Từ ngày 10/9 đến 1/10, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) giới thiệu tới công chúng yêu hội họa những tác phẩm mới của hoạ sĩ Ando Saeko trong triển lãm sơn mài mang tên "Trăng”.


Nữ hoạ sĩ Ando Saeko (ngoài cùng, áo trắng) giao lưu với khán giả tại triển lãm

Sinh sống và hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam đã gần 3 thập kỷ, Ando Saeko là cái tên không xa lạ trong giới hoạ sĩ, nghệ nhân trong lĩnh vực sơn mài. Đến Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1995, người phụ nữ Nhật Bản có cơ duyên tiếp cận và đã dành trọn vẹn niềm đam mê cho nghệ thuật sơn mài của Việt Nam.

Dưới sự hướng dẫn của các hoạ sĩ đã thành danh với sơn mài như Trịnh Tuân, Doãn Chí Trung và nghệ nhân sơn mài Lâm Chính Hữu, Ando Saeko trở thành hoạ sĩ sơn mài đương đại có khả năng kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ thuật sơn mài Việt Nam truyền thống với nhiều phương pháp thử nghiệm độc đáo. Phong cách của nữ hoạ sĩ cũng mang dấu ấn cá nhân đặc biệt khi kết hợp nhiều yếu tố trong triết lý, thẩm mỹ của người Nhật với đời sống văn hoá, tinh thần của người Việt.

Tại buổi khai mạc triển lãm "Trăng”, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam Doi Katsuma chia sẻ: "Triển lãm là một hoạt động văn hóa quan trọng trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023). Qua những tác phẩm của bà Ando Saeko, chúng tôi mong muốn thể hiện sự gắn kết sâu sắc, lâu dài giữa hai quốc gia. Tác giả sử dụng phương pháp sơn mài truyền thống của Việt Nam để đưa vào đó thẩm mỹ của người Nhật, tạo ra ra những tác phẩm độc đáo”.

Các tác phẩm trong triển lãm hầu hết mới được sáng tác, hoàn thiện trong năm 2023, đa dạng kích thước và tạo hình song đều theo chủ đề là mặt trăng, một hình tượng quen thuộc từ xưa đến nay trong thi ca, nghệ thuật của cả Việt Nam và Nhật Bản.

Các bức sơn mài mô tả mặt trăng theo giai đoạn, theo mùa, theo thời tiết, thời gian trong ngày… với nhiều sắc thái, màu sắc, phối hợp các chất liệu khác nhau.

Mỗi tác phẩm được nữ hoạ sĩ Ando Saeko lựa chọn trưng bày tương ứng với một bài waka (hòa ca) – thể loại thơ cổ của Nhật Bản với 31 âm tiết mỗi bài, thường miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên và gửi gắm tâm trạng con người.

Có mặt tại triển lãm để giao lưu với khán giả, nữ hoạ sĩ Ando Saeko nhắc đến những kỷ niệm đã khiến tình yêu của chị cho sơn ta Việt Nam ngày càng sâu đậm.

Chị nói: "Khi đến với hội họa, tôi từng thử rất nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, màu nước… nhưng đều cảm thấy chưa thoải mái và phù hợp với mình. Dù đã biết đến nghệ thuật sơn mài Nhật Bản từ trước, nhưng khi tới Việt Nam, tôi phát hiện ra nghệ thuật sơn mài không phải chỉ có ở nước mình nên đã tò mò tìm hiểu. Trong quá trình đó, tôi gặp được những người thầy tài giỏi ở Việt Nam, học hỏi họ rồi bắt đầu sử dụng chất liệu sơn ta để vẽ và cảm thấy thật hạnh phúc. Tôi đã có cơ hội đi nhiều quốc gia, nhưng chỉ có Việt Nam khiến tôi muốn ở lại”.

Nói về triển lãm "Trăng”, Ando Saeko cho biết thêm hiện nay chị đang sống và làm việc ở thành phố Hội An (Quảng Nam). Những lần ngắm trăng giữa cánh đồng lúa thơm, ánh trăng trên đại dương, trăng rừng… đã cho chị nhiều xúc cảm mạnh mẽ. Ando Saeko sáng tác loạt tranh sơn mài về trăng và chọn riêng từng bài thơ cổ Nhật Bản cho mỗi bức tranh, để người xem có thêm những cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên, về cuộc sống.

Saeko Ando sinh năm 1968 tại Nhật Bản, là người nước ngoài đầu tiên được Hội Mỹ thuật Hà Nội kết nạp hội viên. Bên cạnh sáng tác, Saeko Ando còn được biết đến với vai trò là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sơn mài tự nhiên và tích cực chia sẻ những khám phá của mình thông qua các bài giảng, hội nghị, hội thảo chuyên đề quốc tế.

Saeko Ando cũng là nghệ sĩ thực hiện hình ảnh chủ đạo cho vở opera "Công nữ Anio”, điểm nhấn của chuỗi sự kiện văn hóa nhân dịp 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Vở opera sẽ được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào các ngày 22-24/9 tới đây và tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) trong tháng 11.

Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Hội Người cao tuổi tỉnh ra mắt 9 câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

(HBĐT) - Trong 3 ngày (6 – 8/9), Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp Tổ chức Hỗ trợ NCT quốc tế tại Việt Nam (HAI) ra mắt 9 câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN) tại 3 huyện: Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn.

Khám phá danh thắng núi Cột Cờ Mường Bi

(HBĐT) - Núi Cột Cờ Mường Bi ở xã Phong Phú (Tân Lạc) còn được biết đến với tên gọi núi Khụ Dọi. Đây được xem là món quà độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất, ngọn núi biểu tượng tiêu biểu trong đời sống tâm linh của người Mường Bi.

Khi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển

(HBĐT) - Xác định rõ văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước, địa phương, trong những năm qua, tỉnh ta đã dành sự quan tâm đúng mức cho việc gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình nói chung, hồn cốt văn hóa của tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Đặc sắc Lễ hội Việt Nam - Hàn Quốc tại Đà Nẵng

Tối 7/9, Lễ hội Việt Nam - Hàn Quốc đã khai mạc tại Công viên Biển Đông, Đà Nẵng. Lễ hội được Sở Ngoại vụ phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan và Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng tổ chức nhằm đáp lại niềm yêu mến văn hóa Việt - Hàn của người dân và du khách.

Gần 100 nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn nhạc cụ truyền thống bên sông Hàn

Chiều 6/9, tại Đà Nẵng, đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc đã diễu hành và biểu diễn nhạc cụ truyền thống dọc bờ Tây sông Hàn để chào mừng Việt Nam-Hàn Quốc thành phố Đà Nẵng 2023.

Ra mắt cuốn sách “Fidel castro-Huyền thoại xuyên thế kỷ”

Nhân kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử của Fidel vào chiến trường Quảng Trị (1973-2023), 70 năm cuộc tấn công Moncada (1953-2023) và 60 năm thành lập Ủy ban Cuba Đoàn kết với miền nam Việt Nam (1963-2023), Nhà Xuất bản Thông tấn đã cho ra mắt cuốn sách "Fidel castro-huyền thoại xuyên thế kỷ". Cuốn sách là một tuyển tập các bài viết về Fidel do nhà báo lão thành Phạm Đình Lợi sưu tầm, tuyển chọn và biên dịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục