(HBĐT) - Đã thành thông lệ, vào trung tuần tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân xã Lỗ Sơn nói riêng và huyện Tân Lạc nói chung lại hào hứng tham gia lễ hội đánh cá suối truyền thống. Trong 2 ngày 27 - 28/4 vừa qua, tại sân vận động xóm Tân Lập đã diễn ra lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn năm 2023. Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người đã có mặt tại địa điểm tổ chức lễ hội. Thanh niên khỏe mạnh tập trung thả bè mảng xuống suối đợi đến thời điểm thi đấu chính thức. Đội thi của các xóm kiểm tra lại lưới đánh cá. Chị em thì tất bật chuẩn bị những gian hàng, ẩm thực địa phương… tạo nên không khí lễ hội sôi động, rộn ràng.

Sôi nổi phần thi quăng chài tại lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) năm 2023.

Ông Bùi Văn Ngân, xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc) chia sẻ: "Thông qua công tác tuyên truyền, tôi biết được xã Lỗ Sơn tổ chức lễ hội đánh cá suối truyền thống. Nhiều ngày trước đó, tôi và gia đình háo hức mong chờ ngày khai hội để được tham dự phần lễ và hòa mình vào không khí sôi nổi của phần hội. Mặc dù phải đi hơn 10 km nhưng trong gia đình ai cũng vui mừng, thích thú. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng quan trọng của địa phương, thu hút rất đông du khách gần xa đến và trải nghiệm”.

Lễ hội đánh cá suối truyền thống hay còn gọi là lễ xuống đồng làm cỏ lúa. Đây là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ và là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường TLó Lỗ Sơn. Sau khi cày bừa và cấy xong vụ mùa, lúc cây lúa đã cứng cáp, người dân trong vùng tổ chức đánh cá tập thể ở khoang Bo, khoang Lở đầu tiên rồi đến khoang TLó, khoang Ích. Những con cá to nhất sẽ được dân làng dâng lên cúng thờ Thành hoàng tại miếu thờ để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn.

Theo truyền thuyết, từ thuở xa xưa, khi mới đẻ đất - đẻ nước, chưa thành xóm, thành Mường, trong vùng có gia đình gồm vợ chồng và một người con là ông Hun, Khang bà Ưới Tlục, chàng Hin có tài khai phá đất hoang, đắp đập đào mương, mở mang bản Mường, dạy con dân cách trồng lúa nước, đánh cá (tương truyền ông/bà là người dạy cho con dân Mường biết cách làm guồng xoay nước để lấy nước từ dưới suối lên các cánh đồng). Để ghi nhớ công ơn, dân trong vùng tôn ba vị này làm Thành hoàng và lập miếu thời cúng.

Mở đầu lễ hội, thầy mo thay mặt dân toàn Mường làm lễ khấn ca ngợi công lao của các vị Thành hoàng, cầu cho năm mới người dân được mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, bội thu. Ngay sau phần lễ, phần hội với những hoạt động đa dạng, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường như: hòa tấu chiêng Mường, thi hát đối, thi chèo bè mảng, thi quăng chài, thi đánh bắt cá và trưng bày, giới thiệu các gian hàng, ẩm thực của người Mường... Một trong số những hoạt động hấp dẫn trong khuôn khổ lễ hội không thể không nhắc đến phần thi chèo bè mảng. Ngay khi trọng tài phát cờ lệnh, các tay chèo dồn sức điều khiển chiếc bè của đội mình di chuyển nhanh nhất và đi đúng hướng. Người dân ở hai bên bờ suối không ngừng reo hò, cổ vũ, động viên tinh thần các đội thi. Bên cạnh đó, phần thi quăng chài cũng sôi nổi không kém. Quăng chài thoạt nhìn có vẻ dễ thế nhưng lại khá khó, đòi hỏi người quăng chài phải có sức khỏe, bơi tốt. Mỗi khi bắt được cá to, mọi người đều trầm trồ bởi sự khéo léo, dày dặn kinh nghiệm của những đội thi…

Đồng chí Đinh Thị Mạnh, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết: "Để lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn năm 2023 diễn ra đảm bảo an toàn, ý nghĩa, UBND xã đã thành lập Ban Tổ chức và các tiểu ban để phân công nhiệm vụ cụ thể; công tác tổ chức được thực hiện kỹ lưỡng, bài bản. Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn so với những năm trước. Thông qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến người dân cần trân trọng, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên. Động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Lỗ Sơn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025”. 


Ngọc Ngân

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình: Tạo đột phá trong đầu tư xây dựng nhà văn hóa xóm, tổ dân phố

(HBĐT) - Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, TP Hòa Bình có 56 nhà văn hóa (NVH) dôi dư; 140 NVH không đảm bảo chỗ ngồi sinh hoạt cộng đồng; 46 NVH có tổng diện tích dưới 200 m2, chưa đảm bảo định mức quy định… Tuy số lượng NVH đạt 195/208 xóm, tổ dân phố, tương đương 97% xóm, tổ dân phố có NVH nhưng thực tế đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền phải quyết liệt hành động, hướng tới mục tiêu hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn.

Đảm bảo điều kiện sớm đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) vào vận hành thí điểm

Tại cuộc họp liên quan đến các vấn đề đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) vào vận hành thí điểm, tổ chức ngày 4/5, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương có liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, đảm bảo các điều kiện đưa Khu cảnh quan này vào vận hành thí điểm, dự kiến vào tháng 10/2023.

Huyện Tân Lạc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Tân Lạc có 85% dân số dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Kinh và các dân tộc khác cùng sinh sống. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung, dân tộc Mường nói riêng luôn được cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở quan tâm, góp phần nâng tầm giá trị bản sắc văn hóa Mường Bi trong cuộc sống hôm nay.

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

(HBĐT) - Không chỉ là nét đẹp văn hóa, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông… trên địa bàn tỉnh đã tạo ra giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Ngoài việc giữ và nâng cao tay nghề của người thợ, cần có hỗ trợ về đào tạo, nâng cao chất lượng mẫu mã, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để các sản phẩm vươn đến được thị trường lớn trong và ngoài tỉnh, tìm chỗ đứng vững chắc cho nghề dệt thổ cẩm.

Ngọt ngào dân ca Mường

(HBĐT) - Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng về văn hoá, tín ngưỡng, ngôn ngữ, chữ viết, dân ca, dân vũ… Với người Mường cũng vậy, cùng với chiêng Mường thì các làn điệu dân ca có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục