Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chúng tôi đến một số làng hoa ven đô thành phố Hòa Bình. Những cánh đồng trồng hoa cúc, lay ơn, violet… bung nở đúng độ, màu sắc đẹp, cây khỏe; người nông dân phấn khởi vì hoa đẹp, được giá.


Phường Thống Nhất (thành phố Hòa Bình) mở rộng diện tích trồng hoa với sự tham gia của hơn 50 hội viên phụ nữ.


Nhiều gia đình ở phố Tân Lập 1, phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình đã có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng hoa. 

Khoảng 10 năm trở lại đây, một số hộ dân trên địa bàn phường Thống Nhất (thành phố Hòa Bình) đã biết đến nghề trồng hoa. Số hộ trồng tăng dần qua các năm, diện tích cũng ngày càng mở rộng. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn phường hiện có hơn 50 hộ trồng hoa, chủ yếu tập trung ở tổ 6. Loại hoa được trồng nhiều nhất là những loại hoa ngắn ngày, dễ chăm sóc như: cúc vàng, cúc trắng, lay ơn, thược dược, violet… Thực tế mô hình trồng hoa đã cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Đồng chí Bạch Thị Trang, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ phường Thống Nhất cho biết: Trồng hoa là mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả. Thu nhập từ trồng hoa cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa và các loại rau, màu. Hiện nay, nhu cầu mua hoa tươi dịp Tết của người dân thành phố Hòa Bình khá cao nên bà con không gặp khó khăn đầu ra. Nếu bán buôn tại vườn hoa cúc cũng được 4.000 đồng/cây, bán lẻ được 5.000 đồng/cây; hoa lay ơn 7.000 đồng/cành…Vì đã có kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm nên hoa của chị em phường Thống Nhất trồng được thị trường đánh giá cao, hoa đẹp, bền, được ưa chuộng.

Để có hoa phục vụ nhu cầu Tết, từ tháng 9 âm lịch, người dân đã bắt tay vào chuẩn bị trồng hoa. Bước sang tháng Chạp, nhịp độ làm việc tất bật hơn từ việc tưới nước, chăm sóc, bảo đảm hoa phát triển đúng độ, nở đều và đẹp vào dịp Tết.

Rời phường Thống Nhất, chúng tôi đến thăm một trong những vùng trồng hoa lâu năm của thành phố Hòa Bình đó là phường Trung Minh. Cũng như phường Thống Nhất, nơi đây trồng tập trung các loại hoa chủ yếu là hoa cúc với nhiều loại như: cúc vàng, cúc trắng, cúc ngũ sắc…Đã có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng hoa nên các nhà vườn trồng hoa ở Trung Minh đã đầu tư hệ thống điện, nước tưới…khoa học. Đồng thời có kỹ thuật chăm sóc, xử lý để hoa ra đúng thời điểm Tết và phục vụ cho dịp rằm tháng Giêng

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Ngọc Hợi, phố Tân Lập 1, phường Trung Minh cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đầu tháng 9/2024 nên chúng tôi xuống giống muộn hơn so với mọi năm gần 1 tháng. Cũng may là trời nắng ấm, thuận lợi cho hoa phát triển nên hoa nở đẹp đúng dịp Tết. Chăm hoa không khác gì chăm con mọn, hàng ngày chúng tôi phải kiểm tra sâu bệnh để kịp thời xử lý. Hoa trồng tại đây không phải xử lý gì nên tươi lâu, được thị trường thành phố Hòa Bình ưa chuộng. Các vùng hoa ven thành phố sẽ cung cấp hoa cho thị trường từ 23 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng.

Dứt lời trò chuyện, ông Hợi nhanh tay thu hoa theo đơn đặt hàng. Những chuyến xe chở hoa tươi từ phường Thống Nhất, Trung Minh… đi khắp các nẻo đường thành phố Hòa Bình góp phần làm cho mùa xuân đất Mường thêm rực rỡ, sắc màu.

Tranh thủ thời điểm hoa nở rộ, nhiều chị em xúng xính váy áo đến chụp ảnh tại các vườn hoa làm cho bức tranh mùa xuân trên những cánh đồng hoa ven đô thêm sinh động. Tết đến, Xuân về, những làng hoa đã góp phần trang hoàng cho sắc xuân thành phố Hòa Bình thêm xinh đẹp, rực rỡ.


Dương Liễu

Các tin khác


Bảo tồn và tôn vinh trang phục truyền thống dân tộc Mường

Hòa Bình là tỉnh có dân tộc Mường sinh sống nhiều nhất, chiếm trên 63% dân số và có sự hiện diện của nhiều di sản văn hóa (DSVH), đem lại nhiều giá trị vật chất, tinh thần quan trọng trong đời sống nhân dân. Trang phục truyền thống là một DSVH đặc biệt. Trang phục được người dân trang trọng mặc trong dịp lễ hội, Tết, sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương. Tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường, trong đó có trang phục truyền thống.

Chuyện kể trên đồi Vó Vua

Khi những cánh hoa đào, hoa mận khoe sắc rực rỡ trên triền đồi cũng là lúc đồng bào Mường nơi vùng quê cách mạng Thạch Yên - Cao Phong chuẩn bị vui Xuân, đón Tết. Đã thành lệ, dù đi xa về gần, đúng ngày 28/12 âm lịch, người dân tập trung đông đủ cùng người thân chuẩn bị làm lễ "tát giếng" trên đỉnh Vó Vua. Theo những người già trong làng chia sẻ, chỉ khi làm xong lễ "tát giếng", nhà nhà mới bắt đầu mổ lợn, đồ xôi, gói bánh ăn Tết, bởi khi tiết trời đầu xuân, người dân làm lễ xin nước, lấy nước mới, nước mát về gia đình mong cho cuộc sống quanh năm được an lành, hạnh phúc, may mắn...

Hội Báo Xuân Ất Tỵ - Hòa Bình 2025 thành công tốt đẹp

Chiều 24/1, tức ngày 25 tháng Chạp, Hội Nhà báo tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình phối hợp tổ chức bế mạc Hội Báo Xuân Ất Tỵ - Hòa Bình 2025.

Hối hả chợ hoa, cây cảnh trưng Tết

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới Ất Tỵ 2025, thị trường hoa và cây cảnh tại các địa phương trong tỉnh cũng nhộn nhịp hơn. Các nhà vườn, tiểu thương hối hả trong những chiều cuối năm. Người dân không chỉ tìm mua những loại hoa truyền thống để trang trí nhà cửa, mà còn quan tâm đến giá cả và chất lượng phù hợp với điều kiện từng gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục