Ngày (7-4), 82 Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê-Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đã chính thức đón nhận bằng Di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thế giới do UNESCO công nhận. Lễ đón nhận đã diễn ra trong không khí hồ hởi của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự kiện này cũng là bước khởi đầu tốt đẹp cho chuỗi các sự kiện văn hóa, xã hội trong năm Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám, khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng nằm giữa thủ đô Hà Nội, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Với bề dày gần một nghìn năm, là một trung tâm giáo dục lớn nhất của nước ta thời xưa, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đồng thời cũng là nơi hun đúc nên bao truyền thống văn hóa giáo dục quý báu, trong đó có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, truyền thống hiền tài của dân tộc. Văn Miếu-Quốc Tử giám ngày nay là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách.


Những tấm bia Tiến sĩ đặt trong khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám từ lâu đã được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của cha ông. Tuy nhiên, không chỉ đến nay, khi 82 Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê-Mạc (1442-1779) được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thì các nhà khoa học, nhà nghiên cứu mới tìm các phương hướng nhằm bảo tồn di sản này. Đã có đề xuất làm hàng rào để tránh hiện tượng “xoa đầu rùa”, xoa bia, thậm chí là trèo lên rùa để chụp ảnh... vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là những ngày Tết hoặc mùa thi đến, nơi đây thu hút đông đảo các sỹ tử tới để xoa rùa, xoa bia tiến sỹ lấy may.



Sau khi bia đá Văn Miếu-Quốc Tử Giám được UNESCO vinh danh, việc bảo tồn lại một lần nữa được đưa ra, với các biện pháp như xây dựng một hàng rào gỗ hoặc bảo tồn toàn bộ, tức là đưa cả nhà bia vào khung kính... Một số kinh nghiệm bảo vệ di sản trước sự xâm hại của con người và thiên nhiên đã từng được đưa ra trên thế giới như làm hàng rào B40, bọc kính... cũng đã được tham khảo nhưng tới thời điểm này, theo ông Đặng Kim Ngọc-Giám đốc Trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám "vẫn chưa có phương án cụ thể nào được lựa chọn".


Tại Lễ đón Bằng công nhận Di sản tư liệu thế giới, nhiều ý kiến đóng góp cũng đã đưa ra, nhằm tìm phương hướng bảo tồn và phát huy di sản này. Dưới đây chúng tôi xin dẫn lời một số ý kiến của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước:


Bà Katherine Muller (ảnh bên) Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam: Được chiêm ngưỡng di sản tư liệu này, tôi có thể cảm nhận được niềm tự hào lớn lao của các sĩ tử khi vượt qua vũ môn và được lưu lại tên tuổi trên những tấm bia. Và không có một nơi nào có thể lưu giữ những ký ức và bản sắc văn hóa phù hợp hơn là Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Lập hồ sơ và việc được công nhận chính là góp một phần quan trọng trong công tác tuyên truyền và bảo tồn. Tuy nhiên, sự công nhận của UNESCO chỉ như là một lời nhắc nhở thôi, mà chúng ta phải có phương hướng bảo tồn, và các phương tiện truyền thông chính là một biện pháp tốt, tuyên truyền tới người dân hiệu quả nhất việc bảo tồn và phát huy di sản này. Việc giữ gìn cảnh quan môi trường trong khu di tích cũng cần được phát huy.


Tiến sĩ Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: Mỗi phương án bảo tồn di sản được đưa ra luôn phải đối mặt với hai mặt tốt- xấu, song người làm di sản phải biết chọn lựa phương thức ít ảnh hưởng tới di sản nhất. Nên lựa chọn cách làm hàng rào thay vì đưa di sản vào lồng kính như vậy người dân vừa có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu di sản mà vẫn tránh được xâm hại. Tuy nhiên, dựng hàng rào bằng chất liệu gì, độ cao và hình dáng ra sao thì cần phải tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp với cảnh quan của di tích.


Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm (ảnh bên) : Nội dung văn bia cũng nên dịch ra nhiều thứ tiếng Anh Pháp... nhất là tiếng Việt, để các thế hệ người Việt hiểu được ý nghĩa của Văn bia.


Giáo sư Trịnh Khắc Mạnh-Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm: Nên áp dụng công nghệ hiện đại như xây dựng hệ thống ảnh tư liệu tổng thể, bộ phận, chi tiết kèm theo mã, ký hiệu để người xem tiện tra cứu trên mạng Internet.


Ông Đặng Kim Ngọc: Ngoài sự vô ý thức của người dân, thì điều kiện khí hậu, thời tiết hiện nay cũng là một đe dọa đối với di sản. Những tấm bia qua phong sương có thể bị lên rêu mốc, khi trời nồm đá đổ mồ hôi rồi bị bụi bám… Trung tâm thường xuyên cho lau dọn và năm 1995 đã từng có chuyên gia nước ngoài đến thí nghiệm phun hóa chất chống nấm mốc trên mái ngói Văn Miếu, có nghiên cứu thử với bia nhưng vẫn chưa áp dụng được.


Thiết nghĩ, ngay thời điểm hiện tại, khi chưa có biện pháp cụ thể để bảo tồn văn bia, thì Trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám cần đưa ra nhiều lời cảnh báo, hướng dẫn tới các công ty du lịch, hướng dẫn viên du lịch, trước khu nhà bia tiến sĩ, trên vé... nhằm nhắc nhở ý thức của du khách có ý thức hơn trong việc gìn giữ di sản của nhân loại
 
 
                                                                                 Theo ND

Các tin khác


Xúc động gặp các cựu chiến sỹ Điện Biên trên đồi A1

Tác phẩm "Các cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên đồi A1” của tác giả Dương Vân Anh, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh tỉnh Hòa Bình là một trong 2 tác phẩm được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23 vừa tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Đây là niềm vinh dự của của cá nhân tác giả cũng như Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh tỉnh.

Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục