Nhà văn hóa tổ 9, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) được đầu tư khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong tổ.
Quyết tâm đầu tư nhà văn hóa xóm, tổ
Theo kết quả khảo sát thực trạng NVH xóm, tổ trên địa bàn thành phố sau sáp nhập, toàn thành phố có 195 NVH phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho 208 xóm, tổ (trong đó có 8 NVH liên 2 tổ, 2 NVH liên 3 tổ), đạt tỷ lệ 97% xóm, tổ có NVH. Cụ thể: 6 xóm, tổ chưa có NVH; 56 NVH dôi dư sau sáp nhập; 146 NVH không đảm bảo chỗ ngồi sinh hoạt cộng đồng; 46 NVH có tổng diện tích đất chưa đảm bảo định mức quy định là 200 m2 (chủ yếu tập trung tại các phường: Phương Lâm, Đồng Tiến, Hữu Nghị, Tân Hòa, Thái Bình). Như vậy, có 149 NVH có tổng diện tích đất đảm bảo định mức quy định; 55 NVH cơ bản đảm bảo đủ chỗ ngồi sinh hoạt cộng đồng.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tại TP Hòa Bình đã quan tâm chỉ đạo việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống NVH trên địa bàn. Bởi đây là thiết chế văn hóa cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đời sống mới và góp phần tích cực phát triển KT-XH. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện (trước đó là sắp xếp lại, đặt tên, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố), diện mạo và sự phát triển của thành phố sau sáp nhập đã đặt ra nhiều thách thức mới. Điển hình như: Số lượng NVH dôi dư; số lượng NVH không đảm bảo diện tích phục vụ sinh hoạt cộng đồng do số hộ dân tăng (mỗi xóm, tổ có khoảng 150 - 300 hộ dân); diện tích NVH không đáp ứng đủ nhu cầu chỗ ngồi phục vụ sinh hoạt cộng đồng (phần lớn các NVH đã xây dựng có diện tích từ 60 - 120 m2, đáp ứng đủ từ 80 - 150 chỗ ngồi); không ít tổ dân phố khu vực các phường trung tâm rất khó khăn trong việc tạo quỹ đất xây dựng NVH; nhiều NVH đã xuống cấp…
Những thách thức đó đã được đề cập tại Nghị quyết số 59/2019/NQ-HĐND, ngày 13/5/2019 của HĐND TP Hòa Bình về việc thực hiện hỗ trợ kinh phí, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng NVH xóm, tổ dân phố trên địa bàn TP Hòa Bình đến năm 2025. Thực hiện Nghị quyết từ năm 2019 đến nay, TP Hòa Bình đã triển khai xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng được 16 NVH xóm, tổ với tổng kinh phí khoảng 3.172 triệu đồng (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 860 triệu đồng, nguồn xã hội hóa và nhân dân đóng góp trên 2.312 triệu đồng).
Theo đánh giá của UBND thành phố: Chủ trương xây dựng đồng bộ NVH xóm, tổ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, nhận được sự hưởng ứng của các tổ chức, hội, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân. NVH đi vào hoạt động đã phát huy vai trò, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần đắc lực giúp các khu dân cư thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng thời góp phần nâng cao dân trí, phát triển KT-XH.
Chính vì vai trò quan trọng của NVH nên TP Hòa Bình đã có thêm quyết tâm chính trị để hành động mạnh mẽ hơn. Theo đó, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-HĐND, ngày 18/12/2021 về việc thông qua Đề án Sắp xếp, chuyển đổi, bố trí đất xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng NVH xóm, tổ dân phố trên địa bàn TP Hòa Bình đến năm 2025. Theo đó, xác định mục tiêu đến năm 2025 có 100% xóm, tổ có NVH; 100% NVH đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng.
Tạo thêm đột phá trong đầu tư xây dựng nhà văn hóa
Đồng chí Nguyễn Thái Hòa, Trưởng phòng VH&TT TP Hòa Bình trao đổi: Đề án được thông qua đã tạo thêm đột phá trong đầu tư xây dựng NVH cho các xóm, tổ dân phố. Ngay sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 49/NQ-HĐND, UBND thành phố đã ban hành các quyết định liên quan, trong đó có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án. Là cơ quan tham mưu tổ chức thực hiện Đề án, Phòng VH&TT TP Hòa Bình nhận thấy có thuận lợi lớn ngay từ thời gian đầu tổ chức thực hiện. Đó là sự sát sao chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các NVH đã được đầu tư xây dựng bằng kinh phí hỗ trợ của ngân sách thành phố và huy động sự đóng góp của nhân dân. Đặc biệt, nhiều NVH đã được các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ bằng tiền mặt, vật chất, trang thiết bị...
Theo nội dung Đề án, nguồn vốn để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng NVH được lấy từ ngân sách hỗ trợ của thành phố, huy động đóng góp của nhân dân (bằng tiền, ngày công, vật liệu xây dựng...), từ nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, mức hỗ trợ của ngân sách đối với NVH đơn tổ là 70% tổng dự toán công trình; hỗ trợ NVH liên tổ là 50%; hỗ trợ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp là 50 triệu đồng/NVH. Dự trù từ năm 2022 - 2025, thành phố sẽ bố trí tổng kinh phí khoảng 64,336 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng NVH xóm, tổ dân phố trên địa bàn.
Được biết, thực hiện Đề án trong năm 2022, đã có 65 NVH/18 phường, xã đăng ký xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa. UBND thành phố quyết định phê duyệt hỗ trợ kinh phí xây dựng mới cho 7 NVH; kinh phí sửa chữa, nâng cấp cho 1 NVH khoảng 3,57 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của TP Hòa Bình và 400 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ. Ngoài ra, có 5 NVH đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt hỗ trợ kinh phí; 23 NVH đề nghị chuyển nguồn thực hiện sang năm 2023; 9 NVH đề nghị chuyển nguồn thực hiện sang năm 2024; 3 NVH đề nghị chuyển nguồn thực hiện sang năm 2025.
"Quá trình thực hiện cho thấy đây là chủ trương đáp ứng nguyện vọng về tổ chức sinh hoạt cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tác động tích cực đến phát triển KT-XH ở cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn chưa được tháo gỡ, đòi hỏi thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt để thực hiện hiệu quả” - Đồng chí Trưởng phòng VH&TT TP Hòa Bình khẳng định.
Thu Trang
Được tổ chức khai mạc đúng vào dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2023) Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng năm nay sẽ chào đón dấu mốc tuổi lên 10 đáng nhớ bằng một chương trình nghệ thuật rực rỡ, lung linh sắc màu trẻ trung, hiện đại mang tựa đề "Hải Phòng - Tỏa sáng miền cửa biển”.