Trình tấu chiêng trong lễ hội A Riêu của người Pa Kô.

Trình tấu chiêng trong lễ hội A Riêu của người Pa Kô.

Trong cuộc hành trình những sinh hoạt và tập tục của người Pa Kô - người anh em thứ 55 đang được lập hồ sơ công nhận ở huyện miền núi Thừa Thiên - Huế (TT-H) mới đây, chúng tôi may mắn được gặp già làng Quỳnh Át. Già được mệnh danh là “báu vật sống” của người Pa Kô ở thôn Lê Triên, xã Hồng Trung, A Lưới.

Tay chiêng điêu luyện

Cộng đồng người Pa Kô ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh TT-H hiện có hơn 18.000 người, nhưng khi muốn tìm hiểu về tiếng chiêng, một trong những nhạc cụ làm nên phần hồn cho các lễ hội, người ta lại đưa chúng tôi đi gặp một cụ già đã lãng đãng. Là bởi bao nhiêu năm nay do cuộc sống khó khăn, người Pa Kô mải lo miếng cơm manh áo nên không còn thời gian chú ý đến việc gìn giữ các giá trị văn hoá dân tộc, đặc biệt là chiêng. Bây giờ, người Pa Kô đánh được chiêng (chưa nói đến việc đánh đúng, đánh hay) chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Người làng nói già Quỳnh Át đã ngoài trăm tuổi. Nhưng già nói không biết, chỉ nhớ là được sinh ra vào mùa lúa mới, và đến nay già không còn nhớ là mình đã sống qua bao mùa lúa mới nữa. Già kể mình say mê tiếng chiêng từ khi còn là một đứa bé cởi truồng. Thời đó, mỗi khi làng mở lễ hội, già lại lon ton chạy theo cha để được nghe tiếng chiêng. Cha già cũng là một trong những người đánh chiêng hay nhất của cộng đồng Pa Kô thời ấy. “Mình chịu khó nên cha mình chỉ bày cho mấy ngày là mình đánh và thuộc hết các bài chiêng”, già nói.

Sau khi được cha truyền nghề, cậu bé Quỳnh Át tập luyện để rồi trong một lễ A Riêu (lễ hội lớn nhất của người Pa Kô, tương tự như lễ tảo mộ của người Kinh), bất ngờ thay cha trình tấu những giai điệu chiêng làm ngỡ ngàng cả cộng đồng. Một thời gian sau, cha mất, chàng trai trẻ nghiễm nhiên được người làng cử thay cha đánh chiêng trong những dịp lễ hội.

“Ngày trước khi còn trẻ, ngoài việc đánh chiêng cho lễ hội, già Quỳnh Át còn thường xuyên đại diện cho người Pa Kô đi thi đánh chiêng trong các dịp giao lưu văn hoá các dân tộc không chỉ ở TT-H mà còn đến tận Quảng Trị, Quảng Nam, và lần nào già cũng mang vinh quang về cho cộng đồng”, ông Hồ Văn Hạnh, Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Trung, cũng là một người Pa Kô, khoe.

Già Quỳnh Át đang trình tấu chiêng.

Chuyện một lúc, già Quỳnh Át đứng lên lấy ra một chiếc chiêng để “biểu diễn”. Già vừa đánh chiêng vừa múa xoay tròn bên bếp lửa. Những đứa trẻ, thanh niên, đến những thiếu nữ trên nương nghe tiếng chiêng của già Quỳnh Át nổi lên bên ngôi nhà dài, họ hội tụ về, cùng chung thêm điệu nhảy, điệu múa…

Dứt tiếng chiêng, mồ hôi lăn dài trên tráng, già cười móm mém bảo: “Mệt, già mệt lắm nhưng tiếng chiêng, tiếng khèn là báu vật của núi rừng phải gìn giữ, lâu cũng phải nổi chiêng, nổi khèn lên để đánh thức bản, làm vui cho bản và để con cháu còn học để biết thổi cái kèn Âng krao, Âng  qoại… gọi bạn tình nữa chứ”.

Làm già làng lâu nhất

Già tự hào bảo người Pa Kô mình có nhiều lễ hội hay lắm như là  lễ hội A Da - lễ hội ăn mừng lúa mới để tri ân mùa màng, để tạ ơn đất trời, nắng mưa, dông gió, sông suối, núi rừng, cây cối và cả ma quỷ. Ở lễ cúng A Da, điều mong mỏi nhất là mỗi nhà mỗi bếp cũng như cả làng được bình yên, con người được mạnh khoẻ, mùa vụ năm tới bội thu.

Già Quỳnh Át được người trong làng tôn là “báu vật sống”, ngoài lý do sống lâu, biết nhiều, nhớ dai; già còn là một biểu tượng của người Pa Kô. Người làng kể: “Quỳnh Át vốn là con nhà khá giả, ngày trẻ nổi tiếng khắp vùng không chỉ với tài đánh chiêng giỏi, mà còn hát rất hay. Tiếng chiêng già đánh ngân vang khắp cả núi rừng, tiếng Ântoong Atục (nhạc cụ gồm 3 thanh gỗ, một ống tre) của già xua đuổi hết những bầy thú dữ. Tiếng kèn Âng Krao, Âng qoại, Ti reel của già đắm hồn biết bao thiếu nữ..”.

Với uy tín và tài năng, già Quỳnh Át được người dân bầu làm trưởng làng từ thời Pháp thuộc, và già làm cho đến... năm 2005 mới “nghỉ hưu” do không còn sức. Theo ông Hồ Văn Hạnh thì già Quỳnh Át là người Pa Kô làm trưởng làng lâu nhất từ trước tới nay.

Bây giờ, dù đã thôi không còn làm trưởng làng và đã chân yếu tay run, nhưng khi người làng cần tiếng chiêng của đồng bào mình được vang lên bởi những người trẻ, già lại không quản công tổ chức dạy đánh chiêng cho các thanh niên trong làng vào những ngày đầu các tháng. Già nói: “Những gì mình học được từ cha ông, mình sẽ truyền lại cho con của mình, người anh em của mình. Khó lắm nhưng mình sẽ dạy cho đến khi nào đánh được như mình mới thôi. Khó lắm nhưng những gì cha ông mình có thì nay mình phải làm lại được, phải giữ được..”.

                                                            Theo Báo Laodong

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục