Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh  được rước về đình Trung, xã Yên Trị (Yên Thủy).

Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được rước về đình Trung, xã Yên Trị (Yên Thủy).

(HBĐT) - Di tích đình Trung nằm dưới chân núi ông Voi, thôn Minh Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) được xây dựng cách đây khoảng 200 năm làm nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân trong thôn, làng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây còn được sử dụng làm trụ sở phục vụ cách mạng. Đình nằm trong hệ thống quần thể di tích đình Thượng, đình Trung, đình Hạ thuộc xã Yên Trị.

 

Hiện nay không còn lưu giữ được các sắc phong, thần phả. Theo lời kể của các vị cao niên trong thôn, đình Trung thờ vị anh hùng cứu nước Trương Hát, một vị tướng giỏi dưới thời Việt Vương Triệu Quang Phục. Để tưởng nhớ Tiểu Dương Giang đô hộ quốc thần vương Trương Hát, hàng năm, vào ngày 13 tháng giêng, người dân tổ chức lễ hội với các hoạt động tín ngưỡng thông qua những thần phả, thần tích, nghi trình, nghi thức của lễ hội để ôn lại truyền thống và qua đó giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân tới cộng đồng. Ngoài lễ hội chính được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, tại  đền Trung còn tổ chức các lễ nhỏ khác như: Tết thượng nguyên tổ chức vào rằm tháng riêng; lễ Khai đại mạch vào ngày 1/3 âm lịch; lễ hạ điền (xuống đồng) vào ngày mồng 1/4 âm lịch; lễ thượng điền, vào ngày 24/6 âm lịch; lễ cơm mới vào ngày 15/10 âm lịch. Qua các lễ hội giúp mỗi thành viên tham dự các hoạt động tín ngưỡng có tâm trạng vui tươi, phấn khởi để lao động sản xuất, giúp đỡ nhau, xây dựng cuộc sống no ấm, quê hương giàu đẹp.

 

Trước đây, đình được dựng theo kiểu chữ nhất với 3 gian, 2 chái, chiều dài khoảng 9m, chiều rộng khoảng 15 m. Theo thời gian cùng sự ảnh hưởng của thiên nhiên đã làm cho ngôi đình xưa bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều đồ thờ tự đã bị mất. Bằng sự nỗ lực đóng góp của nhân dân, đến năm 2004 đã xây thêm được tường bao và tu sửa. Hiện nay, đình Trung đã được tu sửa với chiều dài 8,7 m, chiều rộng 12,30 m, tọa lạc trên khu đất 1.857,4m2. Mặt đình quay hướng đông, trước cửa đình là cánh đồng mênh mông bát ngát tạo cho sự phát triển và vươn xa. Phía sau đình là ngọn núi ông Voi như điểm tựa chắc. Theo truyền thuyết, đây là nơi đất thiêng, nơi các thánh thần thường hiển linh báo cho dân làng biết điềm lành, dữ. Vì vậy, ngoài ý nghĩa lịch sử, văn hoá, ngôi đình là chỗ dựa tinh thần của  nhân dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng tươi tốt.

 

Về kiến trúc, đình Trung hiện còn 4 bộ vì kèo tạo thành 3 gian. Hai bộ ở giữa kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng; hai bộ vì hai bên kết cấu kiểu vì ván mê và hệ thống các vì nách đều kết cấu kiểu kẻ ngồi với 4 hàng chân cột, 8 cột cái khá lớn, có chu vi tới 1 m, cao 4,45 m, 8 cột quân có chu vi 75 cm, cao 3,15 m, các cột hiên cao 2,1 m. Các  cột đều được đặt trên chân tảng kê bằng đá  xanh  tạo hình hạ vuông, thượng tròn, biểu trưng cho trời tròn, đất vuông. Các cột đều bào trơn, đóng bén. Đòn tay bằng gỗ xẻ dọc, dui mè bằng bương, tre. Tất cả các cột, vì kèo đều được trạm nổi bong kênh hình hoa lá. Đặc biệt, ở hai vì đầu hồi điêu khắc hình mặt hổ phù ngậm thọ và hổ phù ẹo mặt trăng là biểu tượng cầu được mùa màng.

 

Trải qua thời gian, đình Trung hiện vẫn là ngôi đình có kiến trúc gỗ đẹp và tương đối hoàn chỉnh, là nguồn tư liệu quý cho các nhà khoa học nghiên cứu về kiến trúc và văn hóa sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mường trong mối quan hệ Mường - Việt. Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, hiện nay, trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ khác như 2 đòn kiệu cổ được chạm bong kênh rồng thời Nguyễn, 1 hòm đựng sắc phong, 3 bát hương gốm Thổ Hà, 3 bát hương gốm men trắờng, 8 đĩa gốm men trắng, 1 chiêng hiệu, 2 nậm rượu gốm, 5 chén ngọc, 1 chân đế bát hương bằng gỗ có chạm mặt hổ phù, 2 ngai thờ bằng gỗ... Với những giá trị vật thể và phi vật thể, đình Trung vừa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 25/1/2016.

 

 

                                                                              Đỗ Hà

 

 

 

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục