(HBĐT) - Đã mấy năm rồi, dịp này, Luân đi công tác ra Bắc anh mới có dịp về thăm quê. Quê Luân, một vùng núi, nơi có con suối Khoang, nước quanh năm đầy, trong xanh góp phần cho mấy cọn nước cần mẫn quay vòng cõng nước đổ vào những thửa ruộng bậc thang. Luân nhớ để lại trong lòng nhiều kỷ niệm nhất của thời tuổi trẻ học trò là dưới sườn đồi, một sân bóng chuyền và cây đa cổ thụ. ở đó đã có những câu chuyện tâm tình và những buổi giao lưu đội bóng của các xóm.

 

Khi xe đến chân đèo Mông, khí lạnh tràn xuống từ những đỉnh núi. Luân kéo cổ áo rùng mình với cái rét của miền Bắc. Nhạc chuông điện thoại di động ai đó vang lên. Tiếng lao xao:

- Vùng núi này mà cũng có sóng à.

- ở ngoài này sóng như đã phủ khắp, có người đáp lại.

Xe nặng nề vượt dốc. Luân nhô người lên - Anh nhìn ra bên đường, sương mù dưới thung lũng đang ùn ùn đuổi theo xe. Ra tháng 3 rồi mà trời vẫn còn rét. Trong xe có người đồng cảm nói:

- Rét tháng ba, rét nàng Bân mà.

Xe vẫn nhẫn nại chạy, mọi suy nghĩ trong đầu Luân mông lung. Anh miên man, Tết mấy năm rồi không về được quê, vì đường xa, còn vợ con nữa. Nay ra Tết, kết hợp chuyến công tác ra Viện Lâm sinh lấy tài liệu về phát triển cây cao su Tây Nguyên, nhân dịp về thăm quê luôn.

Kỷ niệm xưa lại ùa về, làm lòng Luân xốn xang. Nhớ lại có một năm sắp đến Tết, trong dòng suối hiền hòa, Thơm - cô bạn gái cùng trường xắn quần áo quá gối lội nước đãi đỗ. Đôi chân Thơm trắng như ngà ngọc làm Luân ngần ngại. Cảm giác có người nhìn, Thơm ngẩng lên.

- Sao thế?

Luân đứng trên bờ suối, hai tai nóng bừng, miệng ấp úng.

- Chẳng biết nữa, đến nhà trả cho Thơm cuốn sách, không thấy… mình ra đây!

Trông điệu bộ của Luân, Thơm khẽ cười:

- Tưởng gì, thôi xuống suối đãi giúp Thơm mớ đỗ này với.

Vừa đỡ rá đỗ ở tay Thơm, Luân vừa hỏi:

- Thơm không thấy lạnh à?

- Có chứ, lúc mới cho chân xuống nước thôi, bây giờ thì quen rồi.

Thơm cười, hàm răng trắng lóa, mấy sợi tóc ướt bết trước trán trông càng thêm đẹp, thêm duyên.

- Anh đừng có mà nhìn em lâu thế.

- Không ngẩng lên sao biết anh nhìn.

- Cần gì, gáy em cháy rồi này.

Một câu nói hóm hỉnh chết người làm Luân lúng túng nhưng rồi anh cũng biện bạch.

- Thế để anh chữa cháy cho nào.

- Nàng té nước về phía anh, anh nghiêng đầu tránh.

Thơm lại nở nụ cười duyên.

- Bao giờ anh đi?

- Ra giêng, ngày mồng 6.

Sau Tết ra đi, Luân mải mê công việc trên đất Tây Nguyên bạt ngàn cây cao su, cà phê. Thời gian, công việc cuốn hút anh thanh niên miền núi phía Bắc. Vì xa cách mỗi người một nơi, anh trong miền đất đỏ Tây Nguyên, chị vùng núi phía Bắc. Anh rong ruổi với cao su, cà phê gặp cô giáo dạy văn trường cấp III huyện Cư Dút (Đắc Nông) quê tận vùng Thanh Hóa đưa cái chữ vào vùng đất đỏ Tây Nguyên. Họ gặp nhau rồi nên vợ, nên chồng. Thơm ở quê đợi chờ nhưng tin tức một ngày một thưa dần. Con gái có thì, có lứa, Thơm theo học lớp y sĩ đào tạo cho địa phương. Tốt nghiệp ra trường, công tác ở trạm xá xã, được cái đức cần cù, trách nhiệm, Thơm đã khám, chữa bệnh được cho nhiều người. Những trường hợp vượt cạn, Thơm cùng đồng nghiệp thăm khám chu đáo, đỡ những đứa trẻ ra đời “mẹ tròn, con vuông” được bà con tín nhiệm, thương yêu quý mến. Sự “mát tay” của Thơm đã làm làng trên, bản dưới ca ngợi, thế rồi để có đội ngũ bác sĩ cho địa phương, Thơm được đi học. Sau những năm miệt mài học tập trên  giảng đường và những buổi đi thực hành trong bệnh viện, tay nghề Thơm được nâng lên. Bây giờ về huyện nhà hỏi đến bác sĩ Thơm thì ai cũng biết, cũng trân trọng. Ngày ra đi, Thơm lấy ra một chiếc gương tròn lọt trong lòng bàn tay trao cho Luân, Thơm nói:

- Đây là mặt trời ngày ngày em vẫn soi mình trong đó, anh cầm lấy, bao giờ nhớ nhau thì đem ra soi. Như thế kể như hai người luôn bên nhau.

Anh dè dặt hỏi:

- Còn em thì sao?

Thơm bảo:

- Anh luôn trong lòng em rồi, con gái đồng đất quê mình là nặng lòng, thủy chung lắm đấy!

Hai người nhìn nhau im lặng, chia tay mà lòng dâng đầy nhớ thương. Ngày anh ra đi, mưa như bụi trắng đầy trời.

Anh cầm tay Thơm hứa một ngày công việc ổn định, yên lành anh về cưới em rồi đón em đi. Nhưng không biết do công việc, do đường sá xa xôi mà ngày ấy cứ xa dần, xa mãi. Đến một ngày anh nghe tin Thơm đã đi học trường Trung cấp y tế trên thành phố, học được cái nghề theo người già trong làng, trong bản là nghề “cứu nhân độ thế”, Thơm yên tâm học tập dù có những lần mong ngóng chờ trông tin anh. Nhưng thư từ, đường xa, người con gái có lúc, có thì đợi chờ vô vọng, Thơm phải đi lấy chồng. Sau này có gia đình, vợ con đề huề, ngày tết đến, ở xa, Luân lại nhớ về quá khứ một thời, cầm kỷ niệm xưa anh lại nhớ “đây là mặt trời, bao giờ thấy nhớ nhau thì đưa ra soi”. Kỷ niệm khó quên, tổ ấm gia đình anh lo vun vén, anh vùi kỷ niệm xưa vào quá khứ.

Tháng 3, anh về quê, xa quê bao năm, bước chân trên đường về, chân anh bước như ríu lại. Cây gạo đầu làng nở hoa, những bông hoa đỏ rực như thắp những đốm lửa lên trời cao xanh tháng 3. Đang đi trên đường, bao kỷ niệm ùa về trong ký ức, một vài bông hoa gạo chim sáo, chào mào nhảy nhót làm rụng xuống, Luân giật mình. Anh bỗng thấy bóng một người con gái vai khoác chiếc túi cứu thương, nhìn dáng người, bước chân đi quen thuộc anh nhận ra nàng. Người con gái năm xưa nay đã già đi nhưng mọi lam lũ, truân chuyên không lấy nổi sắc đẹp của nàng. Nàng sau một lúc ngỡ ngàng cũng nhận ra anh. Thơm đon đả nói:

- Mời anh vào nhà em chơi, anh đừng ngại, anh còn có giận nữa hay thôi?

- Giận gì, chuyện cũ như nấm mục trên cây.

Như đoán được tình cảm của anh, Thơm đoán già, đoán non.

- Vậy trong túi anh, anh có thứ gì đó thôi.

Anh thoáng giật mình. Sao nàng có thể biết anh đang cất gì trong túi áo.

Anh ngập ngừng hỏi lại:

- Sao Thơm biết một mặt trời trong tim?

Nàng cười, đôi hàm răng vẫn trắng, nụ cười vẫn tươi.

- Em là thầy thuốc, em chẩn đoán là chuẩn đấy, anh ơi!

Đến ngã ba làng, hai người chia tay. Anh hẹn trong những ngày về phép sẽ đến thăm nàng. Nói xong, anh bước nhanh, nhưng mỗi bước đi như bị níu lại. Anh ngập ngừng trước cảnh vật, làng bản đổi thay nhưng tình người vẫn nặng. Cái im lặng của con đường trải dài bê tông và của nàng dắt anh về những kỷ niệm đã qua. Anh lơ đãng sờ vào chiếc gương hình mặt trời trong túi áo. Lòng anh chợt dâng đầy thương nhớ.

 

 

                                                                Văn Song (T.T.V)

 

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục