác, ứng khẩu, sáng tạo lời hát, hát tức khắc một cách nhuần nhuyễn sao cho khớp với lối giai điệu, nhịp điệu có sẵn để đối đáp ngay tại chỗ. Do đó, đòi hỏi người hát phải có vốn sống, am hiểu sâu rộng về các vấn đề của văn hóa, đời sống mới có thể diễn xướng nhuần nhuyễn và truyền cảm đến người nghe.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Thảo, với mỗi làn điệu dân ca đều có những nét riêng, trong đó hát sắc bùa hay còn gọi là xéc bùa là một hình thức hát dân ca ra đời từ rất xa xưa mà chứng tích được nhắc đến trong sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”. Sắc bùa có nghĩa là xách cồng chiêng đi hát của các phường bùa. Hát sắc bùa là loại hình dân ca được sử dụng trong các dịp lễ, tết, hội hè hay cưới hỏi. Ý nghĩa của hình thức này là chúc năm mới vui vẻ, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu... Còn hát bộ mẹng (kể chuyện) là loại dân ca tự bộc bạch tâm tình trong các dịp lễ, hội của đồng bào Mường. Hát bộ mẹng không chỉ để ca ngợi cuộc sống yên bình, no đủ và yên ấm mà nhiều khi còn là những khúc tâm tình hay lúc giao duyên nam nữ. Trong những câu hát thường thiên về tình yêu đôi lứa, là những câu hát thăm dò ý tứ. Bên bếp lửa hay dưới ánh trăng đêm rằm, các chàng trai, cô gái trao duyên qua từng câu hát, tâm tình được gửi trọn qua những lời hát thật giản dị và trong sáng.
Hát rằng thường hay thường rang là hình thức hát dân ca trong các dịp vui ngày mùa, mừng đám cưới hay mừng nhà mới... Đây là lối hát dân dã, lối kể chuyện ca ngợi cuộc sống lao động, phong tập tục quán, tín ngưỡng tốt đẹp của người lao động, thể hiện mong muốn về cuộc sống sung túc. Loại hát này có thể hát cá nhân hay tập thể hoặc đối đáp nam nữ nhưng chủ yếu là hát đối đáp nam nữ. Bên nam và bên nữ hát thành chặng dài, có mở đầu, có kết thúc và hình thức hát dân ca này đã có từ rất lâu đời.
Nhìn chung, dân ca Mường bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày, giản dị, mộc mạc mà chân thành. Người ta hát lên nỗi lòng của mình vì thế đem đến sự cảm động cho người nghe. Những người con đất Mường chắc cũng đôi lần được nghe những làn điệu dân ca ngọt ngào của dân tộc mình và chắc hẳn cũng không ít người đã lớn lên từ những lời ru ngọt ngào đó của bà, của mẹ. Và rồi với nét độc đáo, những giá trị của dân ca Mường luôn được giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Mường.
Đỗ Hà