Tối 17/11, tại sân khấu Quảng trường Hòa Bình (TP Hòa Bình), trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch (VH-DL) tỉnh Hòa Bình năm 2024 đã diễn ra chương trình trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tuần VH-DL tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Đại biểu, Nhân dân và du khách tham dự chương trình.
Màn nghệ thuật mở đầu chương trình.
Chương trình trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình được mở đầu bằng màn khai từ với màn hát múa "Hòa Bình xây ước mơ”.
Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở VH-TT&DL phát biểu khai mạc chương trình.
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở VH-TT&DL giới thiệu: Hòa Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa; nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, đông nhất là dân tộc Mường, tiếp đến là các dân tộc Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông. Các dân tộc vừa có nét văn hóa, tín ngưỡng chung, vừa có nét văn hóa truyền thống, tín ngưỡng riêng, độc đáo, phong phú, đa dạng. Cùng với tiếng nói, trang phục là một di sản văn hóa truyền thống mang đặc trưng rất dễ nhận biết của từng dân tộc, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người. Mỗi dân tộc lại có quy cách riêng về trang phục, tạo nên sự phù hợp, khác biệt theo giới tính, lứa tuổi và địa vị xã hội. Nghệ thuật trang trí trên các loại trang phục cũng rất đa dạng, phong cách tạo hình và kỹ thuật thể hiện riêng... Đó là những biểu trưng, đặc sắc cho văn hóa của từng dân tộc...
Đồng chí Giám đốc Sở VH-TT&DL nhấn mạnh: Nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu giá trị độc đáo của trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh tới du khách trong nước và quốc tế, Ban Tổ chức Tuần VH-DL tỉnh Hòa Bình năm 2024 tổ chức Chương trình trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Thông qua chương trình mong muốn khơi dậy khát vọng, lòng tự hào về các di sản văn hóa quý báu của mỗi dân tộc. Đây còn là không gian văn hóa độc đáo để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng của 6 dân tộc chính trên địa bàn tỉnh giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ; đồng thời thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh.
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chương trình.
Với chủ đề "Nét hoa văn xứ Mường”, chương trình là một trong 6 nội dung chính của Tuần Văn hóa – Du lịch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch và di sản văn hóa các dân tộc và lòng mến khách của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Trang phục trình diễn trong chương trình do các nhà thiết kế áo dài Quỳnh Hoa, Comple Tuấn Anh và nhà may trang phục dân tộc Hồng Thơm (TP Hòa Bình) tài trợ.
Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, là thông điệp của quá khứ để lại cho hiện tại và mai sau. Việc tổ chức trình diễn trang phục trong khuôn khổ lễ hội tạo không gian văn hóa, quảng bá hình ảnh về bản sắc trang phục qua các kênh du lịch, điện ảnh...
Trong chương trình, hơn 120 diễn viên, kỹ thuật, biên đạo, nhân công đã trình diễn trang phục theo thứ tự các dân tộc: Mường, Thái, Dao, Tày, Mông, Kinh. Việc trình diễn được kết hợp âm nhạc và hình ảnh, biểu diễn các điệu múa, bài hát, trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, sinh động.
Văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên xứ Mường cũng được giới thiệu, tôn vinh qua phần trình diễn trang phục. Bên cạnh vẻ đẹp về cốt cách, tinh thần và ý chí kiên cường, con người nơi đây đã tạo ra một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú của các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, Kinh.
Màn hát múa song ca Hồng Tam – Hoàng Hải biểu diễn.
Thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của người dân, trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Hòa Bình với nét nổi bật về bản sắc văn hoá các dân tộc đã được trình diễn trên không gian sân khấu Quảng trường Hòa Bình tạo nên bức tranh đầy màu sắc, góp phần quảng bá du lịch Hoà Bình - điểm đến an toàn, thân thiện và ấn tượng.
Trang phục phụ nữ Mường là sự kết hợp hoàn hảo giữa nét đẹp truyền thống và sự tinh tế
trong từng đường may.
Tại chương trình, trang phục dân tộc Mường Hòa Bình đã được 8 đôi nam, nữ đại diện bốn Mường trình diễn cùng với phần hát, múa phụ hoạ đặc sắc của diễn viên.
Nét hoa văn trên cạp váy đã làm bộ trang phục của phụ nữ Mường Hòa Bình trở nên độc đáo, có nét riêng biệt.
Trang phục của nam giới Mường thể hiện sự giản dị và mạnh mẽ như ở bên cạnh để tôn lên sự duyên dáng, tinh tế của trang phục phụ nữ Mường.
Phần trình diễn trang phục dân tộc Thái.
Để giới thiệu nét đẹp của trang phục dân tộc Thái, có 4 đôi nam, nữ trình diễn trang phục kết hợp với trình diễn nghệ thuật keng loóng, múa xòe Thái. Trong đó, điểm nhấn là trang phục của người phụ nữ Thái Mai Châu không thể lẫn với các dân tộc khác.
Phần trình diễn của dân tộc Tày.
Trang phục dân tộc Tày được trình diễn bởi 3 đôi nam, nữ trình diễn, kết hợp với những lời hát, điệu múa độc đáo của dân tộc Tày.
Phần trình diễn kết hợp với múa, hoạt cảnh dân tộc Dao.
Phần giới thiệu trang phục dân tộc Dao với trình diễn 4 đôi nam nữ Dao tiền và Dao quần chẹt. Với màu đen là chủ đạo, điểm nhấn là các hoa văn trang trí tạo nên nét tinh tế, hài hòa cho trang phục kết hợp với các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc.
Nội dung trình diễn độc đáo kết hợp hát múa và các trò chơi dân gian của dân tộc Mông.
Phần trình diễn trang phục dân tộc Mông với sự thể hiện ấn tượng của 3 đôi nam, nữ kết hợp với các tiết mục, hát múa và các trò chơi dân gian truyền thống độc đáo như múa khèn, ném pao...
Nội dung trình diễn rực rỡ sắc màu của dân tộc Kinh.
Phần trình diễn của dân tộc Kinh và các sắc màu dân tộc với 6 đôi nam, nữ cùng trang phục áo dài truyền thống.
Phần trình diễn của các dân tộc.
Điệu múa xoè khép lại chương trình diễn trang phục.
Kết thúc chương trình, tất cả các dân tộc đã lần lượt trình diễn trên sân khấu với màn hát, múa tổng hợp hoành tráng và điệu múa xoè thắm tình đoàn kết để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách.
Nhóm phóng viên Phòng Văn hoá - Xã hội.
Cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có dịp về thăm xã Yên Phú (Lạc Sơn). Niềm vui xen lẫn tự hào hiện hữu trên gương mặt của cán bộ, người dân nơi đây khi di tích Mái đá Làng Vành của xã cùng Hang xóm Trại, xã Tân Lập được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Thời gian qua, cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, công tác tuyên truyền về giá trị nền "Văn hóa Hòa Bình (VHHB)" được các cấp, ngành quan tâm.
Tối 14/11, tại Cung Văn hóa tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình lần thứ IV, năm 2024. Dự chương trình nghệ thuật có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Bạch Công Điệu, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh cùng các đại biểu dự Đại hội và đông đảo nhân dân trên địa bàn thành phố Hoà Bình.
Thời gian qua, với vai trò nòng cốt trong xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Cao Phong luôn chủ động thực hiện nhiệm vụ, công tác mặt trận. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tính năng động, sáng tạo và cống hiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân chung tay đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng huyện ngày càng phát triển.
Tối 13/11, tại Quảng trường Bạch Đằng (thành phố Sóc Trăng), UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI (gọi tắt là Lễ hội) và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, với chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng, tiếp sóng trên các đài phát thanh - truyền hình các tỉnh và thành phố bạn.
Từ ngày 9-12/11, huyện Lạc Sơn tổ chức Liên hoan hát Thường rang, bộ mẹng, hát đúp giao duyên và hát lẩy truyện thơ dân gian Mường năm 2024. Liên hoan thu hút 33 đội thi, gồm 24 đội từ các xã, thị trấn và 9 câu lạc bộ (CLB) hát dân ca Mường trong huyện.