Khi Biden hứa nhiệm kỳ của ông sẽ không hỗn loạn như dưới thời Trump, nhiều người đã lo ngại về một nước Mỹ "nhàm chán" và thiếu kịch tính.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Joe Biden bị đánh giá là một đảng viên Dân chủ ôn hòa điển hình, dành nhiều thập kỷ tại Thượng viện Mỹ để đảm nhiệm vai trò "sứ giả" trong các thỏa hiệp giữa hai đảng. Ông từng hai lần bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng với màn thể hiện tồi tệ, rồi trở thành "phó tướng" dưới cái bóng quá lớn của Barack Obama.

Tuy nhiên, ngày 7/11, Biden được "xướng tên" là người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ và sẽ tiếp quản quyền lãnh đạo quốc gia từ đương kim Tổng thống Donald Trump vào tháng 1/2021.

Tại phiên hỏi đáp với cử tri trên kênh ABC hôm 15/10, Biden cho biết việc đầu tiên ông sẽ thực hiện trên cương vị tổng thống là gặp gỡ các nghị sĩ Cộng hòa, nhằm nỗ lực hòa giải lưỡng đảng như ông vẫn làm trong 36 năm tại Thượng viện. "Sau khi Trump bị loại, tôi hứa với mọi người rằng sẽ có 4-8 thượng nghị sĩ Cộng hòa sẵn sàng thay đổi quan điểm", Biden nói.

Theo bình luận viên Doyle McManus của LA Times, phát biểu này thể hiện phong cách cũ của Biden. Tuy nhiên, khi nhìn vào những đề xuất hồi tháng 8, thời điểm Biden được đảng Dân chủ trao đề cử tổng thống, hình ảnh của ông bỗng khác biệt. Ông trở thành một ứng viên với những kế hoạch đủ tham vọng để nhận được sự ủng hộ từ Bernie Sanders và Elizabeth Warren, hai thượng nghị sĩ cấp tiến điển hình từng hoài nghi và đối đầu với Biden trong vòng sơ bộ.

"Lời hứa về một nhiệm kỳ không hỗn loạn không đồng nghĩa với việc thiếu đột phá. Khả năng cao là nhiệm kỳ của ông ấy sẽ không nhàm chán chút nào", McManus nhận định.

Biden bước vào chiến dịch tranh cử với khẩu hiệu "Tái xây dựng tốt hơn", hướng đến hy vọng hồi sinh nước Mỹ sau thảm họa kinh tế như cố tổng thống Dân chủ Franklin Roosevelt, đồng thời đưa đất nước chuyển mình về cơ bản trong những thập kỷ tới. Theo thượng nghị sĩ Sanders, dựa trên những lời hứa tranh cử của Biden, ông sẽ trở thành "tổng thống cấp tiến nhất kể từ sau Roosevelt".

Chương trình nghị sự "Tái xây dựng tốt hơn" dự kiến bao gồm hơn 6 nghìn tỷ USD chi tiêu trong một thập kỷ, mà Biden khẳng định ông có thể thương lượng với phe Cộng hòa tại quốc hội. "Chúng tôi sẽ không chỉ làm qua loa", cựu phó tổng thống Mỹ tuyên bố.

Vấn đề đầu tiên mà chính quyền Biden dự kiến giải quyết là đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng mà ông chỉ trích chính quyền Trump điều phối thất bại. Do đó, một trong những vị trí đầu tiên mà Biden được cho là sẽ bổ nhiệm là một quan chức phụ trách xử lý tình trạng thiếu nguồn lực xét nghiệm và thiết bị bảo hộ cá nhân.

Biden muốn chính phủ liên bang tuyển 100.000 người để thực hiện công tác truy vết tiếp xúc, đồng thời khuyến khích cả những người Mỹ không có triệu chứng đi xét nghiệm nếu họ từng tiếp xúc với ca nhiễm. Biden thừa nhận dù trên cương vị tổng thống, ông vẫn sẽ thiếu thẩm quyền theo hiến pháp để áp đặt lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, nhưng sẽ cố gắng vận động ở cấp địa phương, cùng với những lệnh hạn chế và phong tỏa mới nếu cần thiết.

Ông còn thúc đẩy trả khoản tiền đảm bảo rủi ro cho những người lao động làm công việc thiết yếu, cam kết tất cả người dân Mỹ, dù có bảo hiểm hay không, cũng sẽ không phải tự bỏ tiền túi để tiêm vaccine phòng Covid-19 sau khi chúng sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Về kinh tế, vấn đề Biden bị đánh giá yếu thế hơn so với Trump, cựu phó tổng thống đề xuất mức đầu tư công vào các doanh nghiệp Mỹ cao chưa từng thấy kể từ sau thế chiến II. Ông muốn chính phủ liên bang cấp 400 tỷ USD ngân sách trong 4 năm để mua hàng hóa và dịch vụ nguồn gốc từ Mỹ, cùng 300 tỷ USD nghiên cứu và phát triển những sáng kiến năng lượng sạch.

Biden còn kêu gọi mức lương tối thiểu liên bang đạt 15 USD và tích cực ủng hộ công đoàn. Ông muốn Bộ Tài chính Mỹ cấp các khoản vay không lãi suất cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ "trong suốt giai đoạn" khủng hoảng vì đại dịch.

Theo phân tích của tập đoàn Moody, các đề xuất của Biden ước tính tạo ra 18,6 triệu việc làm mới trong nhiệm kỳ của ông, cùng mức tăng thu nhập sau thuế trung bình là 4.800 USD. Trong khi đó, các chính sách của Trump ước tính tạo ra 11,2 triệu việc làm mới và tăng thu nhập danh nghĩa cho các hộ gia đình trung bình.

"Ý tưởng là xây dựng một cấu trúc giúp nền kinh tế có tính bao trùm hơn và tăng khả năng chống chọi với các cú sốc", Jared Bernstein, cố vấn của Biden, giải thích. Điều này tương tự với quan điểm của Roosevelt, rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế quá lớn không chỉ đòi hỏi hành động của liên bang, mà còn tạo thời cơ đưa ra những thay đổi mang tính bước ngoặt.

Về chính sách y tế, Biden đã bác bỏ ý tưởng "bảo hiểm cho tất cả" trong vòng bầu cử sơ bộ. Thay vào đó, ông cam kết củng cố và mở rộng Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Giá phải chăng, hay còn gọi là Obamacare, chính sách hiện được 62% người Mỹ ủng hộ.

Những đề xuất của Biden được dự đoán giúp cung cấp thêm bảo hiểm cho hàng triệu người thu nhập thấp tại hàng chục bang từ chối mở rộng chương trình Medicaid (hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp). Ông cũng muốn hạ độ tuổi đủ điều kiện tham gia chương trình Medicare (hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và khuyết tật) từ 65 xuống 60, đồng thời đầu tư 125 tỷ USD trong 10 năm cho công tác cai nghiện.

Về vấn đề thuế, Biden đề xuất đánh thuế các tập đoàn và giới thượng lưu ở mức cao hơn nhiều. Các kế hoạch của ông dự kiến giúp thu về khoảng 3,8 nghìn tỷ USD tiền thuế trong thập kỷ tới, với 75% đến từ 1% hộ gia đình có thu nhập cao nhất và hơn một nửa thuộc về top 0,1%, bao gồm những người Mỹ kiếm hơn 3,2 triệu USD/năm.

Mức thuế cá nhân cao nhất sẽ trở về 39,6%. Lãi từ vốn mà các triệu phú tích lũy sẽ bị đánh thuế như thu nhập thông thường. Thuế suất doanh nghiệp sẽ tăng từ 21% lên 28%. Biden còn đề xuất áp dụng mức thuế lương an sinh xã hội 12,4% đối với những người thu nhập trên 400.000 USD.

Về giáo dục, ngoài chương trình mầm non cho tất cả trẻ 3-4 tuổi, Biden ủng hộ Đạo luật Đại học cho Tất cả mà thượng nghị sĩ Sanders đề xuất, giúp cung cấp khoản trợ cấp liên bang phù hợp dành cho các bang miễn học phí đại học và cao đẳng đối với những sinh viên thuộc hộ gia đình thu nhập dưới 125.000 USD.

Biden đề xuất đầu tư đáng kể vào những trường cao đẳng cộng đồng, nhằm cải thiện cơ sở vật chất và miễn học phí. Ông còn muốn cấm các trường bán công vì mục đích lợi nhuận và tăng gấp ba lần viện trợ liên bang, từ 16 tỷ USD lên khoảng 48 tỷ USD, dành cho những học khu thu nhập thấp.

Về môi trường, Biden đề xuất đầu tư 2 nghìn tỷ USD vào năng lượng sạch. Ông muốn nâng cấp 4 triệu tòa nhà để đáp ứng những tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính với tất cả tòa nhà mới vào năm 2030, lắp đặt 500 triệu tấm pin mặt trời và 60.000 tuốc bin gió do Mỹ sản xuất nhằm loại bỏ phát thải khí carbon từ ngành năng lượng vào năm 2035.

Mục tiêu tham vọng nhất là góp phần giúp Mỹ đạt mức phát thải CO2 bằng không vào năm 2050. "Tôi nghĩ xử lý vấn đề biến đổi khí hậu là một công việc phải làm", Biden cho hay. Tối 4/11, giữa lúc đang thắng thế trong cuộc đua với Trump, Biden cam kết trên Twitter rằng "trong đúng 77 ngày nữa, chính quyền Biden sẽ tái gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu".

Về tư pháp, Biden đề xuất tạo ra một chương trình trợ cấp liên bang trị giá 20 tỷ USD, nhằm khuyến khích các bang hạn chế quyết định bỏ tù. Ông còn muốn bãi bỏ án tử hình ở cấp liên bang, cho phép các bang hợp pháp hóa cần sa vì mục đích giải trí mà không cần lo ngại về áp lực từ cấp chính phủ. Biden bác bỏ ý tưởng giải tán cảnh sát, nhưng ủng hộ những lời kêu gọi cải cách.

Nhiều đề xuất của Biden còn hướng tới giải quyết vấn đề bất bình đẳng chủng tộc, như kế hoạch miễn học phí trường đại học công lập cho các gia đình trung lưu. "Ngay cả trong những thời điểm thuận lợi, cộng đồng người da màu vẫn bị tụt lại phía sau. Đến khi khó khăn, họ lại chịu tác động đầu tiên và sâu sắc nhất. Họ cũng mất nhiều thời gian nhất để hồi phục", Biden cho hay.

Cố tổng thống Roosevelt nắm lợi thế to lớn để thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng, là thế đa số của phe Dân chủ tại cả thượng viện và hạ viện. Trong khi đó, những đề xuất của Biden đi xa tới đâu còn phụ thuộc vào diễn biến cuộc đua giành ghế tại quốc hội.

Ngoài Biden, hầu như không có ai hy vọng đảng Cộng hòa sẽ hợp tác. Ngay cả cựu phó tổng thống Mỹ cũng thừa nhận ông sẽ không bất ngờ nếu chỉ có vài đảng viên Cộng hòa chịu "bắt tay". Thêm vào đó, chính phe Dân chủ, vốn ủng hộ ông hết mình trong chiến dịch tranh cử, được đánh giá sẽ mâu thuẫn với ông về mức độ cấp tiến và ngân sách cho các đề xuất.

"Về cơ bản, Biden phải làm điều gì đó mang tính lịch sử", nhà hoạt động Dân chủ Saikat Chakrabarti nêu ý kiến. "Với một cơn suy thoái và một đại dịch được đặt vào tay, ông ấy được bầu để thực sự giải quyết vấn đề và làm điều gì đó lớn lao".


Theo VnExpress

Các tin khác


Nhiều tài khoản Twitter giả phát tán thông tin sai lệch về bầu cử Mỹ

Từ nhiều tháng nay, các cơ quan tình báo và an ninh bầu cử Mỹ cũng đã cảnh báo về khả năng xảy ra những hoạt động can thiệp nhằm gây hoang mang, nghi ngờ về tiến trình bầu cử dân chủ.

Bão Eta ''càn quét'' Trung Mỹ khiến ít nhất 50 người thiệt mạng

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Mỹ, bão Eta tiếp tục "càn quét" các nước Trung Mỹ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tại Guatemala, siêu bão này đã gây lở đất kinh hoàng trên diện rộng, cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 người tại nước này.

Ông Biden tuyên bố đủ phiếu để chiến thắng, kêu gọi người dân đoàn kết

Chiều 4/11 (rạng sáng 5/11 theo giờ Việt Nam), ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã có bài diễn văn gửi người hâm mộ, vào thời điểm kết quả kiểm phiếu tại các bang chiến địa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đang tới lúc hạ màn.

Cử tri Mỹ trong ngày Bầu cử năm 2020

Dù bỏ phiếu trước hay đúng ngày 3-11 thì phần lớn cử tri Mỹ đều có một điểm chung là đeo khẩu trang, một số người còn dùng tấm che mặt, và thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn khi tham gia cuộc bầu cử năm nay. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành và Mỹ là quốc gia có số người mắc, tử vong do Covid-19 nhiều nhất trên thế giới, hơn 100 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Diễn biến COVID-19 tới 6h ngày 30/10: Thế giới vượt 45 triệu ca bệnh; WHO e ngại tốc độ tăng ca mắc

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 511.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.500 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 45 triệu ca, trong đó trên 1,18 triệu ca tử vong.

Thế giới ghi nhận trên 44,3 triệu ca mắc, 1,17 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 28/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 44.390.969 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.174.109 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 32.529.946 người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục