Mùa Xuân, khi hoa đào, hoa mận nở khắp cánh rừng, các dân tộc trong tỉnh sôi nổi tổ chức lễ hội truyền thống. Lễ hội không chỉ vui chơi mà còn là dịp để bà con thỉnh cầu ước nguyện với trời đất, tổ tiên cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Qua lễ hội gửi gắm hy vọng vào mùa vụ bội thu, năm mới ấm no, hạnh phúc, bình yên cho bản làng.


Năm 2023, lần đầu tiên Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức quy mô cấp tỉnh tại huyện Tân Lạc, hội tụ 4 Mường Bi, Vang, Thàng, Động.

Lễ hội Khai hạ - hội tụ 4 Mường

Đầu tiên phải kể đến lễ hội Khai hạ. Với trên 63% dân số là dân tộc Mường, lễ hội Khai hạ hay còn gọi là lễ xuống đồng, lễ mở cửa rừng là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mường, đặc biệt là ở 4 vùng Mường lớn Bi, Vang, Thàng, Động. Tùy từng vùng Mường, lễ hội được tổ chức vào các ngày và nghi trình, nghi thức có sự khác nhau. Trong đó, lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) được tổ chức ngày 6/4 theo lịch Mường Bi (tức mùng 7 tháng Giêng). Lễ hội Khai hạ Mường Vang (Lạc Sơn) tổ chức ngày mùng 4 tháng Giêng theo lịch Mường Vang. Lễ hội Khai hạ Mường Thàng (Cao Phong) tổ chức ngày mùng 5, 6 tháng Giêng theo lịch Mường Thàng. Lễ hội Mường Động (Kim Bôi) tổ chức ngày mùng 3/5 (âm lịch), tức ngày mùng 4/4 theo lịch Mường Động.

Mỗi địa điểm diễn ra lễ hội đều gắn liền với lịch sử của các vị thần là người có công lập đất, lập mường. Với ý nghĩa và giá trị sâu sắc, năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đầu năm 2023, lần đầu tiên lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh tại Mường Bi (Tân Lạc) với sự tham gia của các vùng Mường của tỉnh. Lễ hội thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia, là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Mùa xuân trẩy hội chùa Tiên

Lễ hội chùa Tiên, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) khai hội vào mùng 4 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Hàng năm, lễ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, chiêm bái. Năm 2024, lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Tại khu di tích còn giữ được 10 sắc phong (bản chính), các vị thần được thờ trong di tích là tam vị Tản Viên Sơn Thánh và Nam Hải tứ vị Thánh Nương. Quần thể khu di tích chùa Tiên có hơn 20 điểm, gồm loại hình di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ, thắng cảnh như: đền Trình, đền Mẫu, động Thủy Tiên, thung lũng tình yêu, động giải oan, suối vàng, suối bạc, động Cô Chín, động Ông Hoàng Bảy, động Châu Sơn, động Tam Tòa, đình Trung, chùa Tiên... Chùa Tiên nằm trong tua, tuyến nối các điểm khu du lịch chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam; Tràng An, chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; chùa Hương, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Đến đây du khách như được trở về với cội nguồn, được hòa mình với mây trời sắc núi, tâm hồn nhẹ nhàng, an yên.


Lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy) được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia.

Độc đáo lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông

Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) cũng là lễ hội dân gian truyền thống, nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời, được phục dựng từ năm 2017. Một phần không thể thiếu trong lễ hội Gầu Tào là dựng cây nêu. Trước ngày diễn ra lễ hội hơn 1 tuần, cây nêu được dựng lên báo hiệu cho dân bản gần xa biết Tết năm nay sẽ mở hội Gầu Tào. Cây nêu được dựng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, thể hiện sự vững chãi, tâm điểm của trời đất. Ngọn cây nêu bao giờ cũng quay về hướng Đông, là hướng sinh, với mong muốn của người Mông là cầu sinh con, cũng là hướng mặt trời mọc, với mong ước mùa màng bội thu, cầu cho sức khỏe của bản làng. Tại lễ hội, thầy cúng làm lễ ngay dưới gốc cây nêu để trời đất, thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu chúc cho mọi người, mọi nhà yên vui, khỏe mạnh, ăn nên làm ra, chăn nuôi sinh sôi, trồng trọt được mùa.

Đến với lễ hội Gầu Tào, ngoài được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, du khách còn được tham quan các gian hàng ẩm thực, nông sản, các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Chị Đinh Thu Hương, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) chia sẻ: Năm 2023, lần đầu tiên tham gia lễ hội Gầu Tào tôi rất ấn tượng. Chúng tôi được trải nghiệm giã bánh dày, ném pao, đánh tu lu, đi cà kheo... Tôi rất thích thú với những bộ trang phục dân tộc Mông rực rỡ sắc màu, tiếng khèn, tiếng leng keng của những chiếc vòng bạc khi người dân và du khách cùng nắm tay nhau nhảy múa quanh cây nêu, tạo nên sự gắn kết cộng đồng khó quên.

Việc tổ chức lễ hội Gầu Tào đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hóa, tiềm năng du lịch của 2 xã Hang Kia, Pà Cò đến với du khách trong nước và quốc tế.

Sức hút lễ hội Xên Bản, Xên Mường dân tộc Thái

Cùng với nhiều dân tộc khác trong tỉnh, lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái huyện Mai Châu cũng có từ lâu đời. Sau thời gian mai một, năm 2011, huyện Mai Châu phục dựng lễ hội gần như nguyên gốc các giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của cộng đồng dân tộc Thái. Lễ hội được tổ chức tại xã Chiềng Châu là trang trọng nhất, bởi nơi đây được coi là thủ phủ, điểm phát tích của người Thái di cư từ Bắc Hà về vào khoảng thế kỷ thứ XIII. Lễ hội thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân của nhân dân đối với công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối và cầu cho quốc thái, dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, đất nước vinh hoa, phồn thịnh… Lễ hội cũng là dịp để du khách khám phá những khía cạnh phong phú, đa dạng và sinh động của truyền thống văn hóa dân tộc Thái. Năm 2024, lễ hội Xên bản, xên Mường vui hơn khi Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng loóng của người Thái, huyện Mai Châu. Đây cũng là hoạt động góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử và tiềm năng văn hóa du lịch của huyện Mai Châu.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều lễ hội dân gian truyền thống độc đáo khác như: Lễ hội Cơm đe, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy); lễ hội đình Cổi, xã Vũ Bình (Lạc Sơn); lễ hội đình Ngòi, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình); lễ hội mừng xuân người Dao, xã Cao Sơn (Đà Bắc)... Nét đặc trưng ở các lễ hội truyền thống thể hiện sự kết nối cộng đồng, tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.


Linh Đan

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục