Chuẩn bị vận chuyển tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn ra Hà Nội

Chuẩn bị vận chuyển tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn ra Hà Nội

Những ngày này, khắp mọi miền đất nước đều hướng về đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiều dự án, công trình chào mừng sự kiện này đang được gấp rút triển khai. Thành ủy, UBND TPHCM cũng vừa hoàn thành công trình tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, đây là món quà quý giá và ý nghĩa của đồng bào, chiến sĩ TPHCM gửi tặng nhân dân thủ đô Hà Nội nhân sự kiện trọng đại này.

 

Chuẩn bị công phu

Để thực hiện công trình đầy ý nghĩa này, từ năm 2009, lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM và TP Hà Nội đã có nhiều cuộc gặp gỡ, bàn bạc chuẩn bị. Ban tổ chức xây dựng công trình tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn đã mời các thành viên của Hội Mỹ thuật TPHCM, Hội Mỹ thuật TP Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng tham gia sáng tác mẫu tượng.

25 mẫu phác thảo tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn của các tác giả và nhóm tác giả tham gia được tuyển chọn kỹ lưỡng, tiếp đó 3 mẫu tượng đã được chọn vào vòng 2 để trưng bày, lấy ý kiến đóng góp của người dân tại 2 TP: Hà Nội và TPHCM.

Sau khi chọn mẫu phác thảo 05- BHBT cơ bản đạt yêu cầu nhất của tác giả Lâm Quang Nới (hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM), Hội đồng nghệ thuật cùng lãnh đạo TPHCM và TP Hà Nội đã yêu cầu nâng tỷ lệ mẫu tượng lên 1,8m (mẫu tượng phác thảo ban đầu là 1,2m) để hội đồng cho ý kiến, chỉnh sửa trước khi nâng lên tỷ lệ 1/1 và dựng tượng thử nghiệm bằng thạch cao.

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, Lê Tôn Thanh, cho biết: “Để khảo sát xem chiều cao tượng và bệ tượng có thật sự phù hợp với không gian đảo Thống Nhất (thuộc công viên Thống Nhất, Hà Nội) hay không, chủ đầu tư đã cho dựng phim 3D và thể nghiệm 3 phương án dựng tượng tại hiện trường đảo”.

Sau hơn 8 tháng thi công, tại cơ sở đúc đồng Phương Nam, nhóm tác giả Lâm Quang Nới đã hoàn tất tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn. Ngày 12-7 vừa qua, Hội đồng nghệ thuật, lãnh đạo TPHCM và TP Hà Nội đã nghiệm thu công trình.

Tượng cao 5,43m, đặt trên bệ cao 1,8m. Bức tượng thể hiện tư thế Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Bác Tôn được Quốc hội khóa II năm 1960 bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Họa sĩ Phạm Đỗ Đồng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, thành viên hội đồng nghệ thuật, nhận xét: “Có thể nói đây là bức tượng về Bác Hồ và Bác Tôn đẹp nhất từ trước đến nay. Ngoài các yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật, thành công của tác phẩm này chính là đã thể hiện được phong thái của hai vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc, từ trang phục, ánh mắt, thế đứng, tư thế bắt tay… thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả dân tộc. Tất cả đã làm nên cái hồn của tượng đài”.

Đoàn kết sắt son

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tượng đài có bố cục chặt chẽ, dáng vẻ thanh cao mà gần gũi với đồng bào. Hai vị lãnh tụ nhìn nhau thân thiện, cử chỉ thân tình, thái độ lạc quan. Bàn tay phải Bác Hồ nắm bàn tay phải Bác Tôn tượng trưng cho tình đoàn kết, thương yêu, tin tưởng. Đây còn là tình cảm của hai vị lãnh tụ thân thiết, vừa là hai người bạn, hai người đồng chí, trong bối cảnh đất nước đang chịu nỗi đau chia cắt. Và trên hết, tình cảm lớn lao ấy không chỉ là ý chí, nguyện vọng của hai vị lãnh tụ kiệt xuất, mà còn là khát khao cháy bỏng của cả dân tộc về một đất nước thống nhất. Đây cũng là ý nguyện của nhóm tác giả Lâm Quang Nới: “Chúng tôi mong muốn xây dựng tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn như một biểu tượng cao quý của tinh thần đoàn kết Nam Bắc cùng chung một nhà”.

Theo UBND TP Hà Nội, tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn sẽ được đặt tại đảo Thống Nhất, có diện tích hơn 6.000m², được bao quanh bằng những hàng cây xanh, là khu vực vừa trang nghiêm vừa gần gũi để người dân có thể đến bày tỏ sự tôn kính với Bác Hồ và Bác Tôn. Đón nhận món quà nhiều ý nghĩa này, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chuẩn bị rất chu đáo.

Trong quá trình quy hoạch đảo Thống Nhất, lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu đơn vị tư vấn và Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghệ thuật và chỉnh sửa theo nguyên tắc hạn chế tối đa chặt phá, di chuyển cây xanh, nhất là các cây lớn, thậm chí phải nghiên cứu trồng thêm cây xanh dẫn hướng, tạo trục không gian và tầm nhìn cho công trình tượng đài. Trục không gian phía trước tượng không nhất thiết phải được bê tông hóa, nền đặt tượng Bác Hồ - Bác Tôn đơn giản là nền tự nhiên với cỏ và hoa, không nên bằng một kích thước hình học cứng nhắc.

Tượng Bác Hồ - Bác Tôn mang một ý nghĩa đặc biệt khi được đặt tại công viên Thống Nhất - biểu tượng của niềm khao khát non sông liền một dải từ những năm kháng chiến. Gương mặt của hai vị lãnh tụ sẽ hướng về phương Nam, như Bác Hồ lúc sinh thời từng nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi!”. Công trình dự kiến sẽ được khánh thành đúng vào dịp Quốc khánh 2-9

 

                                                                                      Theo SGGP

Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục