Cùng sum vầy gói bánh uôi ngày Tết

Cùng sum vầy gói bánh uôi ngày Tết

(HBĐT) - Là một người con của đất Mường Hoà Bình, đám trẻ chúng tôi hồi còn để chỏm thích Tết lắm. Tết được mua áo mới, đi chơi thăm ông, bà và được mừng tuổi. Nhưng có lẽ vui nhất là ngày mổ lợn và gói bánh.

 

Sau này, dẫu đã trưởng thành và đi công tác nhưng chúng tôi vẫn nhớ hình ảnh mấy chị em theo mẹ ra vườn cắt lá dong, lá chuối về gói bánh. Háo hức và phấn khởi lắm. Bây giờ, dù bận rộn đến mấy, chúng tôi cũng dành thời gian về quê đúng ngày gói bánh vừa để gặp gỡ, thăm hỏi người thân, vừa cảm nhận không khí Tết đang đến gần. Bà nội tôi là một người khéo tay, gói bánh vào loại đẹp nhất làng. Bà bảo, Tết năm nay, gia đình sẽ gói hai loại bánh truyền thống của dân tộc Mường là bánh ống và bánh uôi. Nói rồi, bà kéo thúng gạo ra và bảo chúng tôi đem ngâm. Những hạt gạo nếp to, căng tròn và thơm phức là kết quả từ công sức lao động miệt mài của các thành viên gia đình trong năm. Bà tôi kể: Năm nay, bà đã ngoài 80 tuổi nhưng từ đời ông, đời cha đã gói bánh ống, bánh uôi rồi. Trong tiếng Mường gọi là peẻng ôống, peẻng uôi.

 

Nhiều người còn gọi bánh uôi là bánh đoàn kết hay bánh tình yêu vì bánh được chia làm hai phần quấn lại với nhau và buộc bằng lạt giang. Chúng tôi tất bật mỗi người một việc từ cắt lá chuối phơi khô, chẻ lạt đến đi nghiền gạo thành bột. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh hoặc thịt lợn. Khi mọi việc chuẩn bị hoàn tất, mâm bánh được bày ra. Lúc này, bàn tay khéo léo của người phụ nữ có dịp được thể hiện qua cách xắt bột thành từng miếng nhỏ đủ bao quanh nhân bánh. Sau khi trải tấm lá chuối ra, đặt hai miếng ở hai đầu lá rồi cuộn tròn và vặn lại với nhau. Khi gói xong, bánh được cho vào chõ gỗ và đồ trên bếp lửa chừng 30 phút là dỡ được. Nhanh là vậy nhưng bánh được đồ chín vẫn có mùi thơm của gạo nếp và vị ngầy ngậy của nhân thịt.

 

Sau khi gói xong bánh uôi, chúng tôi lại háo hức gói tiếp bánh ống. Đây là loại bánh đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận mới để được lâu, dền và đẹp. Bánh được làm bằng gạo nếp nhân thịt hoặc thêm ít đỗ. Thịt  được chọn thịt ba chỉ vừa có nạc, vừa có mỡ cho bánh thơm ngậy mà không bị khô. Tên gọi bánh ống nôm na, gần gũi từ hình dáng vừa tròn, vừa dài của chiếc bánh. Công việc chuẩn bị làm bánh cũng cầu kỳ hơn. Lạt được lấy từ ống cây giang và phải chẻ thật mỏng rồi ngâm với nước cho mềm. Gạo sau khi ngâm để ráo nước rồi xóc ít muối. Lá dong tước bớt phần sống lá, thịt ướp với gia vị và hạt tiêu để tăng thêm mùi thơm, đậm đà. Công việc đầu tiên là xếp chồng hai lá dong lên nhau, quay mặt xanh của lá vào bên trong để bánh có màu xanh đẹp mắt. Rải gạo lên lá và cho miếng thịt vào giữa rồi quấn tròn lại. Gấp mép một đầu lá dong, sau đó, dựng đứng lên. Dùng một chiếc đũa chọc cho gạo dàn đều và gấp nốt đầu còn lại. Sử dụng 3 chiếc lạt đã được nối dài quấn quanh chiếc bánh. Bánh được coi là đẹp nếu tròn đều cả hai đầu, quấn chặt tay. Bà tôi hướng dẫn, luộc bánh ống cũng giống như bánh chưng nên lót lá dong xuống đáy và trên cùng để bánh không bị cháy và giữ được hơi, nhanh chín. Khi đun chú ý thêm nước để luôn giữ cho ngập bánh. Khi chúng tôi gói xong bánh thì ở ngoài vườn, ông nội tôi cũng đã đào xong một chiếc hầm chừng nửa mét, miệng hầm vừa đặt khít chiếc nồi. ông bảo, làm bếp theo kiểu Hoàng Cầm để giữ nhiệt, tiết kiệm củi. Nhà bà hàng xóm không có đất thì xây tạm mấy viên gạch giữa sân làm bếp. Làm vậy cũng không cầu kỳ gì mà còn tăng thêm hương vị Tết, luộc xong có thể dỡ bỏ. Vui nhất là khi màn đêm buông xuống, cả gia đình quây quần bên bếp than hồng rực và nồi bánh sôi ùng ục, cùng trò chuyện, ôn lại những việc đã làm được trong năm. Bánh luộc được chừng nửa ngày là chín, khi vớt xong đem rửa trong nước lạnh, để ráo hoặc túm treo lên.

 

Nói chuyện một hồi lâu, bà tôi cảm khái: Già rồi nhưng bà vẫn thích Tết lắm! Trước kia, cuộc sống còn khó khăn, bữa cơm còn phải độn ngô, sắn nhưng trong ngày Tết, nhà nào cũng gói bánh. Nay, cuộc sống đã ấm no, Tết càng sung túc hơn, gói bánh vẫn rất quan trọng, được coi như một phần không thiếu của Tết. Những gia đình có con gái đi làm dâu, ngày Tết còn có đôi gà, gạo nếp, bánh mang về biếu bố, mẹ. Truyền thống hiếu - nghĩa hòa quyện trong ngày Tết tạo nên nét văn hóa độc đáo của người Mường. Đối với cánh trẻ chúng tôi, háo hức nhất là giờ vớt bánh. Từng chiếc bánh thơm ngậy được vớt lên không chỉ là thành quả của buổi gói mà là của một vụ sản xuất, là hương vị Tết, là bao ý, bao tình. Bởi vậy, sau khi bánh ống, bánh uôi được đem lên bàn thờ cúng tổ tiên, bà tôi lại mang treo lên những chiếc đòn gánh, chiếc cuốc và chà lên mõm con trâu ở góc vườn thầm cảm ơn vì đã cùng gia chủ làm nên của cải trong năm. Bữa cơm ngày Tết, ngoài giò, thịt gà, thịt lợn... thì bánh ống, bánh uôi là hai thứ không thể thiếu của người Mường quê tôi.

 

 

 

                                                                                        Minh Châu

 

 

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục