Poster Festival Huế 2010.

Poster Festival Huế 2010.

Lần đầu tiên, Festival Huế có sự góp mặt đông đảo của các đoàn nghệ thuật đến từ khắp các quốc gia ở cả 5 châu lục. Thành phố festival của Việt Nam năm nay hứa hẹn sẽ trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu đầy ấn tượng của các thành phố cố đô, các thành phố có di sản được UNESCO công nhận - tiêu biểu cho các nền văn hóa lâu đời và đặc sắc nhất thế giới.

Cũng giống như Pháp với Festival Avignon, Australia với Festival Adelaide, Anh với Edingburgh, đến hẹn lại lên, Huế - thành phố festival của Việt Nam - đang chuẩn bị cho festival văn hóa du lịch định kỳ 2 năm/1 lần. Năm nay, Festival sẽ diễn ra từ ngày 5 - 13/6 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển". Là một trong những hoạt động quốc gia hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Festival Huế 2010 được lên kế hoạch sẽ là một lễ hội lớn, đầy ấn tượng và hấp dẫn với hàng trăm chương trình văn hóa, du lịch đặc sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam và của cố đô Huế; Đây cũng sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu của các thành phố cố đô, các thành phố có di sản văn hóa thế giới, một diễn đàn sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam và khu vực.

Theo định hướng đó, ngay sau Festival 2008, Ban tổ chức đã chủ động phối hợp với Sở Ngoại vụ, liên hệ với Đại sứ quán các nước để nắm danh sách các đoàn nghệ thuật, các quốc gia có tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong năm. Từ đó lựa chọn một số quốc gia tiêu biểu mời tham dự Festival Huế 2010 trên tinh thần ưu tiên các đối tác đã tham gia và có nhu cầu đăng ký tiếp, ưu tiên các nước láng giềng và ưu tiên các thành phố có di sản được UNESCO công nhận.

Có thể nói, sau 5 lần tổ chức, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu đặc sắc của mình. Vì vậy, mặc dù còn tới gần 6 tháng nữa lễ khai mạc mới diễn ra nhưng cho tới nay, Ban tổ chức đã nhận được sự khẳng định chắc chắn tham gia của hơn 40 nhóm nghệ thuật, đoàn nghệ sĩ đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp 5 châu lục, bao gồm 10 nước châu Âu (Pháp, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Italia, Ukraina); 09 nước châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Israel); 04 nước châu Mỹ (Hoa Kỳ, Cuba, Mêhicô, Achentina); 02 nước châu Phi (Senegal, Cộng hòa Trung Phi); châu Úc có 1 quốc gia duy nhất là Australia. Pháp vẫn tiếp tục là đối tác chính như đã đồng hành trong suốt 5 kỳ festival trước.

Du khách đến với Festival Huế 2010 sẽ được thưởng thức những chương trình, tiết mục đặc sắc mang đậm sắc thái văn hóa của các cố đô, các vùng đất di sản của thế giới thông qua các thể loại nghệ thuật như: ca múa nhạc, xiếc, sân khấu, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, rối, điện ảnh,... Trong đó đặc biệt phải kể đến chương trình biểu diễn kịch mặt nạ Gwanno (Hàn Quốc); sự trở lại của đoàn cà kheo De Steltenlopers van Merchtem (Bỉ) từng được đón nhận nồng nhiệt tại Festival Huế 2008; Biểu diễn bong bóng xà phòng độc đáo của nghệ sĩ người Tây Ban Nha Pep Bou; Sự xuất hiện của ca sĩ - nhạc sĩ đồng quê Thomas Bailey lừng danh và cộng sự sẽ đem đến cho khán giả một chương trình biểu diễn sôi động và đầy đam mê mang đậm âm hưởng miền Nam nước Mỹ...

Tất nhiên, hương vị chính không thể thiếu của festival vẫn sẽ là các lễ hội cung đình độc đáo của cố đô Huế được tái hiện lại trên cơ sở hoàn chỉnh về nội dung, đổi mới về hình thức và nâng cao chất lượng nghệ thuật như: Lễ Tế giao, Đêm Hoàng cung, Khám phá Huyền thoại sông Hương... Một điểm mới của festival năm nay là chương trình sân khấu hóa "Hành trình mở cõi về phương Nam" và tái hiện nghệ thuật "Cuộc thao diễn thủy binh dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan" nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và sự kiện chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định chọn Kim Long để xây dựng Thủ phủ xứ Đàng Trong bên bờ sông Hương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế Ngô Hòa, thành phố Huế hiện nay đã hoàn thiện về cả cơ sở hạ tầng và quy hoạch cũng như kinh nghiệm để tổ chức festival, đã sẵn sàng về mọi mặt để đón chào hàng trăm ngàn du khách trong và ngoài nước. BTC cũng đã quyết định mở rộng không gian trình diễn của festival ra các vùng lân cận, các khu thị trấn, thị tứ, các khu đô thị mới của Huế và khai thác thêm không gian của các công trình văn hoá, thể thao mới được hình thành. Điều này sẽ tạo điều kiện cho đông đảo người dân và du khách được tiếp cận với nhiều chương trình hơn, được hòa mình vào không khí lễ hội. Các chương trình nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ có điểm nhấn, tránh tình trạng co cụm, chồng chéo, nhiễm tạp âm thanh như các kỳ festival trước. 

                                                                                 Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục