Ngày 16-8, Bộ Quốc phòng Nga bất ngờ tiết lộ rằng, Nga đã triển khai máy bay ném bom chiến lược đến I-ran và tiến hành giội bom vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Xy-ri.

 

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 của Nga hiện diện ở sân bay Ha-mê-đan, I-ran. Ảnh: AP 

 

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, các máy bay ném bom cường kích Tu-22M3 và tiêm kích Su-34 sau khi tập trung tại căn cứ không quân Ha-mê-đan của I-ran nạp bom, đã đồng loạt tiến hành không kích nhằm vào sào huyệt của IS và tổ chức khủng bố Jabhat Al-Nusra ở 3 tỉnh, thành phố của Xy-ri gồm: A-lép-pô, Đê-i E-dô và Ít-líp. Kết quả là đã phá hủy "5 kho chứa vũ khí, đạn dược và nhiên liệu", một số trại huấn luyện của phong trào thánh chiến Jihad gần A-lép-pô, Đê-i E-dô và Ít-líp. Ngoài ra, các vụ ném bom còn nhằm vào 3 trung tâm chỉ huy ở gần làng Gia-phra và Đê-i E-dô, tiêu diệt "một lượng lớn" tay súng.

 

Theo RT, đây là kết quả của thỏa thuận hợp tác quân sự Nga - I-ran. Số lượng máy bay ném bom chiến lược triển khai tại I-ran không được tiết lộ. Bức ảnh 3 chiếc Tu-22M3 và một máy bay vận tải IL-76 xuất hiện ở I-ran được trang tinAl-Masdar đăng tải đầu tiên.

Lý do chính khiến Nga quyết định triển khai máy bay ném bom chiến lược ở I-ran là để giảm thời gian tiếp cận, ném bom mục tiêu khủng bố ở Xy-ri. Nếu như cất cánh từ căn cứ không quân ở Mozdok (Nga), các máy bay này sẽ phải trải qua hành trình khoảng 2.000km để đến không phận Xy-ri. Trong khi đó, cất cánh từ I-ran sẽ giúp giảm quãng đường bay xuống còn khoảng 700km. Căn cứ Hmeymim ở tỉnh La-ta-ki-a, Xy-ri vốn được lực lượng Không quân Vũ trụ Nga sử dụng để không kích IS, không phù hợp cho các máy bay hạng nặng như Tu-22M3.

Đây là vụ không kích đầu tiên mà Nga thông báo tiến hành từ căn cứ không quân ở I-ran kể từ khi Mát-xcơ-va bắt đầu chiến dịch ném bom hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát (Bashar Al Assad ) tiêu diệt phiến quân Hồi giáo cực đoan. Hiện I-ran và Nga cũng là hai nước đồng minh ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống An Át-xát. Trước đó, hồi tháng 6, các Bộ trưởng Quốc phòng: Nga, I-ran và Xy-ri đã có các cuộc hội đàm tại thủ đô Tê-hê-ran nhằm thảo luận vấn đề tăng cường hợp tác giữa 3 nước trong cuộc chiến chống IS và nhóm khủng bố Mặt trận ​Al Nursa - chi nhánh của mạng lưới khủng bố Al Qaeda ở Xy-ri. Bộ trưởng Quốc phòng I-ran, H.Đê-han (Hossein Dehghan) cho biết ông và hai người đồng cấp Nga, Xy-ri đã nhất trí tiến hành “cuộc chiến quyết định” chống lại tất cả các nhóm khủng bố trong khu vực. Theo tướng Đê-han, mục đích của cuộc chiến này có thể đạt được bằng cách “gây trở ngại hoặc ngăn chặn” các nguồn hậu thuẫn về chính trị và vũ khí có thể giúp cho các nhóm khủng bố mở rộng phạm vi hoạt động. Bộ trưởng Quốc phòng I-ran nêu rõ, cuộc chiến chống khủng bố phải được tiến hành dựa trên “một kế hoạch chung và các ưu tiên rõ ràng,” phối hợp ở cấp độ khu vực và trên trận địa.

Nga bắt đầu can thiệp quân sự ở Xy-ri kể từ tháng 9 năm ngoái, theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống An Át-xát. Chiến dịch không kích của lực lượng không quân Nga được đánh giá mang lại những kết quả tích cực, đẩy lui và gây thiệt hại nặng nề cho các nhóm khủng bố ở phía Đông và Bắc nước này. Gần đây, chiến sự ở A-lép-pô đang ngày càng leo thang, khi cả hai bên tham chiến đều tăng cường lực lượng nhằm giành thêm lợi thế tại địa bàn trọng yếu này. 

Trong bối cảnh giao tranh tại A-lép-pô vẫn tiếp tục dữ dội trong những ngày gần đây, Bộ Quốc phòng Nga ngày 16-8 cho biết, nước này gần đạt được một thỏa thuận với Mỹ trong việc giải quyết khủng hoảng ở khu vực trọng yếu này. Phát biểu trên Đài Truyền hình Royssia 24, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sôi-gu nói rằng, giới chức quân sự của Mỹ và Nga đang ở trong giai đoạn đàm phán rất tích cực ở Giơ-ne-vơ cũng như ở Am-man. Hai bên đã từng bước tiếp cận kế hoạch để tiến tới một thỏa thuận nhằm xoa dịu tình hình ở A-lép-pô, thành phố lớn thứ hai của Xy-ri nhiều tháng qua chứng kiến sự leo thang đột biến về chiến sự. “Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn đàm phán rất tích cực với phía Mỹ", hãng thông tấn RIA dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, Bộ trưởng Sôi-gu nhấn mạnh, thỏa thuận mà hai nước hướng tới sẽ chỉ được áp dụng trong giới hạn ở thành phố A-lép-pô. “Chúng tôi đang từng bước tiến gần tới một kế hoạch mà sẽ thật sự cho phép chúng tôi cùng chiến đấu để mang lại hòa bình, để người dân có thể trở về nhà ở vùng đất khốc liệt này và ở đây tôi chỉ đang nói về A-lép-pô”, ông Sôi-gu nói.

Mặc dù Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn hiện vẫn bất đồng quan điểm trong cuộc nội chiến tại Xy-ri, nhưng cả Mỹ và Nga vẫn đang tham gia đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột vốn đã kéo dài 5 năm qua tại Xy-ri. Khi được hỏi về các phát ngôn của ông Sôi-gu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ê.Tru-đô (Elizabeth Trudeau) trả lời: “Chúng tôi đã xem qua các báo cáo, tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa thể tuyên bố thông tin gì thêm. Chúng tôi vẫn đang liên lạc với phía giới chức Nga”.

 

                                                                                    Theo QĐND

Các tin khác


Nga: Nước lũ dâng nhanh, trên 125.000 người phải sơ tán

Ngày 16/4, giới chức Nga cho biết mực nước trên các con sông ở khu vực giao giữa dãy núi Ural và Tây Nam Siberia của nước này tiếp tục dâng nhanh, khiến hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước, người dân rơi vào cảnh mất điện và phải sơ tán khẩn cấp.

Ai Cập kêu gọi tăng cường viện trợ cho phía Bắc Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc, trong cuộc họp tại Cairo với Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của Liên hợp quốc (LHQ), bà Sigrid Kaag.

Sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống, bất chấp mối lo ngại sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Liên hợp quốc tìm cách tháo ngòi “thùng thuốc súng”Trung Đông

Theo phóng viên TTXVN tại New York, chiều 14/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13/3.

Hệ thống phòng không Israel căng mình chống tên lửa, máy bay không người lái Iran

Tối 13/4, Iran đã phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái hướng đến lãnh thổ Israel.

Hàng không Mỹ đề xuất hạn chế cấp phép cho các chuyến bay từ Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các hãng hàng không lớn của Mỹ và một số nghiệp đoàn đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng phê duyệt thêm chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc do chính sách "chống cạnh tranh” mà Trung Quốc áp đặt lên các hãng hàng không Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục