Trong bối cảnh hiện nay, tác động của toàn cầu hóa và sức mạnh của công nghệ thông tin, internet kết nối vạn vật, truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội... đã và đang đặt ra những thách thức lớn về kiến tạo và giữ gìn bản sắc, về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam.


Dân ca Quan họ Bắc Ninh - loại hình nghệ thuật được coi là cốt lõi của văn hóa xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: TTXVN

Với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra tháng 12/2021: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...”, hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam được nhận diện và ngày càng được nâng cao về nhận thức. 

Nhận diện các giá trị văn hóa tộc người 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam gồm các giá trị do chính con người thuộc cộng đồng 54 dân tộc sáng tạo ra trong quá khứ và hiện tại (có tính lịch sử). Giá trị văn hóa con người Việt Nam theo thời gian kết tinh thành hệ thống các giá trị văn hóa, trong đó không chỉ biểu hiện ở khía cạnh vật chất là những di sản văn hóa đến từ quá khứ, mà còn là các sinh hoạt văn hóa mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, là một bộ phận hữu cơ của đời sống các cộng đồng dân cư trong mỗi làng bản, mỗi gia đình. Giá trị văn hóa con người Việt Nam là yếu tố cấu thành bản sắc tộc người bao gồm: Tri thức, tín ngưỡng, đạo đức, nghệ thuật, luật pháp, tập quán, sinh hoạt...; là sự thể hiện bản chất năng lực con người với tính cách là thành viên của cộng đồng xã hội.

Các giá trị văn hóa con người của 54 tộc người Việt Nam gồm các loại hình văn hóa gắn với tập quán cư trú, kiến trúc nhà ở, làng bản gắn với môi trường, các tri thức dân gian về môi trường và tài nguyên; các luật tục quy định nếp sống của cộng đồng; hoạt động kinh tế của mỗi tộc người, của các cộng đồng tộc người với những mức độ khác nhau trong quá trình nông thôn hóa, đô thị hóa... Yếu tố của các loại hình văn hóa trên biểu hiện rất đa dạng, phong phú, giàu bản sắc và là tài sản, nguồn vốn hữu hình và vô hình của cộng đồng, dân tộc và địa phương. Đây cũng chính là nguồn tài nguyên cho phát triển đất nước.

Đối với văn hóa con người Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Dương cho rằng, cần có quan điểm nhìn nhận giá trị theo hướng tích hợp của văn hóa. Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đương đại hiện hữu với đặc trưng di sản truyền thống và cuộc sống đương đại đan xen, tiếp nối và đang tiếp diễn, chúng ta có thể xác định nhận diện những nhóm giá trị như: Tự thân của văn hóa tộc người; kế thừa, tiếp biến trong đời sống đương đại; dấu ấn nơi chốn tạo bản sắc, tính biểu tượng cho khu vực; tạo lập môi trường sống, sinh thái, sinh thái nhân văn; văn hóa xã hội đương đại; tích hợp, phát triển…

Vì vậy, nhận diện các giá trị văn hóa tộc người sẽ giúp cho cộng đồng tích hợp đầy đủ, toàn diện của bức tranh văn hóa ở mỗi tộc người, là cơ sở để thực hiện cùng lúc 2 mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vì phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nếu tách di sản văn hóa ra khỏi các giá trị của đời sống đương đại thì khó có thể thực hiện mục tiêu bảo tồn văn hóa tộc người thành công.

Tôn trọng bản sắc tộc người, vùng miền

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Dương cho biết, giá trị riêng của con người Việt Nam mang bản sắc tộc người, địa phương và vùng miền. Những giá trị riêng này đã giúp cho mỗi cộng đồng tộc người thể hiện, khẳng định bản tính của riêng họ. Bản tính đó được tạo lập từ nhiều thế hệ, được tôi luyện bởi quá trình sinh tồn, tương tác với tự nhiên và với con người, giữa các tộc người với nhau; từ đó tạo lập những nét văn hóa riêng, khác biệt nhưng không dị biệt hay mâu thuẫn. Ví dụ, giá trị văn hóa con người của dân tộc H’Mông là nghị lực kiên cường, thích ứng hòa thuận với môi trường khắc nghiệt của cao nguyên đá khô cằn.

Về nguồn lực văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Dương khẳng định, nguồn lực văn hóa con người chính là hàm lượng văn hóa trong hành vi của mỗi con người; biểu hiện là những phẩm chất, thái độ, tính cách, ý thức trách nhiệm... Những phẩm chất của con người Việt Nam ngoài những yếu tố mang tính phổ quát như chịu khó, khéo léo, dễ thích ứng..., thì cần chú trọng nhận diện những giá trị riêng mang nét địa phương, vùng miền và tộc người. Từ đó, xây dựng nên hệ giá trị văn hóa con người mang tính địa phương, vùng miền, tộc người trong tổng thể hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Việc nhận diện những giá trị văn hóa con người Việt Nam song hành với nhận diện những thói xấu mang tập quán vùng miền, địa phương và tộc người... mà từ trước đến nay được coi là vật cản cho sự phát triển. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và còn nhiều bàn luận. Vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Dương nhấn mạnh, vấn đề này cần được tiếp cận nghiên cứu ở cả hai phương diện khoa học và văn hóa. Từ đó, xây dựng những chiến lược giáo dục, rèn luyện tôn vinh cái đẹp, cái tích cực, hạn chế, loại bỏ cái xấu, cái tiêu cực trong văn hóa con người Việt Nam đương đại.

Văn hóa con người Việt Nam từ trước đến nay đã được nhận diện và khái quát thành hệ giá trị con người Việt Nam với những đặc tính ưu việt như: Yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, đoàn kết trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa để thích ứng trong lao động và hội nhập...Tuy nhiên, những giá trị trên mang tính phổ quát nhiều hơn, vì vậy có thể nhận thấy ở mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Dù vậy, hệ giá trị chung, phổ quát mang bản sắc quốc gia vẫn rất cần thiết nhận diện, làm rõ những đặc điểm Việt Nam. Từ đó, cụ thể hóa hệ giá trị trong cuộc sống bằng những yêu cầu về chuẩn mực hành vi của mỗi công dân với trách nhiệm xây dựng đất nước, xây dựng hình ảnh văn hóa con người Việt Nam.

Hệ giá trị công dân Việt Nam

Để xây dựng giá trị văn hóa con người Việt Nam trong bối cảnh mới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Dương đề xuất, Đảng và Nhà nước là nhân tố then chốt - quyết định trong việc hình thành và phát triển hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, làm động lực nội sinh mạnh mẽ cho việc thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Con người là chủ thể sáng tạo, trung tâm, yếu tố quyết định các giá trị do chính con người tạo lập và cũng chính con người là tác nhân hủy hoại những giá trị đó. Vì vậy, xây dựng văn hóa con người Việt Nam là yếu tố then chốt, sống còn, lâu bền trong chiến lược xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải dựa trên nền tảng hệ giá trị chung của quốc gia; chắt lọc, kế thừa phát triển và ngày càng hoàn thiện từ các giá trị văn hóa con người Việt Nam đã được tạo dựng, thử thách và được khẳng định qua thời gian. Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải là sự kết tinh, hòa quyện từ các giá trị văn hóa chung, phổ quát của dân tộc, nhân loại với các giá trị văn hóa riêng có của mỗi cộng đồng, tộc người, địa phương, để từ đó khai thác, phát huy thế mạnh của những nét riêng.

Đồng thời, hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải được cụ thể hóa thành các tiêu chí, mục tiêu phấn đấu của mỗi con người, mỗi cộng đồng, tộc người, trở thành niềm kiêu hãnh, sức mạnh và khả năng "đề kháng, miễn dịch" trước những tác động của toàn cầu hóa. Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải trở thành hệ giá trị công dân Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới. Cụ thể, kiến tạo con người Việt Nam với những phẩm chất, năng lực và bản lĩnh... có thể đối mặt, đương đầu với những thách thức, khó khăn trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Theo TTXVN

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục