Danh thắng núi Cột Cờ Mường Bi qua sự tích ông Tùng mang giá trị văn hóa, tâm linh.
Dân gian còn truyền tụng những câu chuyện từ lâu đời kể về núi với sự tích ông Tùng. Tương truyền, ngày xưa, trong vùng xuất hiện một ông thầy rất giỏi về thuật phong thủy. Thấy người dân khó khăn, nghèo khổ, ông thầy phán rằng, muốn được ấm no, cơm gạo đầy nhà thì cần phải tìm đôi vợ chồng khỏe mạnh, tháo vát để lãnh đạo dân chúng khai hoang, lập địa. Khi đó, ở một bản làng thuộc vùng Mường Bi có vợ chồng ông Tùng, nổi tiếng khắp nơi bởi người chồng có sức mạnh vô địch, chăm chỉ, người vợ thì xinh đẹp, tháo vát, vì vậy đã được dân chúng tiến cử để lãnh đạo quá trình khai hoang, lập địa xứ Mường. Theo lời chỉ dẫn của thầy phong thủy, vợ chồng ông Tùng ngày đêm không quản khó khăn, vất vả lãnh đạo dân chúng đắp đập, chặn dòng nước sông Đà với hy vọng mở rộng thêm đất canh tác cho vùng đất này.
Sau quá trình hăng say lao động, người dân đã khai hoang, mở rộng thêm rất nhiều diện tích đất để sản xuất. Những núi đồi hoang vu trước kia, giờ đây đã được san phẳng thành những cánh đồng đỏ nặng phù sa, cây cối xanh tốt. Trong quá trình đắp đập, mở sông, người chồng khỏe hơn nên đã đắp xa hơn vợ một khoảng cách khá lớn. Lúc này, ông Sắt - một người đàn ông cũng lực lưỡng không kém ở vùng lân cận đi ngang qua, thấy vợ ông Tùng xinh đẹp như đóa hoa rừng, bèn nảy sinh ý định cướp nàng về làm vợ. Lợi dụng lúc ông Tùng đang hì hục đắp đập ngăn đê, ông Sắt nhanh như cắt, lao tới quắp vợ ông Tùng "ba chân bốn cẳng” chạy hộc tốc.
Nghe tiếng vợ gọi kêu cứu, ông Tùng hốt hoảng tức tốc đuổi theo. Ông chạy từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia, bật từ cánh đồng này bay qua cánh đồng khác, từ ngày này qua ngày nọ. Trong quá trình chạy, ông Tùng đã bị sa lầy, càng cố vùng vẫy càng bị lún sâu. Khi đó, ông đã cố vơ hết đất đá xung quanh ném về hướng ông Sắt nhằm chặn bước chạy của kẻ cướp vợ mình nhưng không được. Những hòn đá khi ông Tùng ném đi, ngày nay biến thành những ngọn núi cao, chạy dọc từ Hòa Bình về Thanh Hóa. Ông Tùng sau khi chết, hóa đá thành ngọn núi giữa cánh đồng mênh mông. Còn ông Sắt, trong quá trình quắp theo vợ ông Tùng chạy trốn cũng bị sa lầy ở xóm Chù, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc). Hình ảnh núi Chù có hình dáng tựa như hình ảnh người đàn ông đang "quắp” một người phụ nữ.
Đặc biệt, núi Cột Cờ được nhắc đến trong các roóng mo. Lật giở những trang sách trong cuốn "Đẻ đất, đẻ nước và phong tục đạo lý nhân văn Mường" của tác giả Bùi Thiện sưu tầm, biên dịch, giới thiệu thì Khụ Dọi là địa danh có trong áng mo nhòm Mường Bi: "...Nhòm cành cây đa Nọi Huộng/Bến nông đến háng, nơi sâu đến nách/Thấy chất ngất rừng cỏ bói/Núi Dọi bên kia thong dong/Những cành cây ong làm tổ/Tổ nhỏ bằng cái nong/Tổ to bằng cái màn/Tổ đã sẻ san đàn…". Trong cuốn Mo Mường tỉnh Hòa Bình do UBND tỉnh xuất bản tháng 10/2010 có trích đoạn ca ngợi về núi Cột Cờ (Khụ Dọi), về Mường Bi: "... Con nhà người đi vào đi ra, lối bên dốc Nóng/Nhìn từ dốc Nóng xuống mó Đa/ Nước mó Đa chảy qua chân núi Dọi/Núi Dọi có xanh gang dưới ngầm/Chầu lên Chiềng Lầm thành một mái/Núi Chù, núi Cái chầu quanh/Đồi Keo Renh như gối dựa/Chiềng Lầm như người dựa gối trông xuôi/ Cánh đồng Mường Bi từ làng Sống đến làng Giang…".
Không chỉ xuất hiện ở Sử thi "Đẻ đất, đẻ nước”, núi Cột Cờ còn ăn sâu vào tiềm thức của người dân, gắn liền với những giá trị văn hóa đặc trưng. Cộng đồng người Mường Tân Lạc càng thêm tự hào khi núi Cột Cờ Mường Bi được công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh vào năm 2017. Cùng với hệ thống các danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống đặc sắc của vùng Mường Bi, núi Cột Cờ trở thành điểm đến hấp dẫn đón du khách tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa, tâm linh.
Bùi Minh