Vừa qua, dự án văn hoá phục hồi nghệ thuật bài chòi ở miền Bắc đã gây ra nhiều tranh luận ngay khi Bộ VH,TT&DL vừa thông qua. Dự án này do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Trung tâm nghiên cứu âm nhạc dân tộc VN thuộc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn & phát huy văn hóa dân tộc VN triển khai. Chúng tôi đã tìm gặp GS. Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm, người đề xuất ý tưởng dự án.

- Thưa GS, từ một trò chơi dân gian đặc sắc của miền Trung, chủ yếu từ Quảng Bình đến Bình Thuận, bài chòi đã dần phát triển các yếu tố diễn xướng theo sáng tạo của nghệ nhân dân gian để trở thành kịch hát bài chòi. Quá trình này đi từ bài chòi truyện những năm 30, 40 rồi phát triển thành một kịch chủng trên đất miền Bắc những năm 50 của thế kỷ trước. Nhưng trong thời kỳ đổi mới, kịch hát bài chòi đã bị mai một khá nhiều. Ông có thể cho biết lý do tại sao ông có ý tưởng đó và xúc tiến phát triển dự án như thế nào?

 Cảnh trong vở Thời con gái đã xa của đoàn ca kịch bài chòi Bình Định.

Hiện nay chúng ta có ba đoàn kịch hát bài chòi của các tỉnh Khánh Hoà, Bình Định, Quảng Nam cùng hàng chục đoàn ca kịch bài chòi bán chuyên nghiệp ở các tỉnh. Tôi phải nhắc lại rằng, kịch hát bài chòi phát triển và chính thức trở thành kịch chủng sân khấu (SK) là ở miền Bắc với thành công khi đạt HCV Hội diễn SK chuyên nghiệp với vở Thoại Khanh - Châu Tuấn năm 1957. Hai mươi năm tồn tại và phát triển ở đất Bắc, nhân dân miền Bắc rất yêu thích loại hình này. Hai năm vừa qua, khi tiến hành dự án SK học đường, chúng tôi đã đưa bài chòi vào và đạt kết quả tốt ở các tỉnh Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Nam... Như vậy hiện nay, các hình thức bài chòi nhiều hơn ngày xưa, nhưng nhân dân miền Bắc suốt ba mươi năm qua không được xem bài chòi. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ gốc Bắc từng học và biểu diễn bài chòi khi giải phóng đất nước được đưa vào Thuận Hải, song sau đó họ lại quay trở lại đất Bắc. Trong số đó có nhiều giọng hát rất hay như nghệ sĩ Điệp Nữ, Văn Hồng, Văn Mùi, Quỳnh Em... Đã ba mươi năm nay họ ước mơ được phục hồi nghệ thuật, được phục vụ bà con miền Bắc. Chúng ta không thể để các nghệ nhân này mang vốn liếng về tiên tổ mà không truyền lại được cho các thế hệ trẻ. Nhu cầu thưởng thức của nhân dân miền Bắc là có thật, không nên để miền Bắc thiếu bộ môn ca kịch này.

- Lộ trình để phục hồi lại bài chòi trên đất Bắc như thế nào và mục đích cuối cùng của dự án?

Trong tình hình tài chính hiện nay, nói tới thành lập một đoàn ca kịch lớn như Ca kịch bài chòi Liên khu V không làm nổi. Chúng tôi chỉ khai thác vốn của các nghệ sĩ từng biểu diễn bài chòi nay sống trên đất Bắc, phục hồi các tác phẩm cũ để lưu giữ một di sản văn hoá ngay ở nơi này. Khi đã phục hồi rồi thì lấy đó nhân ra phong trào, đào tạo và biểu diễn theo kiểu dân gian. Có thể diễn ở sân đình, gọn nhẹ. Khó cũng phải làm vì càng lùi thì người nghệ sĩ càng già...

- Mục đích của dự án là phục hồi lại một phần sinh khí thời thịnh vượng cho bài chòi trên đất Bắc. Nhưng tiến trình dự án lại hướng tới cách làm dân gian. Phải chăng chúng ta đang đi ngược lại xu hướng chuyên nghiệp hoá của thời đại?

Nghệ thuật bài chòi đang trong xu hướng phát triển ở các đoàn chuyên nghiệp và hình thức dân gian bài chòi cũng có nhiều nơi tổ chức. Chính nghệ thuật dân gian là cái nền, nuôi cho chuyên nghiệp phát triển bền vững.

- Vậy dự án hướng đến xây dựng một nền tảng sinh hoạt dân gian bài chòi ở miền Bắc? Ông có nghĩ, trong bối cảnh nhiều đoàn chuyên nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải giải thể thì việc phát triển một hình thức biểu diễn mới có thể sống được trong bối cảnh xã hội hoá hiện nay?

Đã có những dấu hiệu đáng mừng, có chuyển biến từ nhận thức của các nhà doanh nghiệp cũng như của các lãnh đạo cao cấp với văn hoá dân gian. Họ đã hướng về văn hoá dân tộc, dân gian ngày một tích cực hơn. Khi họ yêu thích, các doanh nhân sẵn sàng bỏ tiền ra để tổ chức. Nhà nước và nhân dân cùng nuôi dưỡng, bài chòi sẽ không chết...

- Xin cảm ơn ông!

                                                                              Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục