(HBĐT) - Trong những ngày tháng 5, hòa chung sự kiện kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2023) và Lệ hội Hoa phượng đỏ, người dân TP Hải Phòng có dịp được tham quan, tìm hiểu về Di sản văn hoá (DSVH) tiêu biểu dân tộc Mường và trải nghiệm văn hoá nghệ thuật dân gian, ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình.
Trong không gian trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng, các tài liệu, hiện vật về DSVH tiêu biểu dân tộc Mường được sắp xếp, trưng bày khoa học. Ngay khi bước vào, người dân và du khách được tham quan, tìm hiểu về 4 DSVH phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Mường đã được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghệ thuật Chiêng Mường; Mo Mường; Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre) và Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường; sưu tập gốm cổ trong mộ Mường; sưu tập trống đồng và cổ vật đồ đồng; nghề thủ công truyền thống dân tộc Mường.
Tại gian trưng bày bên trong giới thiệu 7 loại hình DSVH phi vật thể của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, gồm: tiếng nói - chữ viết; văn học dân gian; tập quán xã hội; tri thức dân gian; lễ hội truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian. Ngoài ra, trong 2 ngày (10 - 11/5) còn diễn ra các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian, ẩm thực truyền thống. Du khách được hoà mình vào không gian lễ hội với những bản hoà tấu trống chiêng, những câu hát, điệu múa suối nguồn, những món ăn đặc trưng mang hương vị của núi rừng như: cơm lam, cỗ lá, rượu cần…
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Ở đây có nhiều hiện vật quý giá, mang tính độc đáo của văn hoá người Mường, trong đó chiêng Mường là loại hình văn hoá độc đáo, chứa đựng nhiều nét linh thiêng, huyền diệu đầy sức hấp dẫn trong văn hoá dân gian, đời sống của người Mường. Đặc biệt còn có lịch Mường (lịch đoi, lịch tre), duy nhất trong 54 dân tộc Việt Nam người Mường có lịch riêng. Đây là loại lịch pháp hội tụ tri thức dân gian độc đáo của người Mường. Xác lập ra cách tính lịch, người Mường đã có phương tiện để khám phá ra những quy luật tự nhiên, cũng như công cụ để hoạch địch mùa vụ canh tác nông nghiệp của riêng mình.
Ông Nguyễn Bá Thanh Long, Phó Chủ tịch TT Hội cổ vật Hải Phòng cho biết: Những hiện vật mà Bảo tàng Hòa Bình đưa đến trưng bày tại Hải Phòng là những hiện vật tiêu biểu, nói lên di sản đặc thù, cốt lõi của một nền văn hóa dân tộc. Đây là sự kiện đặc biệt đầu tiên có sự phối hợp giữa 2 Sở VH-TT&DL, 2 Bảo tàng. Qua đó ngoài giúp người dân hiểu sâu thêm về sắc thái văn hóa các địa phương, rộng hơn nữa còn là sự kiện gắn kết thắm thiết giữa Hòa Bình và Hải Phòng trong giao lưu văn hóa.
Trong DSVH các dân tộc Việt Nam, DSVH dân tộc Mường có dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ nét trong kiến trúc nhà sàn, trang phục, văn hóa ẩm thực, trong các di tích lịch sử văn hóa, cổ vật và ở các lĩnh vực khác như: phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn… Người Mường ở Hòa Bình luôn tự hào là cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng cách ngày nay trên hai vạn năm; là nơi bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng, hơn 5.000 chiếc chiêng quý giá; nơi sản sinh ra sử thi Đẻ đất - đẻ nước; nơi diễn ra các lễ hội rộn rã tiếng chiêng, tưng bừng trong các lời ca, điệu múa; nơi ấm tình người trong các thuần phong mỹ tục vẫn còn đậm nét văn hóa của người Việt cổ.
Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Các DSVH tỉnh Hòa Bình rất phong phú, đa dạng, là nguồn lực phát triển KT-XH của tỉnh trong công cuộc đổi mới và hội nhập. Trong đó, nhiều DSVH đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực, bền vững... Đợt trưng bày tại TP Hải Phòng, Bảo tàng Hoà Bình mang đến hơn 250 tài liệu, hiện vật gốc, ảnh tư liệu giới thiệu về 4 DSVH phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể Quốc gia và 7 loại hình DSVH phi vật thể. Qua đó nhằm giới thiệu đến đông đảo cán bộ, nhân dân Hải Phòng và du khách về nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình, góp phần tôn vinh và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; khẳng định văn hoá dân tộc Mường không chỉ có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống mà nay vẫn tiếp tục được bảo tồn, phát triển trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết: Đợt trưng bày chuyên đề "DSVH tiêu biểu dân tộc Mường Hoà Bình” là cơ hội để quảng bá, lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây không chỉ là sự kết hợp và giao lưu văn hoá giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn góp phần tạo không khí sôi động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, du khách và như một khẳng định Hải Phòng luôn khát vọng vươn xa "Tỏa sáng miền cửa biển". Đây cũng là hoạt động thiết thực giúp các thế hệ sau thấu hiểu những giá trị nhân văn, nếp sống, cách nghĩ, tâm hồn, phong tục tập quán và truyền thống của dân tộc Mường nói riêng và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Đỗ Hà